- Có một người thầy trở thành nổi tiếng sau vụ án oan của người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén.
Đó là thầy giáo Nguyễn Thận, người đã mười mấy năm vác đơn ngược xuôi kêu oan cho gia đình học trò của mình, không quản ngại những căn bệnh bất ngờ ập tới, không chùn bước trước im lặng của cường quyền.
Trong buổi trò chuyện với VietNamNet, ông đã chia sẻ những ám ảnh, niềm tin và điều còn day dứt sau khi vụ án kết thúc.
Nhà báo Thanh Huyền: Sau nhiều năm đi giải oan cho học trò của mình, điều gì đã để lại nỗi ám ảnh lớn nhất cho ông? Và có khi nào ông cảm thấy quá khó khăn và muốn từ bỏ?
Thầy giáo Nguyễn Thận: Trước hết, tôi xin cảm ơn báo Vietnamnet và bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ với tôi.
Nói đến nỗi ám ảnh thì có, có khi tôi cảm thấy bất lực, có lúc tôi thấy kiệt quệ, kể cả về kinh tế, về sức khỏe. Nhưng tôi có một niềm tin. Đôi lúc tôi như cảm thấy tôi là người bị nỗi oan ức đó. Cho nên, nó ám ảnh dai dẳng khi mà tôi cố chứng minh sự thật.
Có thể lúc này lúc khác, có người nghe, có người không nghe. Có một điều mà tôi rất vui là giới truyền thông đã giúp tiếng nói rộng khắp, tạo một dư luận, đánh động lương tâm của mỗi con người, đặc biệt là giới luật sư. Qua nhiều giai đoạn tố tụng khác nhau, nhưng họ cũng đeo đuổi đến cùng. Họ cũng đeo đuổi cùng với tôi. Rồi thậm chí có bạn nhà báo của bảy báo khác nhau, luật sư thì họ tự nguyện, họ bào chữa miễn phí cho Huỳnh Văn Nén. Lẽ đương nhiên, cuộc sống của họ, của mỗi gia đình có lúc cao trào, có khi thăng trầm do cuộc sống. Nhưng tôi, giống như làm nhịp cầu nối, như một người truyền cảm hứng. Chính vì vậy cho đến hôm nay, câu chuyện buồn về Huỳnh Văn Nén kết thúc có hậu.
- Thưa ông, trong vụ án giải oan cho Huỳnh Văn Nén, có một mấu chốt là bức thư của người tù Nguyễn Phúc Thành, anh Thành đã không tin tưởng cán bộ điều tra mà lại đưa bức thư đó cho ông. Mẹ của anh Thành đã đặt hết niềm tin, sự hy vọng vào ông. Và khi đưa được bức thư đến tay ông thì bà đã trút được một gánh nặng rất nặng nề. Vậy trong quá trình như thế, trong suốt mười mấy năm như thế, đi đến đâu cũng không nhận được sự hồi âm, các luật sư nhiều khi họ cũng nản lòng. Vậy ông có cảm thấy niềm tin mà mẹ anh Thành và anh Thành đặt lên ông như vậy là một áp lực không?
Khi tôi nhận được bức thư của người tù Nguyễn Phúc Thành ở trong tù do người mẹ chuyển đến. Đối chiếu với những gì tôi thu thập được trong quá trình cơ quan điều tra. Bởi lẽ trước đó khi mà bắt tạm giam Huỳnh Văn Nén thì tôi đã đề nghị cơ quan điều tra mở rộng điều tra xem có phải Huỳnh Văn Nén là kẻ duy nhất gây ra vụ án giết bà Dương Thị Mỹ.
Vì đặc thù của vụ án Huỳnh Văn Nén liên quan đến vụ án vườn điều. Có vụ án này thì có vụ án kia. Từ vụ án giết bà Lê Thị Bông, cơ quan điều tra bắt Nén và buộc Nén phải khai ra chính …. khác trong dòng tộc của mình là vụ án vườn điều. Từ niềm tin khi chúng tôi thấy rằng có thể bỏ lọt tội phạm. Thì bức thư đó, bức thư của người tù lúc đó gợi cho tôi, họ đã thụ án được 18 tháng chỉ còn 3 tháng nữa là họ xong trách nhiệm thi hành án và họ gửi, không phải gửi cho tôi mà gửi cho cả các cơ quan bảo vệ trước đó.
Tôi vẫn nhớ rõ ngày 26/8/2000, trước khi vụ án Huỳnh Văn Nén được đưa ra xét xử 31/8/2000 thì các cơ quan bảo vệ pháp luật đã được ông Trung tá Nguyễn Văn Phóng giám thị trại giam của trại giam Sông Cái thuộc V6 Bộ Công An tiếp nhận và chuyển đơn của người tù tố cáo gửi lên cho các cơ quan có thẩm quyền. Sau đó người tù chưa yên tâm, người tù lại viết một cái thư tay nhân ngày 2/9, mẹ của người tù đó đi thăm nuôi tại trại giam Sông Cái thì mới gửi bức thư đó chuyển đến cho tôi.
Tôi thấy rằng, đối chiếu với hồ sơ, những nghi ngờ của tôi trước đây khi bày tỏ với cơ quan điều tra là có dấu hiệu có thể lọt tội phạm. Vì vậy, tôi trình bày với tập thể lãnh đạo của cấp xã. Và tập thể lãnh đạo giao trách nhiệm cho tôi nên có một văn bản hay một tờ trình.
Tức là từ một văn bản tố cáo chuyển hóa trở thành một công văn, thành một tờ trình gửi đến các cấp lãnh đạo của Trung Ương, đến tỉnh. Với khả năng của mình. Bởi vì, ở cấp xã thì chúng tôi lúng túng, phải trình bày với các cấp có thẩm quyền.
Tôi chuyển bằng chuyển phát nhanh và vì chưa yên tâm nên tôi đi gặp 4 nơi, tôi phải trình bày trực tiếp. Đó là vào tháng 10/2000, tôi cầm hồ sơ vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi dắt cụ Huỳnh Văn Truyện tới gặp ông Đinh Thế Trạc Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi gặp ông Nguyễn Xuân Phát, Phó chánh án tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi vừa đưa hồ sơ, vừa trình bày miệng rằng, tôi là Chủ tịch, đây là ông Huỳnh Văn Truyện và con ông có dấu hiệu bị oan sai. Và có kẻ khác, một tù nhân đã tố cáo người giết bà Lê Thị Bông không phải là anh Huỳnh Văn Nén mà là hai người khác.
Tôi tự tin và tôi tin chắc rằng phải làm rõ lời tố cáo này có đáng tin cậy hay không. Chính vì thế mà tôi chuyển hóa nó thành văn bản mang tính pháp lý, mang một chứng cứ.
Và niềm tin đó thôi thúc tôi bởi lẽ tôi không biết có sự che chắn hay không hay không dám làm rõ sự thật đó hay không.
Nhưng các văn bản của các cơ quan bảo vệ pháp luật khi trả lời cho ông Huỳnh Văn Truyện vẫn trả lời rằng Huỳnh Văn Nén có tội và hai kẻ giết người khác là ngoại phạm.
Có thể mệt mỏi, có thể có nỗi ám ảnh nhưng tôi vẫn cứ tin. Niềm tin đó không phải là một sự mù quáng. Niềm tin đó không phải tự dưng mà có. Niềm tin đó là một sự thật.
Và nếu sự thật không được nói ra thì tôi bị ám ảnh suốt đời.
Nếu tôi có mất đi thì thôi, chứ nếu còn sống thì tôi tin chắc rằng cái ngày đó phải đến.
Và đúng y như vậy, cái ngày Nén được Viện kiểm sát tối cao chấp nhận kháng nghị và Tòa tối cao có quyết định hủy án và Cơ quan điều tra phải ra quyết định tuyên bố Huỳnh Văn Nén không phạm tội giết bà Lê Thị Bông.
"Tôi chỉ là một người trong rất nhiều người mà anh Thận tiếp cận để cung cấp thông tin và mời tham gia vụ án giúp cho người dân. Là một chủ tịch xã mà ông đi kêu oan cho dân, ông thao thức suốt đêm như vậy. Rồi có những lúc, đêm mưa như vậy ông đưa người thân của ông Huỳnh Văn Nén vào tận nhà của tôi để nói nhà báo tiếp tục đi, đừng có buông vụ án này. Thế thì làm sao chúng tôi có thể buông được. Chính vì sự kiên nhẫn đó của anh, sức thuyết phục đó của anh đã làm cho chúng tôi tiếp tục theo vụ án cho tới cuối cùng. Nếu anh Thận không như thế thì chưa chắc đã có nhiều nhà báo tham gia như hôm nay." - nhà báo Lê Thanh Phong (báo Lao Động). |
Thực hiện: VietNamNet