Tư duy hợp tác quyết định sự phát triển của ĐBSCL

“Sau đại dịch, TP.HCM sẽ phục hồi kinh tế nhanh hơn so với khu vực ĐBSCL. Bởi, TP.HCM là một thực thể kinh tế nên sự chủ động, sự điều phối, sự lãnh đạo dễ hơn so với 13 tỉnh ĐBSCL. Hiện, 13 tỉnh ĐBSCL không phải là một thực thể kinh tế mà chỉ là 13 mảnh ghép của 13 địa giới hành chính khác nhau”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi mạc Diễn đàn Mekong Connect 2021 diễn ra sáng 17/12.

Theo ông Hoan, một ao cá giống nằm ở Long An nhưng nhà máy chế biến nằm ở TP. Cần Thơ, còn thị trường tiêu thụ phải đi qua cửa ngõ TP.HCM. Một thương lái ở TP. Cần Thơ lại đi mua lúa gạo ở tận Đồng Tháp, Bến Tre. Có thể thấy, những mạch máu kinh tế chi chít ở 13 tỉnh ĐBSCL và không đóng khuôn trong một địa giới hành chính nào cả.

Đại diện một DN Úc từng nói với ông Hoan (thời điểm ông còn giữ cương vị Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp) rằng, các DN Úc không biết địa danh Đồng Tháp, An Giang hay Bến Tre ở đâu. Nhưng khi nói đến Mekong Delta (ĐBSCL) thì ai cũng biết, vì địa danh này được nhắc đến trong các bộ sách giáo khoa về địa lý học của cả thế giới. Người ta biết đó là một trong những đồng bằng lớn nhất thế giới. Chia sẻ trên cho thấy sự cần thiết của một mối liên kết để phát triển giữa các địa phương trong vùng.

{keywords}
Ông Lê Minh Hoan: Hãy viết tên riêng của các địa phương nhỏ lại để chữ ĐBSCL, chữ Việt Nam được lớn hơn

“Tôi mong rằng, mỗi địa phương có thể ghi tên địa danh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre viết nhỏ lại để chữ Mekong Delta được lớn hơn, hoặc chữ Việt Nam lớn hơn. Khi ngồi trong địa giới hành chính có thể tự hào rằng sản lượng sản xuất tại đó lớn nhưng từ góc nhìn thị trường bên ngoài thì rất nhỏ. Do đó, cần sự liên kết để tạo sức mạnh, mở rộng quy mô thị trường. Để tương lai có một ĐBSCL mang thương hiệu thế giới”, ông Hoan nói.

Dẫu vậy, câu chuyện liên kết vùng ĐBSCL đã nói từ 20 năm qua nhưng "trăm dâu đổ đầu tằm", chỉ quy kết do hệ thống giao thông bị đứt gãy. Nhưng thực ra, hạ tầng không phải lý do duy nhất. Bản chất là tư duy liên kết, tư duy hợp tác của chính người đồng bằng với nhau. Hạ tầng là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ cho ĐBSCL.Tư duy hợp tác giữa các địa phương sẽ quyết định. 

TP.HCM và ĐBSCL đều rất cần nhau

Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch TP.HCM - ông Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL vừa trải qua những giai đoạn khó khăn nhất, chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Nhiều tổn thương, hy sinh, mất mát và cả những ảnh hưởng nặng nề trên các mặt kinh tế - xã hội. Đến nay, khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát, cần cố gắng duy trì kiểm soát dịch, vừa lo phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Mục tiêu của Mekong Connect 2021 là cùng tìm giải pháp phục hồi kinh tế cho năm 2022 và liên kết phát triển trong điều kiện bình thường mới. Hai chữ “phục hồi” và “liên kết” đã nói lên quyết tâm của các bên về sự liên kết hợp lực, đưa kinh tế vùng và các địa phương phát triển sau những khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

{keywords}
Sự kiện Mekong Connect 2021 tại TP.HCM ngày 17/12 (ảnh: Trần Chung)

Với “địa kinh tế” của khu vực Mekong, dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, có lợi thế phát triển kinh tế biển, có hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh, còn TP.HCM là trung tâm thương mại lớn của cả vùng với 80% nguồn cung cho thị trường đến từ ĐBSCL. Bên cạnh đó, TP.HCM và ĐBSCL có mối liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, về nguồn nhân lực, về chuỗi sản xuất kinh doanh, về kinh tế biển, về kết nối năng lượng-du lịch-hàng không, về hệ sinh thái khởi nghiệp, và liên kết công nghiệp hỗ trợ, về bình ổn và phát triển thị trường...

"Liên kết là nhu cầu cấp thiết. Thành phố cần ĐBSCL và ĐBSCL cũng cần TP.HCM cho sự phát triển", ông Mãi khẳng định.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao -  bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ, lãnh đạo một số địa phương nhận thấy, dịch bệnh khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động lớn tới kinh tế và đời sống của người dân. Vì thế, mạng lưới kết nối là cần thiết lúc này.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM từng nhìn nhận, nếu các địa phương không có sự chia sẻ thông tin và tầm nhìn sẽ khó tạo sự đồng điệu trong quá trình phát triển. Dẫn chứng, giai đoạn giãn cách phòng chống dịch, vùng sản xuất của các tỉnh, thành dư rau củ quả, dư thịt cá nhưng người dân TP.HCM lại phải mua thực phẩm giá cao. Nguyên nhân từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng do cách ứng xử về phòng chống dịch khác nhau ở từng địa phương. Hoặc, TP.HCM chống dịch bằng phương pháp này nhưng các tỉnh lại chống dịch bằng phương pháp khác thì dòng lưu chuyển về lao động, chuyên gia sẽ bị đứt gãy.

Trần Chung 

Phát huy các nguồn lực của nền kinh tế trong tình hình mới

Phát huy các nguồn lực của nền kinh tế trong tình hình mới

Covid-19 đang đặt ra những thách thức to lớn, khó khăn, chưa có tiền lệ, đòi hỏi phương cách xử trí như thế nào trong việc quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy các nguồn lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế.