'Con bắt đầu sợ môn Sử'
Con gái tôi từ bé đã mê mẩn chuyện kể về ông cha trong dòng chảy quá khứ xa xưa. Những câu chuyện lịch sử được kể bằng tranh và tái hiện qua lời kể của tôi đã khiến con không ít lần ao ước sẽ trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử.
Rồi con vào lớp 1, hào hứng đọc bài văn kể về chiến tích oanh liệt của dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông. Cô giáo lớp 1 của con đã kể rất hay về những chiếc cọc cắm giữa lòng sông Bạch Đằng diệt gọn quân xâm lược. Bài học ở lớp được con đem về nhà, kể lại lời cô giáo trong niềm tự hào ngút ngàn.
Tình yêu lịch sử trong con vẹn nguyên và dào dạt như thế cho đến khi con lên lớp 4, chính thức học môn Lịch sử và ôn thi Khoa-Sử-Địa. Dòng xúc cảm trong trẻo lúc ban sơ hao hụt dần bởi những bài học nối dài, dồn dập.
Rồi khi ôn thi giữa kỳ, cuối kỳ, con mới thật sự ngợp bởi đề cương ôn tập dài dằng dặc với hàng loạt sự kiện, con số phải ghi nhớ máy móc, phải học thuộc lòng. Nghe con thở than “Con bắt đầu sợ môn Sử…” mà tôi thoáng chạnh lòng.
Vì sao niềm đam mê với lịch sử hao hụt dần?
Thực trạng dạy và học môn Sử trong trường phổ thông đang “giết dần” niềm say mê lịch sử của không ít bạn nhỏ vừa mon men bước vào con đường học hành.
Chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trong phiên trả lời chất vấn hôm 11/11/2021 đã nhắc lại nỗi buồn môn Sử: học sinh thờ ơ, điểm thi môn Lịch sử thấp.
Bộ trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng này: “Việc dạy vẫn thiên về sự kiện, số liệu, theo đánh giá chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của học sinh. Việc kiểm tra đánh giá vẫn thiên về kiểm tra số liệu, ngày tháng, sự kiện, chưa chú ý nhiều về tư duy, ý nghĩa của sự kiện lịch sử”.
Học sinh có thể nào nuôi dưỡng niềm yêu thích môn học Lịch sử khi mà dồn dập kiến thức và chi chít con số, sự kiện phải nhớ, phải học và phải thuộc như thế?
Những xấp đề cương ôn tập dày cộp được soạn sẵn, cách kiểm tra nặng nề lý thuyết, đếm ý để chấm điểm theo từng gạch đầu dòng… đang khiến học sinh ngày càng ngán ngẩm môn Lịch sử.
Đối với thông tin dự kiến đưa môn Lịch sử trở thành một trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc từ năm 2025, việc có người ủng hộ, người phản bác là lẽ tất nhiên.
Trước đó, ngày 11/7/2022, Bộ GD-ĐT ban hành Kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, môn Sử sẽ chuyển thành môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh. Lịch sử sẽ được thiết kế có phần bắt buộc với tất cả học sinh THPT và có phần lựa chọn dành cho học sinh có định hướng chuyên sâu.
Lâu nay, đã có nhiều ý kiến lo ngại học sinh ngó lơ và bỏ rơi môn Lịch sử. Cũng có không ít diễn đàn bàn luận, tìm lối ra cho môn Lịch sử, nói lên tâm tư của những người tâm huyết với lịch sử nước nhà.
Có lẽ, nỗi buồn môn Sử chỉ có thể biến thành “nốt nhạc vui” khi chúng ta khởi động mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất công cuộc đổi mới toàn diện môn học này.
Thanh Ny
Bài 2: Để học sinh không 'quay lưng' với môn Sử