Vuốt mắt cho bố xong là lên sân khấu diễn

- 50 năm theo nghiệp diễn để có một NSND Trần Nhượng của ngày hôm nay, ông phải đánh đổi gì?

Tôi đến với nghệ thuật bắt đầu từ năm 1972. Khi nộp hồ sơ thi đại học, tôi có cơ hội được chứng kiến Đoàn ca múa kịch Hải Hưng tuyển người. Thấy tôi chăm chú theo dõi, cậu bạn đi cùng đẩy thẳng tôi vào chỗ đăng ký thi luôn.

Thấy cậu thanh niên trẻ, mặt mũi sáng sủa, các anh chị tuyển sinh “dỗ ngọt”, động viên hát thử. Sau đó, tôi nhận được giấy hẹn trúng tuyển và bắt đầu theo nghề.

Gia đình phản đối kịch liệt, bố mẹ không chấp nhận việc tôi đi theo nghệ thuật. Có lẽ phần nào xuất phát từ bối cảnh thời chiến, khi ấy chị gái và em trai út của tôi đều tham gia chiến trường, có mỗi tôi ở nhà. Các cụ muốn tôi học đại học, trở thành kỹ sư, bác sĩ… nên ngăn cản bằng nhiều cách, trong đó có việc bắt lấy vợ sớm. Vì Đoàn ca múa kịch Hải Hưng quy định sau 3 năm gia nhập mới được yêu, nói gì tới chuyện vợ con.

NSND Trần Nhượng.

Bố chửi, mẹ khóc, ngày nào họ hàng cũng sang réo tên nên tôi chỉ biết nằm trùm chăn kín mít. Không chịu được, tôi trốn lên đoàn báo cáo, khi ấy còn chưa có biên chế. Các anh chị mới khuyên nhủ: “Bây giờ chú phải về tự quyết định, nếu không sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa đoàn và gia đình”.

Đấy là lý do khiến tôi lấy vợ năm 21 tuổi. 

Vào Đoàn ca múa kịch Hải Hưng, sở hữu chất giọng nam trung vốn không xuất sắc, có người khuyên tôi không nên làm ca sĩ vì khó phát triển. Từ đó, tôi chuyển sang diễn kịch.

Để có thành công như ngày hôm nay, không chỉ riêng tôi, những người nghệ sĩ khác cũng chịu mất mát và đánh đổi. Có một nỗi đau hằn sâu, nỗi ê chề mà tôi mãi không quên được. Phận nghệ sĩ đúng như “Kép Tư Bền” lộng lẫy dưới ánh đèn, đêm về khóc thầm bên gối.

Đang đi diễn, nhận được tin bố hấp hối, tôi lặn lội trở về, vào nhà chỉ kịp nói: “Con đã về” thì bố chảy hai hàng nước mắt, nấc 3 lần rồi xuôi tay về chốn xa.

Sau đó, vì phải hoàn thành vai diễn Phú trong vở Chị Nhàn - vai diễn không ai thay thế được, tôi vội vuốt mắt cho bố, xe chờ sẵn ngoài cửa đưa đi luôn. Diễn xong, về đến nhà trời nhá nhem tối, mọi người đã đưa ông ra đồng, tôi chỉ kịp thắp hương trên mộ rồi lại rời đi vì tới giờ diễn.  

Đó là sự hy sinh, mất mát lớn nhất trong cuộc đời tôi vì chưa kịp làm tròn chữ “hiếu”. Nghệ sĩ chúng tôi như kiếp con tằm, nhả từ sợi tơ đầu tiên tạo kén đến sợi cuối cùng cho đời.

- Ông ấn tượng với vai diễn nào suốt nửa thế kỷ dưới ánh đèn?

Năm 1983, tôi được mời về Đoàn Nghệ thuật CAND sau khi làm phim Vệt sáng ngược. Tôi không nhớ nổi mình đã diễn bao nhiêu vai, bao nhiêu vở kịch, phim truyền hình, tiểu phẩm… Nhưng trên sân khấu, vai diễn ấn tượng với tôi có lẽ là Robert trong Nữ ký giả của tác giả Lưu Quang Vũ, vở đầu tiên của Đoàn kịch CAND.

Tại sao lại ấn tượng? Vì tôi nhận vai cố vấn Mỹ nhưng chỉ nặng có 49kg, cao 1m68, người gầy nhỏ nên đóng vai người Mỹ rất khó khăn và mâu thuẫn.

Tuy đó là vai diễn độc đáo nhưng cũng khiến tôi áp lực vô cùng, vì phải diễn trước những người từng sống với Mỹ mấy chục năm. May mắn thay, nhờ tìm tòi, sáng tạo về tạo hình, tiếng nói… tôi đã giành Huy chương Bạc với nhân vật Robert tại Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc năm 1985 tại TP.HCM.

Diễn xong, tôi xuống tham khảo ý kiến của khán giả Sài Gòn, họ cũng dí dỏm nói tôi vào vai “rất Mỹ nhưng mà là Mỹ còi”.

NSND Trần Nhượng nhận mình là nghệ sĩ nghèo nhất làng kịch nghệ.

Nhìn như đại gia nhưng thực chất không có tiền

- Dưới ánh đèn sân khấu, ông thấy con người mình khác biệt như thế nào so với đời thường?

Mọi người thường bắt gặp Trần Nhượng trên truyền hình, sân khấu qua những vai diễn được nhận định “ghê gớm”, từ làm lãnh đạo tham nhũng, tiêu cực cho đến trùm ma túy, xã hội đen. Nhưng khi tiếp xúc ngoài đời, họ sẽ thấy tôi hiền lành, trầm tính và cởi mở. Tôi chưa to tiếng, chửi ai bao giờ.

- Ông còn tiếc nuối hay trăn trở gì về sự nghiệp của mình?

Tôi có hai người con, Anh Phương có năng khiếu về mỹ thuật nên từ nhỏ tôi cũng hướng con bước theo thế mạnh đó. Con gái đỗ thủ khoa đầu ra và đầu vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật, giành học bổng 4 năm liên tiếp. Nhưng nhận bằng xong, con lại quyết tâm đi theo con đường trở thành diễn viên, người mẫu tự do, tự thân bươn chải trong Sài Gòn khiến tôi rất bất ngờ.

Đến nay, sau 3 năm Nam tiến, Anh Phương dần ổn định và nối nghiệp bố. Thấy được những tín hiệu đáng mừng từ con gái.

Bình Trọng đến với nghề một cách tình cờ. Học hết cấp 3, Trọng chọn học ngành kỹ thuật nhưng tôi sợ nghề đó vất vả vì suốt ngày lái máy xúc, máy ủi nên khuyến khích chọn nghề khác.

Bình Trọng từng làm nhiều nghề, từ bán hàng cơm ở cổng Bệnh viện Việt Đức, bán bia hơi, xổ số... Sau này, Trọng nộp đơn thi vào trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhưng không nói với bố. Lương của tôi khi ấy rất ít, chỉ 90 nghìn/tháng, con sợ tôi không lo nổi việc ăn học nên giấu. May mắn Trọng đỗ với kết quả xếp nhì khoa nên nhận được học bổng.

Thời gian Bình Trọng học Đại học Văn hoá, tôi đóng phim truyền hình nhiều nên cũng hay nhờ con việc nhỏ, le ve kiểu nhặt lốp xe đốt tạo khói lửa… Trọng nên duyên với nghề từ những công việc như thế.

Đến nay, Bình Trọng cũng có một số tác phẩm sánh vai cùng bố và coi nhau là đồng nghiệp.

Sau nửa thế kỷ, tôi muốn để lại điều gì đó cho con cháu tiếp nối theo sự nghiệp của mình, dù biết làm nghề khó và gian khổ, tôi vui vì hai con đều đang làm rất ổn.

Điều đau đáu lớn nhất của tôi, tuy đã nghỉ hưu vẫn mong làm gì đó cho sân khấu. Ngành công an đem đến cho tôi mảnh đất màu mỡ để phát huy sức mạnh, lý trí của một người chiến sĩ trong hoạt động nghệ thuật, thế nên tôi muốn dựng nhiều tác phẩm hơn nữa về đề tài này. Có rất nhiều dự định cho nghệ thuật mà tôi chưa thể làm được vì… không có tiền.

Thú thực, bản thân tôi về mặt tài chính cũng rất khó khăn. Trong giới văn nghệ sĩ, có lẽ Trần Nhượng là người nghèo nhất. Ngoài đời, trông tôi lúc nào cũng đàng hoàng như “đại gia”, nhưng thực ra lại không có tiền.

Mấy năm nay gần như không thấy ai mời làm phim nên giờ tôi chỉ sống dựa vào lương hưu. Năm xưa tôi theo nghề chân chất và thật thà, không đặt nặng vấn đề tài chính nên cũng không có của cải tích lũy để hỗ trợ các con hoạt động nghệ thuật hay phục vụ cho khát vọng của mình.

- Nhận mình nghèo nhất trong giới văn nghệ sĩ, cuộc sống của ông hiện tại ra sao?

Khó khăn lớn nhất của tôi nằm ở vấn đề sức khỏe và tài chính để dựng những tác phẩm ấp ủ bấy lâu thôi. Ngoài lương hưu, tôi tham gia một số hoạt động nên có đồng ra đồng vào, tiền phục vụ cho sinh hoạt cá nhân vẫn bình thường.