Ngành công nghiệp chữa mất ngủ đang phát triển nhanh chóng ở Hàn Quốc, trong bối cảnh người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn nhưng ngày càng khó ngủ trong một xã hội cạnh tranh cao, Chosun Ilbo đưa tin.
Năm 2016, thời gian ngủ trung bình ở Hàn Quốc là 7 giờ 41 phút trong năm 2016, ngắn hơn 41 phút so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gồm 38 quốc gia thành viên.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Giấc ngủ Hàn Quốc, trong bối cảnh ngày càng nhiều người tìm kiếm các phương pháp hỗ trợ giấc ngủ như chăn ga gối đệm, dầu thơm hoặc ứng dụng, thị trường liên quan đến giấc ngủ của xứ sở kim chi đạt 3.000 tỷ won (2,5 tỷ USD) vào năm 2021, tăng vọt so với mức 480 tỷ won của một thập kỷ trước đó.
Cho dù gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, việc ngủ ít tại xứ sở kim chi được coi là biểu hiện của năng suất hoặc sự siêng năng của nhiều người. Ảnh: Insight. |
"Miếng bánh" béo bở
Các nhà sản xuất gối đệm, giường ngủ cho đến các “ông lớn” công nghệ như Apple và Samsung đều đang bận rộn tiếp thị các sản phẩm giúp khách hàng vào giấc dễ dàng và ngủ sâu. Các thiết bị hiện đại còn có công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp chẩn đoán và điều trị chứng mất ngủ.
Đồng hồ thông minh cũng được quảng cáo có tính năng cải thiện giấc ngủ. Một nhân viên văn phòng trong độ tuổi 40, sinh sống ở Seoul, đã mua đồng hồ thông minh vào năm ngoái với giá 300.000 won, với hy vọng nó giúp anh ngủ ngon hơn.
Thiết bị này sẽ đo lường giấc ngủ kéo dài bao lâu và mức độ ngáy của người đeo. "Tình trạng thể chất của tôi được quyết định bởi chất lượng giấc ngủ mà tôi có được, vì vậy đó là số tiền được chi tiêu hợp lý", anh nói.
Một mã đồng hồ thông minh của Samsung được phát hành vào năm ngoái với chức năng đo tổng thời lượng giấc ngủ, mức độ sâu và thời gian thức vào ban đêm, từ đó đề ra giải pháp cải thiện.
“Gã khổng lồ” Apple cũng gia nhập cuộc đua bằng cách cho ra mắt một ứng dụng trả phí, cho phép người dùng phân tích thói quen ngủ của họ và đánh giá chất lượng giấc ngủ, trong khi một ứng dụng theo dõi giấc ngủ khác của Amazon với giá 109,99 USD còn đo nhiệt độ và độ ẩm trong phòng bằng cách sử dụng AI.
Văn hóa sống gấp, đòi hỏi cống hiến khiến người Hàn làm việc quá sức, căng thẳng và thiếu ngủ. Ảnh: BBC. |
Ở mảng gối nệm, giường ngủ, hai loại nệm Ace Heritz và Simmons Beautyrest Black của công ty Ace Bed có giá “chót vót”, từ 20-30 triệu won, nhưng ngày càng được nhiều người tìm mua.
Miếng che mắt massage hay gối thông minh cũng bán rất chạy, cùng với chăn sưởi tự động điều chỉnh nhiệt độ. Các nhà thuốc tại Seoul cũng cung cấp đầy đủ các loại thuốc bổ, thuốc ngủ từ thảo dược.
Nhưng dưới góc độ chuyên gia, các sản phẩm hay thiết bị chỉ có khả năng hỗ trợ, yếu tố quan trọng nhất vẫn là thói quen sinh hoạt và môi trường sống.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, người dân nên đi ngủ và thức dậy vào những giờ nhất định, duy trì phòng ngủ yên tĩnh, ít ánh sáng, tránh xa các thiết bị thông minh hoặc TV trước khi ngủ và tập cắt bỏ rượu, cà phê.
Song song với vấn nạn người dân thiếu ngủ, tình trạng người dân lạm dụng thuốc ngủ cũng gây ra nhiều lo ngại ở xứ củ sâm. Ảnh minh họa: Freepik. |
Bác sĩ Lee Heong-jeong tại Bệnh viện Anam thuộc Đại học Hàn Quốc cho biết: "Mọi người thường bắt đầu thấy mệt mỏi khi vận động, làm việc trong vòng 15-16 giờ. Cơ thể sẽ điều chỉnh đồng hồ sinh học thông qua ánh sáng, vì vậy bạn cần tiếp xúc với nhiều ánh sáng khi thức dậy để trở nên năng động vào ban ngày và ngủ ngon vào ban đêm”.
Jung Ki-young thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Hàn Quốc bày tỏ: "Chìa khóa để ngủ ngon là thức dậy đúng giờ, kể cả vào cuối tuần. Ngay cả những thiết bị đắt tiền nhất cũng không thể giúp bạn có giấc ngủ ngon trừ khi thói quen của bạn thay đổi".
Người dân đói ngủ
Lý do chính đằng sau tình trạng thiếu ngủ kinh niên của xứ sở kim chi là làm việc quá sức.
Người Hàn Quốc làm việc 1.967 giờ/năm vào 2019, nhiều hơn 241 giờ so với mức trung bình 1.726 giờ của OECD. Năm 2016, dân cư đất nước này cũng dành trung bình 58 phút để đi lại, lâu hơn đáng kể so với mức trung bình 28 phút của các quốc gia phát triển khác.
Vì muốn ngủ thật nhanh, nhiều người chọn cách uống thuốc ngủ và bị phụ thuộc lớn vào loại thuốc này, thậm chí bị nghiện.
Năm 2021, ước tính khoảng 100.000 người Hàn nghiện thuốc ngủ. Trong trường hợp vẫn không thể ngủ được, người dân có thể sử dụng pha rượu uống kèm với thuốc, dẫn tới những hậu quả nguy hiểm.
Ngoài ra, các quán cà phê có ghế massage, không gian yên tĩnh, tràn ngập hương bạc hà hay oải hương dễ chịu, hỗ trợ những vị khách muốn có giấc ngủ ngon cũng đắt khách. Jung Oon-mo, chủ một quán cà phê cung cấp dịch vụ, nhận định mô hình kinh doanh này không phải là trào lưu nhất thời.
“Mô hình dịch vụ này có thể tạo ra lợi nhuận lên tới 30 năm, vì người dân cần những nơi như thế này”, ông nói với Korea Herald.
Theo Zing