Sống trong ngôi nhà trên nóc Nhà tù chính trị có từ thời Pháp gần nửa thế kỷ, bà Nguyễn Thị Thiệu (74 tuổi, tổ 8, khu 1, phường Hồng Gai, TP Hạ Long, Quảng Ninh) đến nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. 

{keywords}
Nhà của chín hộ dân sống trên nóc nhà tù đã xuống cấp hàng thập kỷ

Ngồi trong ngôi nhà 35m2, bà Thiệu kể, trước đây vợ chồng bà làm công nhân cho Công ty Cung ứng và du lịch Quảng Ninh.

Năm 1972, công ty cấp cho gia đình bà nhà tập thể cấp 4 được xây dựng trên nóc nhà tù, đến nay, căn nhà xuống cấp. Chỉ vào mái nhà bà nói: "Khi được cấp nhà, trần chỉ cao 2,7m, mỗi lần mưa là dột nên gia đình tôi bỏ tiền sửa chữa, xây cao lên, đồng thời xây riêng nhà vệ sinh vì nhà vệ sinh công cộng cho 9 hộ bẩn thỉu, không tiện sinh hoạt".

Trong lúc sửa chữa, phía chính quyền TX Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) yêu cầu dừng thi công vì gia đình chưa xin phép.

Cách nhà bà Thiệu 6 ngôi nhà là gia đình ông Phạm Trị (SN 1934) sinh sống lâu nhất tại khu tập thể trên nóc nhà tù.

{keywords}
 Nhà ông Phạm Trị ở trên đường hầm nhà tù

Ông Trị trầm ngâm kể, ông ở Hà Tĩnh rồi ra Quảng Ninh làm việc cho Xí nghiệp Hàng hải. Năm 1969, ông xin xí nghiệp vào khu tập thể này ở, nhà ông rộng 50m2 nằm trên đường hầm vào nhà tù.

Ngần ấy năm sống tại đây, sau khi các con lập gia đình và chuyển ra ngoài ở, hai vợ chồng ông Trị vẫn sống trong ngôi nhà cũ kỹ, xập xệ. Cách đây 20 năm, các con của ông chung tiền vào sửa nhà thì bị chính quyền địa phương tới đình chỉ.

"Sống ở đây cứ mưa gió là lo lắng, sợ sụt lún vì bên dưới nhà tôi là các phòng giam của nhà tù, đằng sau nhà lại là kè đá. Trước đây, nơi đây từng xảy ra sụt lún", ông Trị nói.

Do không sống được trong ngôi nhà xuống cấp, không thể sửa chữa, hai hộ dân tại đây phải thuê nhà nơi khác để ở.

Xuất hiện hố tử thần

Toàn bộ hộ dân tại đây đều mong được cấp giấy chứng nhận, được sửa chữa nhà ở hoặc di dời, tái định cư đi nơi khác, trả lại mặt bằng nóc nhà tù cho chính quyền địa phương.

{keywords}
9 hộ dân hiện đang sống trên nóc nhà tù không có sổ đỏ

Năm 2016, do mưa bão, tại sân nhà bà Vũ Thị Hoa đã xuất hiện sụt lún tạo ra "hố tử thần" sâu 5m, đường kính gần 10m. Qua khảo sát địa hình, nhà bà Hoa nằm ngay ống thông gió của nhà tù.

Phía TP Hạ Long phải đổ 20m3 cát mịn xuống "hố tử thần", đồng thời mở cửa hầm để đi vào bên trong đổ 50m3 bê tông che chắn khu vực lỗ thông gió.

Đại diện UBND phường Hồng Gai cho biết, khu nhà tù này là chứng tích từ thời Pháp, hiện tại có 9 hộ dân đang sinh sống. Về nguyện vọng được cấp giấy chứng nhận của các hộ dân, UBND phường Hồng Gai đã nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc để đưa ra phương án giải quyết.

"Những hộ gia đình tại đây mong muốn xây mới nhà ở vì nhà cũ đã xuống cấp, tuy nhiên xây mới phải được cấp phép. Nhưng muốn được cấp phép thì hộ gia đình ở đây phải có giấy chứng nhận.

Chúng tôi rất đồng cảm với người dân sống tại khu vực này và đã có ý kiến với UBND TP Hạ Long xem xét cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân để ổn định cuộc sống. Nếu không cấp được vì lý do liên quan đến di tích văn hoá thì nên có phương án để hỗ trợ người dân", vị đại diện phường nói.

{keywords}
Hệ thống sắt ở trần nhà tù đã hoen gỉ

Theo tài liệu của Phòng Văn hoá thông tin TP Hạ Long, nhà tù chính trị được thực dân Pháp xây dựng năm 1909,  đến năm 1919 thì dừng hoạt động.

Hiện nay vẫn còn nguyên các phòng giam bằng bê tông, cổng sắt,  xung quanh bao bọc bằng tường đá.

Tuy nhiên, nhà tù đã có dấu hiện xuống cấp, cửa sắt tại lối vào hư hỏng, đứng ở ngoài có thể nhìn rõ bên trong, hệ thống sắt tại trần nhà tù hoen gỉ.

Trưởng phòng Văn hoá thông tin TP Hạ Long Nguyễn Trung Hậu cho hay: "Hiện nhà tù này vẫn để nguyên hiện trạng và chưa có phương án trùng tu, tôn tạo, không cho người ngoài ra vào vì nguy hiểm nên phải đóng cửa nhiều năm nay".

Trung ương góp ý đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM

Trung ương góp ý đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM

Lần đầu tiên, lãnh đạo TP.HCM làm việc trực tiếp tại Bộ Nội vụ với sự tham dự của nhiều cơ quan Trung ương để góp ý vào đề án chính quyền đô thị và thành lập Thành phố Thủ Đức.

Phạm Công