Họ là những người dám nghĩ dám làm, quyết tâm thay đổi, chọn lựa cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, áp dụng khoa học  kỹ thuật, phát triển kinh tế, làm giàu bền vững.

Làm giàu trên đất gò đồi

Ông Trần Ngọc Nhơn (Hợp tác xã Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) là người tiên phong lên vùng đồi K4 lập nghiệp cách đây 20 năm. Với chủ trương chuyển đổi đất rừng do hợp tác xã quản lý thành đất trang trại do hộ gia đình quản lý, ông Nhơn đã nhận gần 6 ha đất để lập trang trại.

Quyết định trồng cam, ông Nhơn đã tìm đến những vùng cam nổi tiếng ở Nghệ An mua giống, học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, trong trang trại gần 6 ha của gia đình, có hơn 3 ha trồng cam, trong đó phần lớn là giống Vân Du và Xã Đoài.

{keywords}
 

Ông Nhơn không ngừng học hỏi, tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, tìm hiểu các mô hình thành công hiệu quả, từng bước tích lũy kinh nghiệm. Ông đã áp dụng nghiêm ngặt các kỹ thuật chăm sóc từ làm đất, chế độ phân bón, đến việc phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, 1 ha đã cho thu hoạch 17 năm, 0,5 ha 5 năm tuổi, và 1,5 ha ông đang trồng năm thứ nhất. Trung bình với 1 ha cam của gia đình ông mỗi năm cho sản lượng 2 tấn. Với giá bán 20.000 đồng/kg, vụ cam năm 2018, ông ước tính sẽ thu hơn 200 triệu tiền lãi. Để nhân rộng mô hình, ông Nhơn vận động bà con địa phương làm theo, tận tình chia sẻ kinh nghiệm.

Trồng cây, thu nhập khá trên đất boxit

Trang trại trồng bơ của ông Nguyễn Văn Tắc ở xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng là một trong những mô hình chuyên canh cây bơ giống BLĐ 034 mang lại thu nhập khá ở địa phương.

Năm 2011, nhận thấy giống bơ rất ngon và có nhiều đặc tính nổi trội, ông Tắc quyết định đầu tư thâm canh 4 ha trồng 1.100 cây bơ ghép giống BLĐ 034. Trên vùng đất khai thác đá boxit rất khó canh tác, ông Tắc quyết tâm tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đầu tư phân hữu cơ để cải tạo đất, từ đó trang trại bơ sinh trưởng phát triển tốt.

{keywords}
 

Ông Tắc đã tập trung nghiên cứu và học hỏi về cây bơ, đầu tư phân hữu cơ cũng như cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng các dòng thuốc sinh học. Vườn bơ được ông cắt tỉa, tạo tán đều giúp cây có bộ tán gọn, sinh trưởng đều, hạn chế sâu bệnh, quả to đẹp, việc thu hái cũng trở nên thuận tiện hơn.

Sau 3 năm, vườn bơ của ông đã cho thu hoạch, sản lượng hàng năm tăng dần. Năm 2018, dự kiến sản lượng trên 60 tấn. Ngoài ra ông còn thu từ bán chồi ghép khoảng 1 tỷ mỗi năm để chi phí cho công lao động, công bảo vệ và phân thuốc cho vườn cây.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, thu tiền trăm triệu

Nhận thấy cây cam đường canh là loại cây có giá trị kinh tế cao, tháng 3/2015, từ 3 ha trồng cà chua, ông Nguyễn Văn Túc (thôn Sao Mai xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã mạnh dạn phá bỏ 08 sào để trồng 800 gốc cam đường canh.

Mua giống cam với giá 30.000 đồng/gốc, ông Túc được công ty bán giống hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, cách bón phân, chăm sóc. Ông cùng gia đình tìm kiếm thêm thông tin trên mạng về cách chăm sóc, bón phân vườn cam để đạt năng suất và chất lượng tốt nhất. Lấy ngắn nuôi dài, 2 năm đầu khi cây cam còn nhỏ, tán hẹp, ông Túc trồng xen một số loài cây như cà chua, bầu bí, đậu để có thêm thu nhập.

{keywords}
 

Sau 2 năm rưỡi chăm sóc đúng quy trình, tháng 10/2017 vườn cam của ông đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Cam trái đều, đẹp, trọng lượng khoảng 10-12 quả/kg, có những quả to 4 quả/kg. Với 800 gốc cam, trung bình mỗi gốc thu được 20-25 kg. Ước tính từ tháng 10/2017 đến tháng 2/2018 gia đình ông thu được hơn 16 tấn cam, giá trung bình một kg cam 50.000 đồng, sau khi trừ các chi phí đầu tư chăm sóc, đã mang lại thu nhập cho gia đình 600-700 triệu đồng.

Là người đầu tiên mang cam đường canh trồng tại Ka Đơn, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, Túc ông mong muốn sẽ xây dựng được một nông trại trồng cam an toàn sinh học để giới thiệu cho bà con, du khách. Ông Túc cũng như ông Nhơn, ông Tắc với tinh thần học hỏi, dám nghĩ dám làm đang góp phần phát triển vùng chuyên canh, tạo ra các vùng sản xuất theo hướng tập trung, từng bước xây dựng sản phẩm của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

N.Hân - Phương Cúc - Thanh Hà