Tuần trước, HTX An Long đã thuê máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật 8ha lúa của thành viên HTX. Đây là lần thứ hai HTX thuê máy bay không người lái thử nghiệm phun thuốc trừ sâu trên lúa. Hôm nay ra kiểm tra ruộng lúa, nếu hiệu quả, HTX sẽ mua một chiếc máy bay không người lái vừa hỗ trợ sản xuất lúa cho HTX vừa làm dịch vụ cho nông dân các nơi.

{keywords}
Các thành viên HTX An Long và nhân viên kỹ thuật đang chuẩn bị cho máy bay không người lái phun thuốc BVTV trên lúa của HTX.

Hăm hở…

Giữa trưa, ông Năm Chương (Nguyễn Văn Chương, ấp An Thủy) và Chủ tịch HĐQT HTX An Long Vương Trọng Nghĩa hăm hở xắn quần lội ra cánh đồng lúa đã phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái. Đợt phun lần này các thành viên được HTX hỗ trợ 100% chi phí thuê máy bay.

Ông Năm Chương nhìn cánh đồng lúa rộng 1ha của mình đang xanh rờn với những tép lúa mập mạp hể hả: “Lúa quá đẹp!”.

Ông Nghĩa vạch từng chiếc lá lúa xăm xoi: “Không còn con sâu nào luôn”.

{keywords}
Nhân viên ky thuật đang lập trình cho máy bay không người lái phuc thuốc BVTV trên đồng lúa.

Cũng trong tâm trạng phấn khởi, ông Phan Lê Phong Phú, một thành viên cũng đang thực hiện mô hình này với 1ha lúa bộc bạch, đợt này ruộng ông được thử nghiệm phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái. Ông thấy máy phun đều, thời gian phun nhanh. Phun thuốc bằng máy bay không ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất.

Theo ông Nghĩa, việc dùng máy bay không người lái phun thuốc BVTV trên đồng lúa là nhằm tiết kiệm thời gian, công lao động, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, giảm chi phí, tránh hư lúa, tránh lây lan bệnh…, và có thể làm dịch vụ nông nghiệp phục vụ nông dân các nơi sau này.

Ông Nghĩa tính, nếu như trước đây, mỗi ha lúa phải mất 250 lít thuốc BVTV và mất hàng giờ phun bằng tay, thì giờ đây nếu dùng máy bay phun thuốc chỉ mất 10 lít thuốc/ha và chỉ mất khoảng 30 phút/ha.

Ông Chương cho biết, hiện nhân công lao động tại địa phương ngày càng khan hiếm. Tiền thuê nhân công phun thuốc BVTV từ 250.000 - 300.000 đồng/ha.

{keywords}
Ông Năm Chương (phải) và ông Nghĩa kiểm tra hiệu quả lúa sau khi cho phun thuốc BVTY bằng máy bay không người lái.

“Chi phí cho 1 lần phun xịt thuốc bằng máy bay không người lái khoảng 300.000 đồng/ha. Số tiền này ngang bằng với giá thuê lao động thủ công, nhưng dùng máy bay sẽ giải quyết tình trạng khan hiếm lao động”, ông Chương chia sẻ.

Ngoài ra, trong khi phun thuốc, gió từ cánh quạt máy bay vạch từng nhánh lúa khiến thuốc BVTV đi vào tận gốc, trong khi nếu phun thuốc thủ công không thể làm được điều này. Nếu có mưa phùn, nhỏ, việc phun thuốc bằng máy bay vẫn đạt hiệu quả cao.

Tìm đâu giấy phép bay?

Hiện HTX An Long có 52 thành viên với hơn 70ha đất. Ngoài sản xuất lúa an toàn, HTX còn sản xuất rau màu cung cấp cho thị trường.

Theo ông Châu Bá Thông, Phó Giám đốc HTX An Long, giá chiếc máy bay không người lái hiệu P40 trên thị trường  hiện gần 500 triệu đồng.

“HTX An Long đã gởi hồ sơ đến Liên hiệp HTX của tỉnh Long An để xin hỗ trợ kinh phí mua máy bay không người lái nhằm hỗ trợ HTX sản xuất và làm dịch vụ nông nghiệp”, ông Thông thông tin.

{keywords}
Nông dân lấy đâu ra giấy phép bay?

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc NNPTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh, việc HTX An Long xúc tiến việc mua máy bay không người lái hỗ trợ sản xuất lúc này là… vội vàng. Bởi, “HTX An Long lấy đâu ra giấy phép bay để thực hiện sản xuất bằng máy bay không người lái?”, bà Khanh đặt vấn đề.

Theo bà Khanh, trước đây, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã tính thực hiện mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp có sự hỗ trợ của máy bay không người lái. Tuy nhiên, dự tính này không thực hiện được vì… không tìm ra giấy phép bay.

Bà Khanh cho biết thêm, hiện trên địa bàn tỉnh nhiều nông dân đang làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đấy là một tín hiệu đáng mừng. “Tuy nhiên, với HTX An Long, trước mắt phải tính đến an toàn, an ninh bay, giấy phép lái trước khi HTX quyết  định mua máy bay không người lái phục vụ sản xuất”, bà Khanh chia sẻ.     

(Theo Dân Việt)