- Chủ tịch Hội Nông dân VN đặt câu hỏi về tâm lý nông dân không muốn làm nông nghiệp. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho hay tiếp tục đổi mới chính sách.
Mang đến Đại hội Đảng 12 những trăn trở về phát triển nông dân, nông nghiệp và nông thôn, Chủ tịch Hội Nông dân VN Nguyễn Quốc Cường lo lắng thực trạng đầu tư cho nông nghiệp giảm sút mạnh, tâm lý nông dân không muốn làm nông nghiệp, một bộ phận nông dân trẻ muốn từ bỏ nguồn gốc nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân VN Nguyễn Quốc Cường |
Tham luận tại Đại hội, ông có đề cập việc nông dân chán làm ruộng, thích ly hương, căn nguyên của việc đó?
Vì sao ngay cả chúng tôi đây đều không muốn ngay cả con mình là nông dân? Vì sao có những bà mẹ nghèo rớt mồng tơi, mò cua bắt ốc nhưng làm sao mò cua để mong con đi học, đừng có làm nông dân như mình? Tại sao người ta không muốn con làm nông dân? Tại sao nông dân bây giờ muốn từ bỏ cội nguồn của mình? Phải trả lời những câu hỏi đó.
Vì nông dân khổ quá, yếu thế dù vai trò cực to lớn.
Có 5 cái “nhất” về nông dân. Nông dân đông nhất: không ai địch được với nông dân. Hy sinh đóng góp có ai bị nhiều nhất như nông dân không? Bao nhiêu liệt sĩ, thương binh là con em nông dân? Nghèo nhất có ai so được với nông dân không? Được hưởng lợi từ đổi mới ít nhất có ai bằng nông dân không? Bức xúc nhiều nhất có ai bằng nông dân không?
5 cái nhất đó để trả lời chúng ta phải giải quyết cái đó.
Chính từ những điều đó, ông đặt ra kỳ vọng phải xây dựng hình mẫu nông dân kiểu mới. Cụ thể đó là gì?
Người nông dân cũ trình độ thấp, tư hữu, văn hóa lạc hậu. Vậy làm sao có thể làm được nông thôn mới trên nền đó? Chúng ta tập trung mọi nguồn lực cho nông thôn mới, mong muốn phát triển bảo nông nghiệp tiên tiến nhưng người làm ra nó lại là cũ.
Chúng tôi kiến nghị phải có người nông dân mới, chủ thể mới tương xứng, ngang tầm với những nguồn lực dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đầu tiên phải nhận thức mới về vị trí vai trò của mình, thứ hai phải có kiến thức mới, trình độ khoa học công nghệ, kinh tế thị trường, thứ ba là ý thức, giờ còn có thực trạng đua nhau, nhường nhau nghèo để hưởng chính sách, trông chờ ỉ lại lớn, đó là ý thức.
Và không thể khác được phải có văn hóa mới và không thể không có quyết tâm mới bởi nếu lười biếng, không chịu vươn lên thì sao được?
Khi và chỉ khi xây dựng được lớp người nông thôn mới theo tiêu chí trên thì mới làm nông thôn mới, thu nhập cao, đời sống cao mới có sức để giữ và phát triển nông thôn mới và mới có sức để tiếp cận với nông nghiệp tiên tiến hiện đại.
Ông nêu thực trạng không ít bộ, ngành coi nông nghiệp là sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp là như thế nào?
Có rất nhiều kiến nghị, như những biện pháp trợ giúp cho nông dân về trợ giá hoặc mua tạm trữ nhưng nông dân không được, doanh nghiệp ở giữa được hết.
Được mùa rớt giá thì mua tạm trữ nhưng tất cả cái lợi đó vào túi doanh nghiệp, không đến được với nông dân.
Như đi nước ngoài chúng tôi xem giải quyết được mùa rớt giá bằng một biện pháp cổ điển nhưng rất hiệu quả, đó là phát triển mạnh các thiết bị lưu trữ, tóm lại, đắt bán chơi, rẻ để đấy. Nông dân chúng ta không làm được điều đấy, không có chuyện đó, không có dự trữ.
Đặc điểm nông nghiệp là theo mùa vụ, đến vụ phải thu hoạch trong khi quy luật muôn đời của thị trường nhiều thì rẻ, ít thì đắt.
Chúng tôi kiến nghị phải có thiết bị, kho giữ để cho người ta giữ lại để tư thương hay doanh nghiệp không ép giá nông dân. Nhiều thì nông dân buộc phải bán, không bán thì hỏng hết. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng việc đó rất chậm chạp.
Bộ trưởng: Ngân sách đã dồn gấp đôi cho nông nghiệp
Suy nghĩ của Bộ trưởng và tham mưu cho Đảng, Nhà nước để giải quyết thực trạng nông dân bỏ quê ra tỉnh?
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát: Việc nông dân tìm việc làm ở khu vực kinh tế phi nông nghiệp là xu hướng tất yếu. VN đi lên CNH, HĐH, nền kinh tế chủ yếu sẽ là công nghiệp và dịch vụ.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát |
Có thực trạng nông dân chưa có được việc làm ở nhà máy, cơ sở dịch vụ vẫn bỏ ruộng, bỏ quê đi làm các công việc phi chính thức, nhiều rủi ro. Họ có thu nhập cao hơn. Nhưng tại sao họ không có cuộc sống tốt hơn ở ngay quê hương mình, không phải đi vào khu vực nhiều rủi ro. Đó là vấn đề chúng tôi rất trăn trở.
Có ý kiến nói nông dân bỏ đi vì nông nghiệp thu nhập thấp. Thực ra có chỗ này chỗ khác, nông dân có thu nhập thấp hơn vì diễn biến thị trường. Nhưng tổng thể năng suất và thu nhập cao lên nhưng không bằng công nghiệp và dịch vụ.
Chủ trương chung đặt tam nông lên hàng đầu, nhưng đầu tư cho nông nghiệp giảm từ 15% còn khoảng trên 5%?
Đầu tư được nêu đó là đầu tư xã hội bao gồm của ngân sách, doanh nghiệp và nhân dân. Tôi cũng rất mong ngân sách nhà nước đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông thôn.
5 năm qua, con số từ Nhà nước đã gấp đôi. Nhưng tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn giảm tương đối, ví dụ như từ khối doanh nghiệp.
Chỉ 1% các doanh nghiệp VN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh nghiệp FDI cũng chỉ 3%. Chúng ta cố gắng huy động nguồn lực từ ngân sách, quan trọng hơn, tiếp tục đổi mới chính sách, tạo môi trường thuận lợi hơn để doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn, nhất là doanh nghiệp trong nước.
Đây là điểm mới then chốt trong nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Xuân Linh
Số dư cuối cùng do Đại hội quyết định