Bắt nhịp công nghệ số

Gia đình ông Trần Văn Thịnh (thôn 1, xã Hòa Thuận) có 1 ha sầu riêng, trong đó có 8 sào đã cho thu hoạch, năm 2024 gia đình ông thu được 28 tấn sầu riêng, doanh thu 2,4 tỷ đồng, cao gấp 8 lần so với trồng cà phê xen canh trước đó.

Để có được kết quả này, ông phải đầu tư không ít thời gian, công sức cho việc tìm tòi, học hỏi và ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Đắk lăc 3.jpg
Ông Trần Văn Thịnh, thôn 1, xã Hòa Thuận kiểm tra béc tưới phun mưa tại vườn sầu riêng của gia đình.

Ông Thịnh cho hay, trước đây  gia đình ông trồng cà phê xen canh, nhưng sau một thời gian cây cà phê già cỗi, thường bị sâu bệnh, năng suất kém nên năm 2017 gia đình quyết định nhổ bỏ, chuyển sang trồng sầu riêng.

Ông tìm kiếm kiến thức qua kênh youtube của các nhà khoa học về giống sầu riêng, kỹ thuật trồng, chăm sóc…

Sau đó định hình mô hình sản xuất theo diện tích đất sẵn có; lựa chọn giống sầu riêng Dona để trồng thâm canh (không trồng xen nhằm hạn chế nhiễm sâu bệnh chéo giữa các cây trồng trong vườn).

Năm 2021, sau vụ thu hoạch sầu riêng đầu tiên, gia đình ông đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, giúp chủ động và tiết kiệm thời gian tưới nước, bón phân (bón phân qua hệ thống tưới).

Ông còn nuôi cỏ và giữ cỏ trên vườn sầu riêng để chống nóng, chống hạn mùa khô sắp tới.

Cùng thôn với ông Thịnh, gia đình anh Phạm Đinh Viết Thái đã chuyển đổi 1.000 m2 đất trồng hoa màu sang sản xuất theo hướng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao.

Anh Thái đã tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội và chọn giống cà chua Nova để trồng. Đầu năm 2021 gia đình anh Thái đã đầu tư 700 triệu đồng để xây dựng Farm Hòa Thuận 1 trồng cà chua Nova theo hình thức liên kết với Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm.

Bình quân mỗi năm gia đình anh trồng một vụ (kéo dài 8 - 9 tháng) thu về gần 8 tấn sản phẩm, bán với giá 45 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 200 triệu đồng.

Theo anh Thái, trồng cà chua công nghệ cao không khó nhưng cũng không phải dễ bởi mỗi vườn, mỗi vụ sản xuất có đặc thù riêng.

Để sản xuất hiệu quả, nông dân phải tìm nguồn giống có chất lượng theo phân phối của công ty liên kết; thường xuyên thăm vườn để kiểm tra tình hình phát triển của cây và đối chiếu với các thông số hiển thị trên phần mềm hỗ trợ kỹ thuật của công ty liên kết nhằm điều chỉnh chế độ tưới nước, bón phân theo nhu cầu của cây.

Qua thực tế sản xuất, nông dân sẽ ghi chép tình hình thời tiết, tiến độ sinh trưởng, biện pháp chăm sóc và đối chiếu với các kiến thức đã học để có căn cứ điều chỉnh, lựa chọn thời điểm xuống giống mùa sau phù hợp.

Gia đình ông Y Nênh Êban (buôn Jù, xã Ea Tu) có 0,5 ha cà phê xen canh sầu riêng năm thứ 5. Trước đó, qua tìm hiểu, ông đã chọn giống cà phê TR4 và sầu riêng Dona xen canh với quy cách 3 hàng cà phê 1 hàng sầu riêng.

Ông Y Nênh khoe rằng, với chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, nông dân có thể học mọi lúc mọi nơi; nhất là những kiến thức cải tạo đất, sâu bệnh trên cây trồng…

Do đất có nguồn gốc là đất trồng cao su trước đó nên ông luôn chú trọng bón phân hữu cơ, phân vi sinh, phân xanh (xác thực vật) để vừa chăm sóc vừa cải tạo đất.

Ông cũng tham gia dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, tỉnh Đắk Lắk" để được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, phân bón đầu vào…

Ông dự định sẽ lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để chủ động hơn trong việc bón phân, tưới nước.

Tăng cường kết nối

Theo đánh giá của Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột, sự chủ động bắt nhịp công nghệ số, tự học hỏi kiến thức qua các sản phẩm công nghệ đã giúp nông dân có những kiến thức nhất định về đối tượng sản xuất, nhu cầu thị trường; từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm; chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh, từng bước làm giàu cho gia đình và thay đổi diện mạo của nông nghiệp thành phố theo hướng hiện đại.

Ông Nguyễn Quang An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tu cho hay, ngoài hỗ trợ vật tư, kỹ thuật thì hội nông dân xã còn kết nối các trường đại học, viện nghiên cứu cho sinh viên tham quan, thực tập tại nông hộ để ghi nhận thực tế, trao đổi kiến thức và mở rộng tư duy cho nông dân. 

Đắc lắc 4.jpg
Du khách tham quan mô hình cà chua Nova tại Farm Hòa Thuận 1. Ảnh: Ngọc Thái

Ông Huỳnh Văn Bộ, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột cho hay, với vai trò là đơn vị kết nối, hỗ trợ nông dân, thời gian tới Hội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, nông dân đi nghiên cứu, học tập, lao động, quảng bá nông sản, hàng hóa trong và ngoài tỉnh để nông dân có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cho nông sản.

Năm 2024 các cấp hội nông dân TP. Buôn Ma Thuột đã phối hợp tín chấp hỗ trợ, cung ứng vật tư, thiết bị đầu vào cho nông dân 71 tấn phân bón, 76.100 cây giống các loại, 55 tấn thức ăn chăn nuôi…

Qua đó, giúp hội viên nông dân có thêm nguồn lực để chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Theo THANH TRÚC (Báo Đắk Lắk)