Với lợi thế có trên 22.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đa dạng các loại cây trồng, những năm gần đây, huyện Phù Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp rải vụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường hoạt động quảng bá, giúp nông dân tiếp cận thị trường tiêu thụ nông sản.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Yên, cho biết: Mặc dù nông dân làm tốt khâu sản xuất, nhưng việc quảng bá, tiêu thụ nông sản còn khá khó khăn, chủ yếu thực hiện qua các kênh bán hàng truyền thống. Do đó, độ nhận diện nông sản chưa cao và phụ thuộc vào thương lái. Để thúc đẩy quảng bá nông sản, huyện Phù Yên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết hợp với các kênh bán hàng mới thông qua các sàn thương mại điện tử cùng với các nền tảng mạng xã hội Tiktok, Facebook...
Trung tuần tháng 11 vừa qua, Tỉnh đoàn Sơn La đã tổ chức chương trình hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP của thanh niên Sơn La và Livestream chợ phiên OCOP Sơn La. Chương trình với sự tham gia đồng hành của đối tác Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh - HDBank, MCN Vitamin và các nhà sáng tạo nội dung. Tham gia chợ phiên OCOP, đoàn viên, thanh niên và nông dân huyện Phù Yên được học tập, tiếp thu kinh nghiệm bán hàng trực tuyến của các nhà sáng tạo nội dung trên Tiktok Shop tại chợ phiên OCOP tỉnh Sơn La. Thông qua hình thức livestream việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng thuận lợi hơn thông qua tương tác trực tuyến.
Chị Cầm Thị Ngân, Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, huyện Phù Yên, cho hay: Bán hàng qua livestream đối với chúng tôi là một hình thức mới; ngay sau khi kết thúc phiên livestream đã có thể tổng hợp được số lượng khách hàng tham gia cũng như số lượng hàng được chốt đơn. Cách làm này, thật sự rất hiệu quả, sau khi được tập huấn, chúng tôi sẽ áp dụng bán sản phẩm gạo của các thành viên.
Gia đình anh Đinh Nhâm Thân, bản Thải, xã Mường Thải, có 3 ha cây ăn quả có múi, trước đây anh đã thử bán hàng qua kênh trực tuyến trên mạng xã hội facebook. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và độ tương tác không cao, nên chưa thành công. Anh Thân chia sẻ: Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cần được thực hiện từ khi chăm sóc cây đến khi thu hoạch và thường xuyên cập nhật trên mạng xã hội. Như vậy, khách hàng theo dõi được quy trình sản xuất và sản phẩm sẽ được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn. Bắt đầu vào vụ thu hoạch, tôi đang áp dụng bán hàng trên mạng xã hội tiktok, facebook... bước đầu mở rộng bạn hàng tiêu thụ.
Phù Yên có khoảng 1.350 hội viên nông dân tham gia sàn thương mại điện tử. Trong đó, có 1.309 tài khoản mua hàng và 20 tài khoản bán hàng thường xuyên hoạt động, nhưng con số này vẫn còn khá thấp so với tổng số hơn 30.000 hội viên. Thời điểm cuối năm và giáp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Hội Nông dân huyện đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đăng ký mở tài khoản trên các sàn thương mại điện tử, tăng cường quảng bá, giới thiệu và bán nông sản.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết thêm: Qua rà soát, kỹ năng tự quảng bá, giới thiệu của hội viên nông dân trên mạng xã hội còn hạn chế. Do đó, huyện đã hướng dẫn nông dân quảng bá, cập nhật thông tin về các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn cả khâu đóng gói, bảo quản, nhằm đảm bảo sản phẩm luôn ở chất lượng tốt nhất khi đến tay khách hàng.
Quảng bá nông sản thời điểm cuối năm, không chỉ làm lợi cho nông dân, còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Nông dân huyện Phù Yên đã và đang tích cực học hỏi, đổi mới cách làm trong quảng bá, giới thiệu nông sản, mở rộng thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, nâng cao thu nhập và từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Theo Khải Hoàn (Báo Sơn La)
Khải Hoàn