Phép lạ của công nghệ
‘Bạn có muốn thử một miếng không?’ – anh Ma Gongzuo, một nông dân nuôi ong nhìn vào màn hình điện thoại hỏi người xem trước khi cắn một miếng mật ong màu hổ phách đang nhỏ giọt.
Đoạn clip sẽ được gửi tới 737.000 người đang theo dõi anh trên Douyin – một phiên bản tiếng Trung của ứng dụng chia sẻ video Tik Tok với 400 triệu người dùng và giúp Ma trở thành một nhân vật nổi tiếng.
Làm video đang trở thành một chiến thuật bán hàng phổ biến với các nông dân Trung Quốc. Người tiêu dùng nước này đang ngày càng tỉnh táo trong việc nguy tìm nguồn gốc của sản phẩm. Những video của Ma lại mang đến một góc nhìn mới mẻ về cuộc sống ở khu vực nông thôn.
Với một số nông dân, công việc làm video đăng lên mạng giúp họ thoát khỏi cuộc sống nghèo khó lâu nay.
Trước khi làm video, Ma kinh doanh quần áo online. ‘Ai cũng nói rằng chẳng đi đến đâu đâu khi tôi quay về quê. Họ bảo chúng tôi chỉ có thể thoát khỏi nghèo đói nhờ học hành và xin việc làm trên thành phố’ – người đàn ông 31 tuổi chia sẻ.
Nhưng Ma đã chứng minh điều ngược lại. Bây giờ, anh đang lái một chiếc xe hơi đắt tiền, có tiền giúp bố mẹ và dân làng của mình bằng cách bán chính những sản phẩm họ làm ra.
Những video của Ma ghi lại cuộc sống đồng quê hằng ngày |
Không cần quảng cáo
Năm 2015, Ma tiếp quản công việc nuôi ong lấy mật của gia đình ở vùng đồi xanh mướt tỉnh Chiết Giang. Nhờ có các ứng dụng thương mại điện tử, Ma đạt doanh thu 1 triệu nhân dân tệ (khoảng gần 3,3 tỷ đồng) mỗi năm. Tuy nhiên, sau đó việc bán hàng bắt đầu chững lại.
Đến tháng 11/2018, với sự giúp đỡ của một số người bạn trong làng, anh bắt đầu đăng tải các video về cuộc sống đồng quê. Anh cho người xem chứng kiến công việc lấy mật ong, bơi ngực trần trên sông, chặt gỗ… - những công việc của một người nông dân đích thực.
‘Tôi chưa bao giờ quảng cáo sản phẩm của mình. Tôi cho họ thấy cuộc sống hằng ngày, cảnh sắc thiên nhiên ở vùng quê. Đó là những thứ hấp dẫn mọi người’ – Ma nói.
‘Tất nhiên, người ta nghi ngờ việc tôi làm thế để bán mật ong. Nhưng người ta vẫn liên lạc với tôi để mua mật’.
Nhờ ghi lại những video về cách nuôi ong mà Ma có được thu nhập rất tốt từ việc bán mật ong |
Từ nông dân nghèo thành đại gia
Giống như hầu hết các giao dịch ở Trung Quốc, nơi mà tiền mặt ngày càng ít được dùng hơn, các đơn hàng của Ma chủ yếu thông qua các ứng dụng như WeChat hay AliPay.
Ma cho biết, bây giờ anh bán được 2-3 triệu nhân dân tệ (6,6- gần 10 tỷ đồng) tiền mật ong mỗi năm. Ngoài ra, anh còn bán cả khoai lang sấy và đường nâu.
‘Khi tôi còn nhỏ, nhà rất nghèo. Ở trường, tôi thường ngưỡng mộ những đứa trẻ được bố mẹ cho tiền tiêu vặt, bởi vì tôi chưa bao giờ được như thế’.
Còn bây giờ anh lái chiếc BMW có giá khoảng 2,5 tỷ đồng và đầu tư xây dựng cả nhà nghỉ.
‘Việc sử dụng công nghệ là bước ngoặt của tôi. Bây giờ tôi có thể mua cho gia đình những thứ họ cần. Tôi giúp dân làng bán nông sản. Tôi làm mọi thứ để kinh tế địa phương được cải thiện’.
Ở Trung Quốc, có khoảng 847 triệu người truy cập Internet bằng điện thoại thông minh, vì vậy các ứng dụng trực tuyến đóng một vai trò quan trọng trong thành công của Ma.
Ông Ma Jianchun, bố của Ma phấn khởi nói: ‘Những người già như chúng tôi bị choáng ngợp. Có tiền, chúng tôi được sửa sang nhà cửa’.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới cho việc phát đi các video trực tiếp – Deloitte, công ty kiểm toán của Mỹ nhận xét.
Bắt kịp xu thế, công ty mẹ của Douyin là ByteDance đã tổ chức đào tạo cho 26.000 nông dân cách làm video.
Bây giờ Ma đã có xe BMW và đủ khả năng mua mọi thứ mà gia đình cần |
‘Livestream’ để kiếm tiền
Taobao - ứng dụng thương mại điện tử phổ biến nhất ở Trung Quốc, thuộc sở hữu của gã khổng lồ Alibaba – cũng khởi động một dự án vào năm 2019 hướng dẫn nông dân cách ‘livestream’ để kiếm tiền.
Theo số liệu của chính phủ, số người nghèo ở khu vực nông thôn Trung Quốc đã giảm đáng kể - từ 700 triệu người vào năm 1978 xuống còn 16,6 triệu người vào năm 2018. Tuy nhiên, xu hướng giảm dân số ở khu vực nông thôn vẫn tiếp tục diễn ra vì nhiều người đổ xô ra các thành phố lớn để kiếm việc làm.
‘Chúng tôi muốn làm gương, để những người trẻ thấy rằng họ hoàn toàn có thể thành lập một doanh nghiệp và kiếm tiền ở nông thôn’ – Ma, người cũng tốt nghiệp đại học cho hay.
‘Chúng tôi hi vọng rằng sẽ có nhiều người quay về quê hơn, để cuộc sống và kinh tế có thể hồi phục lại ở nơi đây’.
Cùng với sự nổi tiếng của mình, Ma nói anh có nhận được nhiều đề xuất, không chỉ từ những người thích mật ong của anh.
1977 Vlog thần tượng Sơn Tùng, bố từng khuyên đi làm xe ôm
Chưa từng có tiếng tăm trong giới Vlog trước đó, 2 anh em sinh đôi Nguyễn Trung Anh, Nguyễn Việt Anh cùng cậu em họ Nguyễn Văn Tân bất ngờ trở thành hiện tượng mạng xã hội với 1977 Vlog.
Nguyễn Thảo (Theo The Economic Times)