- Mới đây, 11 trường tiểu học ở Anh đã có yêu cầu các bậc cha mẹ mặc quần áo hợp lý khi đi đưa và đón con đi học. Việc này xuất phát từ việc nhiều phụ huynh, thậm chí cả ... ông/bà hồn nhiên diện cả đồ ngủ thả con, cháu đến trường.

Chợt nhớ, ở Việt Nam, chuyện này rất đỗi... thường.

Hình minh họa một người bà mặc nguyên đồ ngủ đưa cháu đi học. Hình: Bảo Anh

 Mẹ thay quần “…hác” đi

Con gái Minh Thư 4 tuổi rất muốn mẹ đưa đến trường mẫu giáo mỗi sáng thay vì đi xe đạp cùng bà. Tuy nhiên, do công việc đòi hỏi đi sớm trước giờ con vào học nên rất ít khi Minh Thư được mẹ đưa đến trường.

Một lần được đi làm muộn, mẹ Minh Anh nói sẽ đưa con đến trường. Minh Thư vui lắm và hớn hở thay quần áo, đeo ba lô sẵn sàng. Quay sang nhìn mẹ để chờ đợi, Minh Thư thấy mẹ vẫn mặc quần ngủ ở nhà.  

Con gái liền cất giọng: “Mẹ mặc quần này đưa con đi à?”

- “Ừ! Quần này cũng đẹp chứ sao”, mẹ Minh Thư gật gù trêu đùa cô con gái.

Không ngờ, cô con gái phản bác lại ngay: “Không! Mẹ thay quần …hác!” (bé vẫn chưa nói rõ âm “kh”).  

Thực ra, không phải chờ đến lúc Minh Thư yêu cầu mà bình thường khi đưa đón con đến trường, bà và mẹ bé đều rất nghiêm túc thay bộ quần áo đàng hoàng, tuyệt nhiên không bao giờ mặc đồ ngủ đưa con đến trường. Nếu có "ý đồ" mặc như vậy thì Minh Thư sẽ nhắc nhở ngay.

Khi đến trường, nhìn thấy khá nhiều phụ huynh khác đưa con đến trường mặc quần áo ngủ, mẹ Minh Thư nói với con: “Mẹ thấy nhiều mẹ các bạn vẫn mặc quần áo ngủ đến trường đó thôi. Sao con không cho mẹ mặc?” Con gái liền nhăn mặt trả lời: “Mẹ không được mặc, xấu lắm”.

Không có ý thức như Minh Thư, rất nhiều phụ nữ vẫn cho rằng mặc những bộ đồ (ngủ) thêu ren hoặc mỏng tang như vậy là... đẹp, mặc chỗ nào cũng được, miễn là mát.

Vô ý thức

Sáng 22/5, ngày cử tri cả nước đi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình – đi bỏ phiếu. Nơi bỏ phiếu thường là các câu lạc bộ, nhà văn hóa của phường, xã.  

Với ngày hội trọng đại này, những nơi bỏ phiếu thường được trang hoàng rất đẹp, cờ hoa tưng bừng, ai nấy ăn vận đều lịch sự, chỉn chu.  

Vậy mà ở một phường thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội), trong những người đi bỏ phiếu ăn mặc trang trọng, một người phụ nữ mặc nguyên một bộ đồ ngủ, thỗn thện bộ ngực ... thả rông. Khuôn mặt phờ phạc, đầu tóc chưa kịp chải, người phụ nữ hớt hải chạy tới hòm phiếu.

Những người đàn ông nhìn thấy bộ lanh màu hoa trắng, mỏng và sun lên giữa đùi thì chỉ biết lắc đầu quay đi. Những người làm công tác bầu cử cũng không dám đuổi người phụ nữ này ra vì không ai quy định phải ăn mặc thế nào khi đi bỏ phiếu.  

Một phụ nữ lớn tuổi thấy “chướng mắt” quá quay ra góp ý: “Cô đi bỏ phiếu mà ăn mặc thế à?”. Đằng nào cũng đã đến và thực hiện xong quyền công dân của mình rồi nên người phụ nữ chỉ còn biết cười trừ.

Giờ đây, khi ra đường, chỉ cần quay ngang, quay dọc là lập tức nhìn thấy “nhan nhản” những người phụ nữ mặc quần áo ngủ vừa mỏng, vừa nhàu, đàn ông mặc quần đùi áo 3 lỗ, kể cả đi bộ và phóng xe máy vù vù.

Xấu xí

Hồi đầu năm, một nhóm bạn trẻ đi chùa Bái Đính ở Ninh Bình - nơi nhiều khách thập phương đổ về lễ bái. Tuy nhiên, sau khi lễ chùa, cô bạn quan sát một vòng rồi buông một câu: “Người Việt mình xấu xí thật!”

“Ở đất nước của tôi, khi ra đường đổ rác, mẹ tôi còn gọi giật lại và hỏi “Đã đánh một chút phấn và một chút son chưa?”


Mọi người hỏi lại “xấu cái gì?”, cô bạn giải thích rằng: “Ăn mặc xấu xí, nhiều người còn nhếch nhác, lem nhem. Giới trẻ thì còn mặc cả áo ngắn, quần cộc”.

Một cô bạn người Ý, khi sang Việt Nam thấy như vậy có kể: “Ở đất nước của tôi, khi ra đường đổ rác, mẹ tôi còn gọi giật lại và hỏi “Đã đánh một chút phấn và một chút son chưa?”

Với họ, cách ăn mặc lịch sự và trang điểm là thể hiện văn hóa đời thường. Thậm chí, khi ra đường mà chưa "make up" (trang điểm) là thiếu tôn trọng người khác. Còn nếu không họ sẽ cho rằng, gia đình bạn có chuyện buồn.

Thiết nghĩ, với người Việt, thói quen "tiện tay", thêm cả cẩu thả có lẽ phải rất lâu nữa mới cải thiện được, khi những thế hệ ngày nay chưa định hướng được cho lớp trẻ.

Mong rằng, một ngày nào đó, văn hóa ăn mặc đẹp, lịch sự khi ra đường cho đẹp chính mình, đẹp phố phường cũng sẽ thành thói quen của người Việt.

  • Bảo Anh