Thôn 9, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có 85 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu được công nhận là khu dân cư kiểu mẫu năm 2019. Với tinh thần chuyển đổi số, đầu năm 2021, thôn 9 tiếp tục bắt tay vào xây dựng khu dân cư thông minh. 

Vốn là thôn thuần nông, người dân chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ số nên khi triển khai áp dụng, cán bộ thôn còn gặp khá nhiều khó khăn trong việc vận động người dân tham gia xây dựng khu dân cư thông minh.

Với sự quyết tâm của cán bộ thôn, người dân từng bước hiểu rõ những lợi ích khi xây dựng khu dân cư thông minh và cùng hưởng ứng nhiệt tình. Người dân được tiếp cận các nền tảng công nghệ số, phát triển mô hình nông nghiệp thông minh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng điện tử. 

anh chup man hinh 2023 12 07 luc 144826.png
Mỗi hộ gia đình được tạo 1 mã QR riêng, mọi thông tin tích hợp trên hệ thống. 

Đến nay, tại thôn 9, hệ thống camera an ninh được lắp đặt ở các tuyến đường chính, wifi công cộng phủ sóng hơn 80%, tất cả các hộ dân đều có điện thoại thông minh.

Ngoài ra, mỗi hộ gia đình đều được tạo 1 mã QR riêng, mọi thông tin như tên chủ hộ, hệ thống vệ sinh, xử lý rác thải, sản phẩm nuôi trồng đều được chủ hộ tích hợp trên hệ thống. Nếu mua các mặt hàng nông sản của người dân thôn 9, khách hàng chỉ cần quét mã QR là có thể biết được quy trình sản xuất của hộ gia đình.

Các hộ kinh doanh trong thôn hiện cũng đã sử dụng mã QR cho việc thanh toán khi mua hàng, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. 

Chị Nguyễn Thị Lan, một hộ kinh doanh tại thôn 9 chia sẻ, hơn 1 năm nay, cửa hàng chị đã sử dụng mã QR cho việc thanh toán. Việc sử dụng mã QR rất tiện lợi cho khách đến mua hàng cũng như giúp chị quản lý được dòng tiền thanh toán dễ hơn.

Trong điều hành công việc của thôn, các đoàn thể trong thôn đã tạo các nhóm Zalo trao đổi, kết nối với người dân trong thôn. Mọi thông tin, văn bản chỉ đạo của các cấp được cập nhật nhanh chóng giúp người dân tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện.

Hiện nay, điện thoại thông minh của cán bộ thôn đều được cài đặt các phần mềm nhằm kết nối với hệ thống camera an ninh, điều khiển hệ thống điện chiếu sáng. Điều này đã giúp cán bộ thôn dễ dàng hơn trong việc giám sát, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Ngoài ra, các thông tin cơ bản của các gia đình trong thôn cũng được cập nhật lên phần mềm chung, giúp cán bộ thôn thuận lợi hơn trong công tác điều hành, quản lý nhờ hệ thống dữ liệu mà không phải tới tận nhà để tìm gặp, thông báo.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, mô hình khu dân cư thông minh, thôn thông minh là một trong những nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số trong xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh đã và đang được triển khai, mang lại hiệu quả bước đầu khá tích cực và được người dân hồ hởi đón nhận. 

Mô hình này sẽ là cánh tay nối dài từ cơ sở đến các cấp quản lý trong chuyển đổi số, kinh tế số, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số...

Ông Ngô Đình Long, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc xây dựng các thôn thông minh, xã thông minh, không chỉ hỗ trợ các địa phương xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử, nhất là bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội mà việc chuyển đổi số còn lan tỏa rộng rãi trong người dân với việc hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, ở hầu hết các cơ sở giáo dục, y tế, doanh nghiệp, chợ, trung tâm thương mại hay các hộ kinh doanh nhỏ lẻ từ thành thị đến nông thôn đều đã ứng dụng chuyển khoản, thanh toán thẻ, đặc biệt là thanh toán qua quét mã QR... 

Thanh Hải

Ngọc Tuân và nhóm PV, BTV