Các chuyên gia lý giải, nông nghiệp là một ngành quan trọng gắn với sinh kế của hơn 70% dân số, và tạo ra những thành tích xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo… nhưng “nông nghiệp đang tăng trưởng chậm lại và chất lượng tăng trưởng cũng đang ở tình trạng quá đáng lo. Trình độ phát triển thấp; quy mô sản xuất nhỏ kéo theo năng suất lao động thấp, giá trị gia tăng thấp, chất lượng nông sản không đồng đều lại thiếu an toàn và khả năng cạnh tranh còn hạn chế”.

Bên cạnh đó, tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua chủ yếu dựa vào thâm dụng tài nguyên thiên nhiên nên tác động xấu đến môi trường, làm tăng mức độ ô nhiễm và suy yếu nguồn tài nguyên thiên nhiên… gây nguy hiểm cho sinh kế bền vững của người dân và cạn kiệt nguồn lợi.

{keywords}
Nông thôn mới: Nhìn từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp. Ảnh minh họa.

Làm ăn nhỏ lẻ phân tán, manh mún và tự phát, mải chạy theo số lượng và lợi nhuận ngắn hạn đã khiến người nông dân càng làm nhiều càng lợi ít. Tầm nhìn hạn chế, người nông dân không nhiệt tình tham gia các mối quan hệ liên kết để làm ăn quy mô lớn và cùng tạo nên thương hiệu cho nông sản, thuỷ sản Việt.

Bên cạnh đó còn do nhận thức hạn chế nên người nông dân không tuân thủ và áp dụng quy chuẩn nông nghiệp, từ đó gây nên những nghi ngờ và làm mất lòng tin về mức độ an toàn chất lượng của sản phẩm...

Vai trò quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Nhiều những giải pháp đã được bàn thảo lâu nay, nhưng tựu chung lại vẫn là phải đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp.

Phải có 2 nhân tố quan trọng hàng đầu để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, để vượt qua thách thức khi hội nhập là nông dân lớn và DN lớn. Nông dân lớn là những "thanh nông tri điền" được đào tạo, được chuyên nghiệp hoá đủ kiến thức và năng lực quản lý các trang trại quy mô lớn và các HTX kiểu mới.

Họ sẽ là những nông dân chuyên nghiệp thay thế cho lớp lão nông tri điền làm nông nghiệp theo kinh nghiệm kiểu cha truyền con nối. Họ sẽ liên kết với DN. DN lớn là DN có công nghệ hiện đại tạo ra giá trị gia tăng. Họ sẽ chỉ huy những đội tàu hiện đại làm chủ ngư trường khai thác thuỷ sản…

"Khi "thanh nông tri điền" cùng DN liên kết với nhau mới tạo thành một chuỗi sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao", GS.TS.Vũ Trọng Khải đề xuất.

Hiện nay, tỷ lệ lao động nông thôn sau khi đào tạo nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có hiệu quả cao hơn đạt hơn 80% (vượt chỉ tiêu đề ra), có 24,50% số người thuộc hộ nghèo sau khi đào tạo nghề có việc làm và đã thoát nghèo, 4,40% số người sau khi đào tạo nghề đã trở thành hộ khá. Đặc biệt,  đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trong cả nước.

Do vậy, để tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, các cấp các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:

Coi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh, đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả phù hợp với từng đối tượng nhằm thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, làm tốt hơn nữa việc phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kết quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; kịp thời biểu dương gương điển hình trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, gương người tốt, việc tốt, nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt.

Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt; đổi mới mạnh mẽ các hoạt động phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương chủ động sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; đổi mới công tác quản lý, tăng cường các điều kiện bảo đảm chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; lựa chọn nghề đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm. Khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện tích cực tham gia vào công tác đào tạo nghề.

Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng hơn nữa công tác quản lý chất lượng đào tạo nghề; bổ sung danh mục nghề; hoàn thiện chương trình đào tạo nghề hiện có và xây dựng một số chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với từng đối tượng người học, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động để người dân chủ động lựa chọn nghề cần đào tạo; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc gắn đào tạo lý thuyết với thực hành tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sau khi đào tạo nghề người lao động có thể thực hành nghề tốt. Nghiên cứu giải pháp khả thi, thực hiện tốt chính sách thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề, xây dựng lộ trình đến năm 2020 ít nhất phân luồng được 30% học sinh sau trung học cơ sở đi học nghề; nâng dần tỷ lệ học sinh vừa học văn hóa kết hợp với học nghề; chỉ đạo các trường đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp theo hướng phối hợp với doanh nghiệp tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho học sinh.    

Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang phát huy hiệu quả tốt nhưng khó huy động nguồn lực xã hội; rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thuế, đất đai nhằm khuyến khích các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tích cực hơn nữa vào công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Bài: Trần Văn Thường - nhóm PV
Ảnh: Trần Minh Thúy - nhóm PV