Theo đó, kể từ khi trở thành bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu đã được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ toàn diện các chuyên ngành: Tim mạch, Ung bướu, Nội tiết, Ngoại chấn thương, Nhi khoa và các chuyên ngành khác như Chẩn đoán hình ảnh, Nội soi, Hồi sức tích cực - chống độc.
Tính từ năm 2017 tới nay, đơn vị này đã được chuyển giao tổng cộng 11 gói đào tạo và 5 gói kỹ thuật cao chuyên sâu gồm Ngoại chấn thương, Tim mạch, Nội tiết, Thần kinh và Hồi sức chống độc.
Kể từ khi triển khai chương trình bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện đa khoa Mộc Châu đã thực hiện thành công 59 ca phẫu thuật thay khớp háng, 43 ca phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối, 40 ca phẫu thuật sọ não, 17 ca phẫu thuật trượt đốt sống thắt lưng, 26 ca điều trị tiêu sợi huyết và gần 100 ca tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser.
Ca phẫu thuật cắt đốt u xơ tiền liệt tuyến tại Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu - Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Ngoài ra, những kỹ thuật khó khác như nội soi cắt đốt u xơ tiền liệt tuyến, điều trị hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật IUI hay phẫu thuật thay khớp gối, tán sỏi thận qua da cũng đã được triển khai thành công tại đơn vị này.
Ông Mùi Văn Trang (xã Nà Mường, Mộc Châu) là một trong những trường hợp đặc biệt được phẫu thuật thành công tại Bệnh viện đa khoa Mộc Châu. Được biết, ông Trang nhập viện trong tình trạng hôn mê, đa chấn thương nặng, chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Sau khi được phẫu thuật thành công, ông Trang hiện đã phục hồi sức khỏe và ổn định cuộc sống.
Một trường hợp khác là bệnh nhân Triệu Thị Thu (xã Phiêng Luông, Mộc Châu) bị cứng khớp háng 18 năm, chân trái bị ngắn hơn chân phải 5cm, đi lại rất vất vả. Chị Thu không thể lên tuyến trên điều trị do kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn. Được sự hỗ trợ của các bác sỹ từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu đã phẫu thuật và điều trị thành công cho trường hợp của bệnh nhân Thu. Hiện bệnh nhân cũng đã ổn định và được chỉ định xuất viện.
Theo BSCKII Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, việc những kỹ thuật khó, thường chỉ được áp dụng tại tuyến Trung ương được triển khai ngay tại bệnh viện huyện là điều rất đáng mừng:
“Có rất nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy cấp, nếu không được kịp thời xử lý sẽ mất đi thời gian vàng trong cấp cứu, ảnh hưởng tới tính mạng hoặc để lại di chứng nặng nề. Việc bệnh nhân được khám, hội chẩn trực tuyến và thực hiện phẫu thuật ngay tại bệnh viện huyện có thể giúp họ được cấp cứu kịp thời cũng như giảm tối đa kinh phí cho bệnh nhân.”
Em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI tại Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu - Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Cũng theo ông Kỳ, kể từ khi Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu trở thành bệnh viện vệ tinh, số lượng bệnh nhân tới khám chữa bệnh tại đơn vị này tăng lên rõ rệt.
Cụ thể, vào năm 2017, số lượt người bệnh tới khám chữa bệnh tại bệnh viện là 58.810 lượt thì tới năm 2018, con số này đã tăng lên tới 69.025 lượt, tức là tăng khoảng hơn 10.000 lượt bệnh nhân. Tính tới thời điểm tháng 10 năm 2019, tỷ lệ người dân tới khám chữa bệnh tại đơn vị này tăng 25% so với năm 2016.
Không chỉ người dân huyện Mộc Châu, nhiều người dân các huyện miền núi lân cận như Vân Hồ, Yên Châu, Bắc Yên, Phù Yên, Mai Sơn,… cũng tin tưởng và tới khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Sự thành công của bệnh viện vệ tinh tuyến huyện miền núi như Bệnh viện đa khoa Mộc Châu đã góp phần tích cực vào mục tiêu chung xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của cả nước khi y tế là một trong những tiêu chí quan trọng của nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
“Người dân Mộc Châu nói riêng và người dân nhiều địa phương khác đã được chăm sóc sức khỏe và điều trị tốt tại chỗ, giảm chi phí đi lại, chăm nom, điều trị. Nhiều bà con bớt được gánh nặng khi phải vất vả vượt hàng trăm kilomet về Hà Nội chữa bệnh. Tôi cho rằng đó là niềm vui rất lớn cho bệnh nhân và cho cả những người làm công tác y tế địa phương như chúng tôi”, ông Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu nhấn mạnh.
Bài: Trần Thị Thục Anh - nhóm PV
Ảnh: Vũ Việt Bảo Phùng - nhóm PV