Huyện Kim Sơn, Ninh Bình hiện có diện tích 239,78 km2, dân số trên 187.000 người, trong đó có gần 50% dân số là người theo đạo Công giáo sinh sống tại 23 xã và 2 thị trấn.

Sau 11 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% xã trong huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; một xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 33 thôn, xóm được công nhận thôn, xóm nông thôn kiểu mẫu; hai thị trấn được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất chuyển dịch nhanh, hiệu quả. Bình quân mỗi người dân Kim Sơn có thu nhập đạt gần 60 triệu đồng/năm, gấp 5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%.

Làng, xóm ở huyện ven biển Kim Sơn những năm gần đây như khoác tấm áo mới. Nhiều con đường được cứng hóa rộng rãi, sạch - đẹp với đủ loại hoa, cây cảnh đua nhau khoe sắc, phía trong làng là những ngôi nhà kiên cố khang trang, hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại đã làm bộ mặt nông thôn Kim Sơn đổi thay tích cực.

Đây là huyện cuối cùng của tinh Ninh Bình được Thủ tướng chính phủ ký quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Huyện này phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% số xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hướng tới các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. 

 Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết tỉnh luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Tính đến nay, tất cả số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Đến nay, 100% các xã có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới, trong đó có ít nhất 25,2% số xã đạt chuẩn ở mức nâng cao. Toàn tỉnh đã làm được 16.904 tuyến đường với tổng chiều dài 2.138,7 km; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 96,6%; 100% xã có nhà văn hóa xã. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh còn 2,01%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,37%.

Tỉnh Ninh Bình cũng đang rất quan tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Năm nay, tỉnh có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 100% thôn, xóm được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đến cuối năm 2023, Ninh Bình có 50 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nông thôn mới ở Ninh Bình không chỉ là làm mới ở các công trình kết cấu hạ tầng, đường sá, mà mới trong nếp nghĩ, cách làm và được bắt đầu từ sự chuyển động của mỗi con người, mỗi nhà, mỗi làng xóm. Vì thế, phong trào thực sự đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa. Bà con rất hưởng ứng, nhân dân biết rằng họ là những người trực tiếp được thụ hưởng thành quả của xây dựng nông thôn mới. 

Bà P.T.H, xóm 2, xã Kim Trung (huyện Kim Sơn), xóm vừa được công nhận chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, chia sẻ người dân như bà cảm nhận rõ rệt được niềm tự hào về xóm làng, quê hương mỗi lần bước ra khỏi cổng nhà, thấy con đường đẹp khang trang, sạch đẹp, yên bình. Từ ngày có nông thôn mới, quê hương đổi thay, đời sống của người dân nâng lên rõ rệt.

ninhbinh_ntm.png
Khu du lịch sinh thái Tràng An nằm trong quần thể Di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. 

Nhiều khu vực của nông thôn Ninh Bình trở thành điểm đến của du lịch nông thôn, đang là điểm mới của chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đặt trong bối cảnh là tỉnh Ninh Bình đang hướng đến trở thành trung tâm du lịch của cả nước.

Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu phấn đấu tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2024. Đến năm 2025, 100% xã, huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 25% huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Có ít nhất 150 sản phẩm xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt từ 71 triệu đồng/người/năm trở lên.

Để thực hiện các mục tiêu, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách tỉnh ban hành và làm sao để bà con dễ dàng tiếp nhận, hưởng ứng và thụ hưởng các chính sách. Đó mới là nền móng vững chắc để phong trào nông thôn mới của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ, có chiều sâu và bền vững, có nền tảng để tiếp tục phấn đấu cho các mục tiêu cao hơn, cho cả giai đoạn tiếp sau.

Ngoài ra, Ninh Bình quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới các hình thức để những điểm mới, những việc cần làm được lan tỏa, để cư dân nông thôn cảm nhận, biết đến và nỗ lực cùng các cấp chính quyền hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cả tỉnh.

Công Sáng và nhóm PV, BTV