Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn của Đảng, Chính phủ nhằm tập trung đầu tư phát triển đời sống về mọi mặt của nông thôn cả nước.

Xác định đây là cơ hội để Lâm Đồng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp các ngành và cả hệ thống chính trị “vào cuộc” mạnh mẽ. Từ việc ban hành các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng các chương trình, Đề án, hướng dẫn chính quyền các cấp tập trung triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tập trung xây dựng nông thôn mới  theo lộ trình khá bài bản. Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực vận động Nhân dân hưởng ứng tham gia các phong trào, các cuộc vận động lớn xây dựng nông thôn mới.

Vùng quê Đức Trọng ngày càng khang trang, sạch đẹp

Trước hết, MTTQ và các đoàn thể tập trung tuyên truyền để Nhân dân hiểu ý nghĩa, mục địch của chương trình xây dựng nông thôn mới ; nâng cao nhận thức cho Nhân dân: Xây dựng nông thôn mới , Nhân dân vừa là chủ thể vừa là người hưởng lợi. Từ đó, vận động Nhân dân tích cực, tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công…cùng chính quyền thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới  đạt hiệu quả cao nhất.

Với quyết tâm chính trị cao; với sự đồng thuận, “vào cuộc” của Nhân dân; với việc lồng ghép các nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới  với các hương trình 30a, 134,135, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ, hơn 10 năm qua (2010 - 2020), bộ mặt mới nông thôn Lâm Đồng đa thay đổi toàn diện. Kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; hệ thống Điện - Đường - Trường - Trạm được đầu tư xây dựng và nâng cấp đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh nâng lên vượt bậc; văn hóa, môi trường nông thôn chuyển biến tích cực.

Đến nay tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có 5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 107/111 xã được công nhận nông thôn mới.

 Các công trình thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân tại các xã NTM được ưu tiên đầu tư, phát triển để nâng cao chất lượng và hoàn thành các tiêu chí NTM theo kế hoạch. Các địa phương đã thực hiện và phát huy hiệu quả các cơ chế đầu tư trong Đề án phát triển đường giao thông nông thôn; Đề án phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ theo nhóm hộ; Đề án xã hội hóa, khuyến khích đầu tư, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn…; đã có nhiều giải pháp về huy động nguồn lực, phương thức thực hiện thi công và giám sát thi công đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình.

Ở các xã, công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân được ưu tiên đầu tư, phát triển.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và hữu cơ. Phát triển chính quyền số cấp huyện, xã trong tỉnh với các hoạt động đồng bộ trong quản lý, điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số thông tin truyền thông, đào tạo và tập huấn đảm bảo nội dung thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, ứng dụng nền tảng quản lý trực tuyến để lập kế hoạch, thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; hỗ trợ công tác quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; giám sát chất lượng môi trường, quản lý các nguồn chất thải, chất ô nhiễm và cấp nước sạch nông thôn; hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, internet băng rộng; mạng wifi miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn...

Kết quả này phản ánh rõ nét sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông  thôn mới gồm các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻ, Cát Tiên và Lâm Hà; 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các địa phương còn lại tiếp tục rà soát hoàn thiện các tiêu chí lập hồ sơ đề nghị công nhận huyện nông thôn mới theo quy định. Toàn tỉnh hiện có 107/111 xã đạt tỷ lệ trên 96% đã được công nhận nông thôn mới, còn 4 xã đạt 17/19 tiêu chí thuộc huyện Đam Rông, đến nay đã có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong đó có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Dự kiến đến hết năm 2022 có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100% kế hoạch giao.

Giai đoạn 2021 -  2025, tỉnh đã đặt ra mục tiêu cao hơn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định, đến trước năm 2025, Lâm Đồng đạt tiêu chí tỉnh Nông thôn mới; trong đó có 50% số xã đạt chuẩn nông  thôn mới nâng cao, có từ 10 - 15% số xã đạt chuẩn nông  thôn mới kiểu mẫu; Đơn Dương và Đạ Tẻh là huyện đạt chuẩn nông  thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn…

Yến Hưng