Ngày 24/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo của “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành cùng các bị cáo khác.

Trước đó, chiều 3/4, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng của Ngân hàng NCB, PVComBank, VAB và các cá nhân khác, HĐXX thay vì tuyên án như đã thông báo trước đó đã quay lại phần xét hỏi để làm rõ thêm một số vấn đề.

Tại phiên tòa ngày 3/4, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành mong muốn dùng 26% cổ phần tại Công ty MHD để bồi thường, khắc phục tối đa, song Ngân hàng Việt Á chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng về giá trị số cổ phần.

Luật sư của bị cáo Thành cho hay, có một nhà đầu tư muốn mua lại số cổ phần trên để lấy tiền thay bị cáo Thành trả nợ các bị hại. Luật sư của bà Thành đề nghị hoãn tòa để có thời gian cho bị cáo và doanh nghiệp làm việc, giải quyết chuyện sang nhượng cổ phần tại MHD.

sieu lua ha thanh 755.png
Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tại tòa. Ảnh: DT

Nhà đầu tư muốn mua lại cổ phần của bị cáo Hà Thành là doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản, có nhiều kinh nghiệm, khẳng định có khả năng khắc phục và kịp thời gian khắc phục thay, mong HĐXX tạo điều kiện để họ thực hiện các thủ tục.

Theo HĐXX cấp phúc thẩm, nhà đầu tư kể trên kinh doanh nhiều lĩnh vực, Tòa không công bố danh tính, do thuộc bí mật kinh doanh.

Tại phiên xét xử hôm nay, đại diện nhà đầu tư cho biết, doanh nghiệp muốn mua lại cổ phần và đã tìm hiểu, xác minh, cử luật sư gặp mặt đàm phán và đề nghị giao dịch phải được ký kết tại tòa, có sự xác nhận của Công ty MHD.

Theo đại diện nhà đầu tư, họ được biết số cổ phần trên đã được chuyển nhượng cho hai người khác trước khi thế chấp cho Ngân hàng Việt Á. Do thấy chưa đảm bảo quyền lợi, nhà đầu tư chưa nộp tiền vào cơ quan thi hành án.

Trước tình hình trên, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành đồng ý với phương án, nếu nhà đầu tư không mua cổ phần thì bị cáo vẫn mong muốn dùng cổ phần này khắc phục hậu quả.

Liên quan đến vụ án, có 8 đại gia gửi tiền tiết kiệm bị bà Thành mang sổ tiết kiệm đi thế chấp vay tiền tại các ngân hàng. Trong số đó có 5 người kháng cáo yêu cầu HĐXX cấp phúc thẩm buộc ngân hàng trả lại tiền trong sổ tiết kiệm hoặc gỡ bỏ phong tỏa sổ. 

Tuy nhiên, kháng cáo của các đại gia này trước đó đã bị đại diện VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác toàn bộ.

Một trong số các đại gia gửi tiền ở các ngân hàng phải kể đến ông ông Đặng Nghĩa T. Theo bản án sơ thẩm, bà Thành vay của ông T. 50 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông này gửi tiền tiết kiệm (5 sổ tiết kiệm đứng tên hai vợ chồng ông T.) vào NCB rồi đưa sổ tiết kiệm cho mình giữ.

Lợi dụng sơ hở trong quá trình thẩm định ký hồ sơ cho vay của nhân viên Ngân hàng NCB trong hoạt động cấp tín dụng, giải ngân, bà Thành giả chữ ký của vợ chồng ông T. trên các chứng từ, chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng.

Với cách thức tương tự, bà Thành còn thực hiện cú lừa tại Ngân hàng PVcombank và NCB. Tổng số tiền "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành vay của ông T., sau đó chỉ định ông gửi tiết kiệm tại 3 ngân hàng là 122 tỷ đồng.

Tại phiên tòa hôm nay, ông T. liên tục đặt vấn đề: Tại sao ông không có mặt tại ngân hàng, không có chữ ký của ông, không có căn cước công dân của ông mà số tiền trong sổ tiết kiệm của ông vẫn bị rút ra.

Trong khi đó, đại diện các ngân hàng giữ quan điểm cho rằng, sổ tiết kiệm thì khách hàng phải tự bảo quản. Hơn nữa trong trường hợp này, giao dịch gửi tiền tiết kiệm của vợ chồng ông T. là hợp đồng giả cách, được thực hiện nhằm mục đích che dấu đi một hợp đồng khác và thông qua hợp đồng đó để chuộc lợi, chiếm đoạt tài sản khi có sự vi phạm nghĩa vụ về hợp đồng.

Chiều nay, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm luận tội trước đó, chỉ đề nghị HĐXX giảm án cho bị cáo Nguyễn Mai Phương (kiểm soát viên Phòng giao dịch Đông Đô Việt Á Bank) vì cho rằng bị cáo này có thêm tình tiết giảm nhẹ mới.