Ngày 15/10, triển lãm ảnh NSND Bảy Nam - Người mẹ của sân khấu kịch miền Nam diễn ra tại trụ sở Hội Sân khấu TP.HCM. Bên cạnh con gái cố NSND Bảy Nam là NSND Kim Cương, dàn sao sân khấu miền Nam một thuở như Lê Thiện, Kim Xuân, Minh Vương, Lệ Thuỷ, Thành Lộc, Hữu Châu,... tề tựu đông đủ. 

Kim Cương rưng rưng nước mắt khi nhìn nhiều ảnh tư liệu quý do đạo diễn Thanh Hiệp dày công thực hiện. "Kỳ nữ" nói, nhìn những ảnh này, mọi người sẽ hiểu những nghệ sĩ đi tiên phong đã chịu đựng gian nan thế nào. Năm 1930, nghệ sĩ Phùng Há, Năm Châu, Năm Phỉ, Bảy Nam... ví như những cảm tử quân xông xáo phá định kiến cay nghiệt "xướng ca vô loài", để xã hội nhìn nhận "con hát" thành "nghệ sĩ" như hôm nay. 

Kim Cương kể, ông ngoại mình là một nhà Nho nên rất nặng thành kiến với sân khấu. Năm 12 tuổi, bà Năm Phỉ được mẹ ruột ủng hộ nên đánh liều bỏ nhà đi theo nghề. Từ đó, trong nhà không ai dám nhắc tên Năm Phỉ trước mặt ông. Đến khi nghệ sĩ Năm Phỉ nổi tiếng, có lần bà đi diễn ở gần nhà mình, mẹ bà mới nhẹ nhàng thưa chuyện với cha bà. Chẳng ngờ, ông không nói gì mà đập nát cái chén vừa ăn cơm xong. 

{keywords}
Kim Cương nhiều lần khóc nhớ mẹ.

Từ đam mê của chị, bà Bảy Nam cũng theo nghề dù anh bà cấm: "Đứa nào hát vọng cổ trong nhà này là tao cắt lưỡi". Bị anh trai trói, đánh, bà vẫn bỏ trốn theo nghề, để có cái tên Bảy Nam đi vào huyền thoại sân khấu Việt Nam hôm nay. 

Kể chuyện đời xưa, Kim Cương không khỏi đau xót khi các nghệ sĩ đi tiên phong mất bao nhiêu công sức để lấy 2 chữ "nghệ sĩ" thì một số nghệ sĩ bây giờ đang đi ngược lại điều ấy.

"Tôi thực sự rất buồn khi một số nghệ sĩ bây giờ tấu hài tục tĩu những câu tôi không dám nghe. Chúng tôi già rồi, biết tốt biết xấu nhưng thế hệ trẻ nghe theo thì thế nào? Lần nào gặp các anh quản lý, tôi luôn kêu rằng: Nếu không chỉnh đốn ngay, sau này chúng ta sẽ có một lớp phụ nữ trẻ xắn quần vén áo đánh chồng, nói năng thô bỉ. Nguy hiểm nhất là những thứ này đang phát trên truyền hình, nơi người xem tập trung đủ thế hệ lớn nhỏ. Ba mẹ các em cười thì các em sẽ cho là đúng", NSND bức xúc.

Chuyện về cố NSND Bảy Nam kể mãi không hết. Sinh thời, bà là hình mẫu nghệ sĩ của nghề mà mọi người học theo. Nghệ sĩ đoàn kịch Kim Cương năm ấy sống quy củ, kỷ luật vì bị ảnh hưởng bởi nữ trưởng đoàn. Chẳng hạn, bà Bảy Nam cứ mở tủ đồ diễn là đúng 6 giờ rưỡi, không sai một khắc. Hay một lần, Hữu Châu đi diễn miền Trung làm mất đạo cụ quan trọng là đóa hoa mù u. Anh lo sốt vó, không biết làm sao thì bà Bảy Nam mở tủ lấy một túi lớn đầy hoa mù u. 

{keywords}
Thành Lộc hào hứng kể chuyện cố NSND Bảy Nam.

Có những chi tiết rất nhỏ trong các tác phẩm, không ai biết nhưng phản ánh tầm vóc nghệ sĩ của bà Bảy Nam. Chẳng hạn, trước giờ diễn vở Lá sầu riêng, bà luôn yêu cầu nhân viên ủi chiếc áo dài thành từng đường gấp vuông vức để trong vở diễn, nhân vật bà mẹ nghèo giũ chiếc áo dài đen với nếp gấp mới cho thấy bà không mặc áo dài mấy chục năm. Tương tự, cố NSND thường ra chợ Sài Gòn đổi guốc mới lấy guốc mòn cũ để diễn vai người mẹ nghèo khổ. Tiểu thương chợ không hiểu nên ai cũng cười. 

Mẹ mất một tháng, Kim Cương dọn tủ mới thấy một xấp biên lai giao nhận từ thiện. Tất cả biên lai đều không có tên Bảy Nam vì cố NSND luôn để tên giả là tên những vai diễn của mình trên đó. Bà làm từ thiện cả đời nhưng không cho ai biết mình đã làm. 

Mỗi nghệ sĩ góp câu chuyện về cố NSND Bảy Nam. Với NSƯT Thành Lộc, anh tâm đắc nhất rằng cố nghệ sĩ là minh chứng cho chân lý thanh sắc không phải là tất cả. Sinh thời, nếu bà Bảy Phùng Há đẹp rực rỡ, yêu kiều thì bà Bảy Nam lại không phải đào đẹp.

Trong vở Điều Tam Xuân báo phu cừu, nhân vật Điều Tam Xuân có 2 lớp diễn, lớp đầu tiên hầu như chỉ giao cho những cô đào đẹp nhất, múa bộ hay nhất đương thời nên bà Phùng Há nhận vai. Lớp thứ 2, bà Bảy Nam đảm vai Điều Tam Xuân vào triều luận tội vua rồi cởi áo mão từ quan. 

{keywords}
Đạo diễn Thanh Hiệp tặng ảnh quý cho Thành Lộc.

"Hai cô đào số 1 cùng diễn, dĩ nhiên khán giả coi rất đông. Lớp thứ 2 của Điều Tam Xuân không có múa võ, chỉ thoại và ca luận tội vua, ai không quen xem sẽ lăn ra ngủ. Vậy mà sau đêm đó, má Bảy Nam lại là người chiếm trọn "spotlight". Bởi lẽ, má Bảy Phùng Há đẹp thế nào, múa võ thu hút cỡ nào, người ta công nhận rồi. Riêng diễn xuất, thần thái của má Bảy Nam là điều không ai ngờ tới", Thành Lộc nói. 

Hay như vở Phụng Nghi Đình, nếu "Nữ hoàng sân khấu" Thanh Nga nghiễm nhiên vào vai Điêu Thuyền thì cố NSND Bảy Nam lại nhận vai Lý Nhu - một vai nam phụ không có nhiều vai trò trong tác phẩm. Vậy mà, bà thoại "cà khịa" sắc bén đến nỗi các lớp diễn ít ỏi của nhân vật Lý Nhu sáng bừng trong vở diễn, đến nay chưa ai qua được. 

Bài và ảnh: Gia Bảo

NSND Kim Cương tiết lộ mối duyên đặc biệt với người làm báo

NSND Kim Cương tiết lộ mối duyên đặc biệt với người làm báo

Tại triển lãm "Sắc màu sân khấu" của CLB phóng viên sân khấu, "Kỳ nữ" Kim Cương nói bà và người làm báo có những mối duyên từ sự nghiệp đến hôn nhân.