NSƯT Cao Minh đã có hơn 4 thập niên hát nhạc cách mạng, dân ca. Ông còn được mệnh danh là giọng ca vàng hát về Bác Hồ và những bài ca cách mạng. Ở tuổi 62, ông vẫn say mê hát và dạy nhạc.
Tuy nhiên, phần lớn thời gian NSƯT Cao Minh dành cho khu du lịch sinh thái và nhà hát tự xây ở Đồng Nai. Ông thực hiện ý tưởng này với khát vọng sẽ đem đến cho mọi người những trải nghiệm lý thú và được thưởng thức âm nhạc thực thụ.
Trong cuộc trò chuyện với VTC News, nam nghệ sĩ tự nhận mình là một “người nông dân quái và ngông" khi thích làm những điều trái với số đông. Với ông, lao động chính là để “tu tâm” và rèn luyện sức khỏe để có thể theo đuổi đam mê của mình.
Không ai nghĩ tôi là nghệ sĩ
Hơn 40 năm gắn bó với dòng nhạc cách mạng, NSƯT Cao Minh có nhiều thành tựu đáng nể. Việc nổi danh khá sớm có đem đến cho ông nhiều thuận lợi trên con đường ca hát?
Năm 1988, khi đang là sinh viên Nhạc viện TP.HCM, tôi đã nhận được giải nhất Concour Quốc gia lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam (dòng nhạc thính phòng). Sau đó, tôi đạt giải người hát hay nhất ca khúc về Hồ Chí Minh, dân ca.
Việc đạt được nhiều giải thưởng cao quý từ khi còn là sinh viên khiến tôi rất tự hào. Khi ấy, tôi đã tự hứa với mình sẽ tiếp tục học hỏi, nghiên cứu và rèn luyện để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, chuyên hát dòng nhạc cách mạng, dân ca.
Tôi từng có một thời gian hoạt động ở đoàn Bông Sen, sau đó tách ra và tham gia vào đoàn ca múa nhạc Âu Cơ. Một thời gian sau, tôi trở thành ca sĩ tự do, và chính nhờ những giải thưởng đã giúp tôi được nhiều người biết đến hơn.
NSƯT Cao Minh nói ông làm nghệ thuật vì đam mê.
- Ông nổi tiếng sớm và nhanh khiến nhiều người cho rằng, ông gặp nhiều may mắn?
Ngày tôi đoạt giải, nhiều người cho rằng may mắn. Tuy nhiên, riêng bản thân tôi biết, mình đã phải cố gắng, nỗ lực thế nào.
Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, nơi nhiều người có đam mê nghệ thuật nhưng không bao giờ dám mơ mộng. Tôi thấy mình là người liều mạng hơn là may mắn vì đã dám bước vào cánh cửa này.
Thầy giáo từng nói tôi là "một kẻ nhà quê lên thành phố". Khi ông ấy phát hiện giọng hát của tôi cũng là lúc tôi quyết định thi vào Nhạc viện và thay đổi cuộc đời.
Tôi đã phải học 9 năm mới được bước lên sân khấu. Trong khoảng thời gian này, nhiều lúc tôi thèm được đi hát nhưng không cho phép bản thân được bước lên. Tôi muốn khi đã bước lên sân khấu với danh xưng ca sĩ thì bản thân phải thật xứng đáng.
- Sinh ra ở vùng quê miền Tây nghèo khó, nhưng ông lại chọn dòng nhạc cách mạng và dân ca, đặc biệt là những ca khúc về Bác Hồ. Khi nhắc đến những ca khúc này, người ta sẽ cho rằng đây là một thế mạnh của những nghệ sĩ miền Bắc. Lý do nào khiến ông đam mê và quyết định theo đuổi dòng nhạc này?
Ngay từ khi bắt đầu ca hát, tôi đã thích dòng nhạc cách mạng. Bởi dòng nhạc này luôn thể hiện được khí thế oai hùng của quân và dân ta, niềm tự hào của dân tộc, niềm hy vọng vào cuộc sống. Còn những bài hát dân ca sẽ nuôi dưỡng tâm hồn con người, giúp họ yêu thương gắn bó với quê hương hơn.
Tôi tự hào khi là người duy nhất đoạt giải "Người hát hay nhất về đề tài Hồ Chí Minh". Dù tôi có ở bất cứ đâu, trong hang động hay dưới biển thì tình yêu với quê hương, đất nước và Bác đều không thay đổi. Vậy nên không thể nói miền nào mới có thế mạnh để hát những ca khúc về Bác.
Trong nghệ thuật, tôi học được cách tạo năng lượng. Vậy nên khi dùng âm thanh tác động với thứ năng lượng này sẽ chạm được tới tâm hồn. Khi hai thứ được kết nối với nhau, chúng ta trở thành một tác phẩm nghệ thuật.
- Có vẻ như ở tuổi này, niềm đam mê với âm nhạc của ông vẫn còn cháy bỏng như thời trẻ?
Tôi vẫn hát thường xuyên và tự xây một nhà hát để thoả mãn đam mê âm nhạc của mình. Nhà hát của tôi mở cửa vào mỗi thứ 7. Khán giả thích tôi tự đánh piano và hát.
Tôi không dùng nhạc điện tử vì cảm thấy điều đó sẽ khiến khán giả không còn năng lượng. Với tôi, nghệ thuật thực sự thì phải xuất phát trong tâm hồn của người nghệ sĩ. Tôi rất yêu nghệ thuật nhưng cũng rất giận vì cảm thấy đã bị lừa quá lâu. Đó là lý do tôi tự thành lập một nhà hát giao hưởng riêng của riêng mình.
Lừa mà tôi muốn nói đến chính là âm nhạc ngày nay đang ngày càng mất chất. Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ thậm chí không biết nốt nhạc nào nhưng vẫn tự tin đứng trên sân khấu. Khi hát như vậy, những tác phẩm sẽ không còn cảm xúc. Thậm chí, ngày nay có nhiều ca sĩ còn không học hát nhưng vẫn nhận lời làm giám khảo trên truyền hình.
Hơn nữa ngày nay, nhiều sáng tác cũng phải nhờ tới âm nhạc điện tử. Nếu cứ lạm dụng thì sẽ đến lúc con người bị kiệt quệ về khả năng sáng tạo nghệ thuật.
- Nhiều người nói nhờ ca hát mà NSƯT Cao Minh rất giàu có?
Nhiều người cũng gọi tôi là ca sĩ thực thụ giàu nhất Việt Nam (cười). Tôi thấy mình giàu về tâm hồn vì không màng tới chuyện ăn sung mặc sướng. Từ khi theo con đường âm nhạc cho tới nay, tôi hầu như không có tai tiếng vì luôn thích sự giản dị, chất phác của một người nông dân.
Tôi từng nói với khán giả của mình rằng, đừng gọi tôi là ca sĩ. Tôi chỉ là một người nông dân có học thức và biết hát. Ra đường dù không ai biết Cao Minh là ai, nhưng khi lên sân khấu và cất giọng hát thì khán giả chắc chắn sẽ biết.
Tôi không phải là ca sĩ giàu, vì muốn giàu phải làm thứ khác. Ở tuổi này, tôi cảm thấy mình đúng khi đã giận nghệ thuật. Vì giận nên tôi quyết định đi làm nông dân. Đó mới là lý do tôi giàu (cười).
Dù làm nông dân nhưng tôi vẫn nghĩ đến ca hát. Điều này cũng giúp tôi có sức khoẻ tốt nên ở tuổi này vẫn hát rất bình thường.
- Với ông, những ca sĩ hiện này có thật sự giàu có như những gì khán giả thấy?
Với tôi, nghệ sĩ là phải từng trải qua nhiều công việc, chứ không phải những người hào nhoáng. Nghệ sĩ rất khổ về chuyện tiền bạc. Tôi biết có rất nhiều học trò của mình từng không lãi một đồng nào khi làm liveshow.
Nhiều ca sĩ hiện nay thậm chí còn rất hay khoe khoang tài sản của mình. Tuy nhiên, đến khi bị bệnh hay gặp hoạn nạn thì mới biết có giàu hay không?
Tự tay xây 2 khu du lịch
Đang là nghệ sĩ nổi tiếng, lý do nào NSƯT Cao Minh quyết định tập trung làm "nông dân" khi tự xây khu du lịch sinh thái, mở nhà hát?
Tôi quyết định chuyển hướng từ khi có chương trình Làn sóng xanh. Tôi nghĩ khán giả đã có nhiều sự chọn lựa trong âm nhạc nên muốn tự mở không gian âm nhạc cho khán giả của mình.
Từ trước đến nay, tôi không bao giờ đề cập vấn đề tiền bạc khi đi hát. Không phải tôi giàu mà vì đi hát chỉ là đam mê. Tôi chuyển sang xây hệ sinh thái mục đích cũng không phải là lợi nhuận mà để rèn luyện thêm sức khỏe, sự minh mẫn, thoải mái để bảo vệ giọng hát.
NSƯT Cao Minh giản dị, bình dân ở ngoài đời.
Thời gian trước, tôi mở một phòng trà tại nhà. Sau đó tôi chuyển sang xây khu du lịch sinh thái. Khi đến Đồng Nai, tôi thấy nơi đây có rừng, sông, hồ, thác rất đẹp, con người lại thân mật, gần gũi nên tôi đã mua 20ha đất xây dựng Khu du lịch sinh thái Cao Minh để thỏa mong muốn của tôi, và thi thoảng có thể hát phục vụ người dân.
Hiện tại, tôi đang muốn biến nơi này thành một "khu vườn âm nhạc". Tôi sẽ mời bạn bè đến để làm những chương trình âm nhạc đỉnh cao. Nhiều người sẽ nghĩ tôi tự kiêu và bảo thủ, tuy nhiên, tính cách ngông này đã có ở Cao Mình từ rất lâu rồi. Tôi không dùng âm nhạc để làm cho mình nổi tiếng, mà chỉ muốn nghệ thuật được phát triển một cách đúng nghĩa.
- Ông tự xây dựng khu du lịch sinh thái cho riêng mình thế nào?
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo nên mọi thứ đều phải tự lực, không có ai để hỗ trợ. Tôi dạy hát một tháng được vài triệu đồng, dồn hết mua vật liệu xây dựng. Có thời điểm người thân ngăn cản tôi lao động mà chỉ muốn tôi đi hát vì thấy vất vả quá. Tuy nhiên, càng vất vả tôi lại càng hứng thú.
Tôi như một người nông dân, vừa làm vừa tự mình rút kinh nghiệm, nên dù không học qua trường lớp đào tạo nào nhưng vẫn xây dựng được nhà cửa, phát minh ra nhiều loại máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất.
Khu du lịch sinh thái của NSƯT Cao Minh
Có thể nhiều người không tin, nhưng một mình tôi đã xây 2 khu du lịch trong vòng 7 năm. Tôi lượm gạch đá cũ, thậm chí có những thứ đi xin tái chế lại để xây. Ngoài khu du lịch này, tôi còn mua thêm 5 hòn đảo giữa hồ Trị An. Một mình tôi cũng tự xây và tạo cảnh, không cần trợ lý.
Tôi may mắn khi có thể tự xây dựng khu sinh thái của mình mà không phải vay mượn ai. Thời đó, đất cũng rất rẻ, thậm chí có nhiều nơi họ còn cho không. Tôi căm thù chuyện phải đi mượn tiền. Nhiều người nói làm kinh doanh mà không vay mượn thì thật vô lý. Tuy nhiên tôi luôn nghĩ đã mượn thì là phải trả, nếu không trả được thì sẽ phải mang cái nợ đó suốt đời. Đó là điều tôi sợ nhất.
- Có vẻ như cuộc sống ở tuổi 62 của ông vẫn rất bận rộn?
Ở tuổi này, tôi vẫn làm việc từ 5h sáng đến khi trời tối. Tôi giận ông trời sao tối nhanh quá khiến mình không thể tiếp tục công việc được nữa. Công việc của tôi cũng liên tục thay đổi mỗi ngày. Có lúc làm đường băng, lúc thì độ xe, có khi thì khám phá đồ cổ, rồi lại lọ mọ tự đào, bới xây dựng như một người nông dân.
Ngoài ra, do đam mê máy bay nên hiện tôi cũng đang đảm nhận vai trò Phó chủ tịch Liên đoàn bay TP.HCM. Tôi cũng tự xây một nhà hát riêng để hát cho đã. Tôi thầm lặng biến mình thành người nông dân. Một người nông dân mê hát và muốn được hát riêng cho khán giả của mình.
Thành công nhờ bà xã
Công việc nhiều như vậy, ông dành thời gian cho tổ ấm của mình thế nào?
Hiện tại tôi sống ở Đồng Nai để tập trung cho việc kinh doanh, còn bà xã vẫn ở TP.HCM. Tuy nhiên, tôi vẫn đi lại thường xuyên khi có công việc. Gia đình tôi lúc nào cũng hạnh phúc. Bà xã tôi là nguyên Giám đốc Nhạc viện TP.HCM. Hiện đã về hưu nhưng bà ấy vẫn dành nhiều thời gian để viết sách.
Con gái tôi cũng theo đuổi âm nhạc và hiện đang học piano tại Pháp. Thời gian qua, con vinh dự đạt được một số giải thưởng. Hiện tại, con không chịu ở nước ngoài mà muốn về Việt Nam mở trường dạy học cùng mẹ.
- Lấy một người vợ giỏi như vậy có bao giờ trở thành áp lực của ông?
Bà xã luôn coi tôi là một người nông dân chất phác từ ngày quen biết nhau. Cô ấy nói yêu tôi bởi sự giản dị này.
Nếu hỏi có áp lực hay không thì hoàn toàn không có. Tôi và vợ học cùng trường, bà xã là đàn em học sau 1 năm. Cô ấy có tài ăn nói nên mới được đề cử làm lãnh đạo. Nói thật tôi không muốn vợ làm lãnh đạo. Tôi chỉ muốn cô ấy làm nhà phê bình lý luận âm nhạc và tập trung viết sách.
- Công việc của bà xã có hỗ trợ nhiều cho sự thành công của NSƯT Cao Minh?
Khi kết hôn, vợ tôi nói 1 câu rất hay rằng: "Anh là người của công chúng, khi vợ chồng lấy nhau thì sẽ buộc sơi dây tơ hồng. Nhưng chỉ buộc riêng cho mình thì ích kỷ quá, nên em sẽ thả anh ra ngoài thì mới có ích cho xã hội". Nói như vậy để hiểu rằng công việc của chúng tôi không bị ràng buộc lẫn nhau.
Tuy nhiên, tôi khẳng định Cao Minh thành công như ngày hôm nay là nhờ bà xã "thả ra" để có được sức mạnh ngoài xã hội. Thứ sức mạnh mà tôi nhắc đến ở đây chính là tình thương yêu của khán giả.
(Theo VTC)