“Năm nay, tôi đóng Táo Giao thông với 100% năng lượng”
Vì sao sau nhiều năm xin rút, không đóng Táo Giao thông, năm nay anh lại muốn làm vai này?
- 6-7 năm trước, tôi xin rút không đóng Táo Giao thông vì lý do cá nhân, nhưng năm nay tôi đề nghị trực tiếp với đạo diễn Đỗ Thanh Hải, được đảm nhận tiếp vai diễn này.
Giao thông năm nay vui ít buồn nhiều. Niềm vui là tỷ lệ tai nạn giao thông giảm đáng kể, nói như câu thoại của tôi ở Táo Quân 2022, “năm nay tỷ lệ giao thông giảm hẳn vì người dân phải ở yên trong nhà, họ đâu còn được ra đường để mà... đâm nhau”.
Táo Giao thông cũng là vai diễn gắn bó với tôi trong nhiều năm. Tôi được nhiều khán giả yêu mến qua vai Táo Giao thông, nên năm nay tôi chủ động đề xuất với đạo diễn.
Đạo diễn phản ứng thế nào về sự “thay đổi 360 độ” của anh?
- Tôi vẫn nhớ hôm ấy, đã chiều muộn, nhá nhem tối, đạo diễn Đỗ Thanh Hải gọi cho tôi và bảo muốn gặp để xin tư vấn. Tôi đến quán cà phê gặp Hải tầm 5 rưỡi, đạo diễn ngồi rất trầm tư và bày tỏ, năm nay chưa nghĩ ra được ý tưởng gì mới cho Táo Quân. Thời điểm này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng đã đảm nhận ví trí Phó Tổng Giám đốc VTV, công việc rất bận.
Buổi gặp có cả đạo diễn Khải Anh, Hoa Thanh Tùng... Bốn anh em chúng tôi nói chuyện rất lâu. Tôi đề xuất được đóng Táo Giao thông. Hải đồng ý ngay. Hải nhờ tôi tư vấn thêm cho Táo Quân năm nay. Sau cuộc trò chuyện, Hải đã nảy ra rất nhiều ý tưởng mới.
Về phía mình, tôi cũng đã tự bồi đắp, lên nhiều ý tưởng cho Táo Giao thông. Tôi thực sự tâm huyết với vai diễn của mình ở Táo Quân năm nay. Tôi diễn suốt 40 phút thăng hoa, không nghỉ. Diễn xong, tôi cẩn thận dặn đạo diễn, “lấy cho anh phần diễn ở đêm này nhé (Táo Quân ghi hình 2 đêm). Đêm nay anh diễn "căng" quá, anh rất hài lòng”.
Năm nay, vào đêm giao thừa, tôi nghĩ mình đã có thể tự hào nhìn thẳng vào màn hình TV khi xem Táo Quân. Ở khán giả, đón nhận hay khen chê thế nào, tôi cũng vui vẻ lắng nghe. Còn tôi, tôi đã làm hết sức, đã dành tâm huyết bồi đắp cho vai, và diễn thăng hoa, “căng đét”.
NSƯT Chí Trung chia sẻ, năm nay anh “xin” vai Táo Giao Thông và đã diễn với 100% năng lượng. Ảnh: NVCC |
Năm nay vắng Xuân Bắc, Công Lý, Táo Quân có “trống trải” hơn với anh?
- Rồi người ta cũng sẽ thay hết các Táo (cười). Chúng tôi có tuổi rồi, chúng tôi không thể cứ “bám riết” lấy những thành công mà mình đã có. Tôi cho rằng, sự thay thế là điều tất yếu và sẽ xảy ra.
Hai diễn viên trẻ Đỗ Duy Nam, Trung Ruồi trẻ nhưng không hề non. Họ tham gia Táo Quân đã nhiều năm nay, cũng lăn lộn với nghề diễn, rất nỗ lực.
Giống như Xuân Bắc – Công Lý, anh đã có 20 năm gắn bó với Táo Quân, kể từ năm đầu tiên lên sóng. Với nhiều người, Táo Quân là tuổi trẻ rực rỡ, là sự gắn bó với cộng sự... Với anh, 20 năm ấy là gì?
- Tôi là một người khắc kỷ. Khắc kỷ với chính mình. Tôi rất khó cởi mở, mở lòng với người khác. Đôi khi, Tết đến vui vẻ, pháo hoa bắn tưng bừng, người người nhà nhà nô nức, nhưng tôi cứ đứng khóc một mình.
Với ê-kíp Táo Quân, theo thông lệ suốt từ 2003 đến nay, sau đêm ghi hình cuối cùng, tất cả sẽ cùng tham gia buổi tiệc, nhiều anh chị em ngồi với nhau đến tận sáng, tâm sự. 18 năm qua, tôi chỉ đến 5-10 phút rồi về, nhưng năm nay, tôi đã ở lại cùng chung vui với anh em, đến tận 2h rưỡi sáng.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải ngạc nhiên hỏi, “Sao năm nay anh ở lại lâu thế? 18 năm qua anh không tham gia”. Tôi có nói với Hải, “Năm nay, anh sắp nghỉ hưu, cảm giác như cởi bỏ được những gánh nặng”.
Sau lưng tôi bây giờ, nhà hát Tuổi trẻ đã có những lãnh đạo kế cận, tôi rất yên tâm. Những năm trước, tôi tham gia Táo Quân – nhưng vẫn là người giữ vị trí lãnh đạo của một nhà hát, nhiều mối lo toan, bận rộn.
Hơn nữa, năm nay tôi cũng cảm thấy yên tâm về Táo Quân, và yên tâm về cả vai Táo Giao thông của mình. Tôi tự tin rằng, vai Táo Giao thông của mình sẽ có nhiều cái đáng xem.
Chí Trung chụp ảnh kỷ niệm cùng Vân Dung ở Táo Quân, họ là những đồng nghiệp lâu năm ở Nhà hát Tuổi Trẻ. Ảnh: NVCC |
“Phải đến khi về hưu, tôi mới ngẩng lên, và thấy trời xanh vời vợi”
Anh sẽ về hưu ở thời điểm Nhà hát Tuổi Trẻ sắp có rạp mới nguy nga tọa trên 7.000 m2 ở Mỹ Đình?
- Từ 18 năm trước, khoảng 2003-2004, lãnh đạo nhà hát Tuổi trẻ thời điểm đó đã xin thành phố Hà Nội một mảnh đất ở khu vực Nam Trung Yên để xây dựng nhà hát mới, do nhà hát của chúng tôi đã quá xập xệ và xuống cấp.
Sau 18 năm, sau 4 đời giám đốc nhà hát, sau rất nhiều biến chuyển, thì chúng tôi đã được xét duyệt cấp 7.000 m2 đất và xây nhà hát mới. Nếu không có gì thay đổi, cuối 2023, đầu 2024, nhà hát Tuổi Trẻ sẽ chuyển về nhà mới sau nhiều năm mong mỏi.
Cá nhân tôi, cảm thấy thanh thản. Trên vai tôi, không còn gánh nặng nào.
Anh gắn bó với sân khấu từ 1978, sau bao biến thiên thăng trầm, từ khi sân khấu huy hoàng đến khi ế ẩm, đây có phải là giai đoạn khó khăn nhất, sau đại dịch?
- Mọi thứ đều có chu kỳ như đồ thị hình sin. Có lên sẽ có xuống. Ngay cả đại dịch xảy ra, cũng là điều tất yếu, sau những gì chúng ta đã làm, đã gây ra cho môi trường sống. Mọi lĩnh vực đều đang khó khăn, từ điện ảnh, âm nhạc... không chỉ sân khấu.
Ở tuổi của tôi, khi đã sống bấy nhiêu năm, đã trải qua nhiều chuyện, tôi nhìn mọi chuyện theo quy luật, rồi đâu sẽ vào đó. Khi lên cao đừng vội vàng, khi xuống thấp cũng đừng quá lo lắng. Cứ nhẫn nại chờ, rồi mọi thứ sẽ qua.
Trong cuộc trò chuyện, nhiều lần anh nhắc đi nhắc lại, “Ở tuổi của tôi”, “Sống đến tầm này”... Anh sắp về hưu và ý thức hơn bao giờ hết về sự hữu hạn của thời gian?
- Ngọc Hoàng năm nay có câu thoại, “về hưu để được là người tử tế”. Tôi về hưu để được tử tế với chính tôi.
Bao nhiêu năm qua, cuộc sống cuốn tôi đi với đủ mọi lo toan, kiếm tiền. Là lãnh đạo nhà hát, tôi phải lo cho anh em. Lo bán vé cho sân khấu. Lo mưu sinh cho gia đình, nuôi vợ con và nuôi chính mình.
Tôi thấy mình giống như một người đã lên chuyến tàu cao tốc chạy như bay, mướt mải. Đến khi tàu hết năng lượng phải dừng lại, tôi mới nhận ra, cuộc sống ở dưới lòng đường cũng rất tươi đẹp, mà tôi không biết.
Bao năm nay, tôi cứ cắm cúi đi, tôi không nhận ra vẻ đẹp của công viên bên đường, không nhận ra những người nắm tay nhau đi dạo phố. Tôi nhận ra, mình đã bỏ quên chính mình.
“Phải đến khi sắp về hưu, tôi mới ngẩng mặt nhìn lên và thấy trời xanh vời vợi ở trên đầu” - Ảnh: NVCC |
Nếu nhìn lại cuộc đời mình, giai đoạn nào khiến anh phải dừng lại và suy tư lâu nhất?
- Trong cuộc đời mình, tôi có nhiều mất mát, không mong muốn. Có những đổ vỡ, không mong muốn. Khi đã đi qua những biến cố lớn như thế, mọi thứ khác bỗng trở nên nhỏ bé.
Tôi đã đi qua những thăng trầm của cuộc sống, gắn bó với sân khấu, và công việc cuốn tôi đi. Mọi thứ đến như cách nó phải đến.
Những năm 1986-1990, cuộc sống khó khăn, tôi cũng ra chợ trời buôn bán, kiếm thêm. Nhưng lúc đó, cả nước nghèo, tôi không hề biết mình nghèo.
Phải đến những năm 1990, mới nhận ra, à, hóa ra mình nghèo quá. Hài kịch bắt đầu nhen nhóm và có khán giả. Tôi lúc ấy là trưởng đoàn, đã dẫn đoàn đi khắp 62 tỉnh thành khắp cả nước, gõ cửa từng nơi, chào mời từng doanh nghiệp mua vé đi xem kịch.
Đó có lẽ là những năm tháng khó khăn nhất.
Anh nhìn lại những ngày tháng khó khăn, cả những đổ vỡ, mất mát không mong muốn... Anh có bao giờ nghĩ đến cái giá của sự bình yên lúc tuổi già?
- Tôi không trả lời câu hỏi này.
Anh đã tưởng tượng ra cuộc sống sau khi về hưu sẽ thế nào?
- Tôi không phải ra lệnh cho ai, và không phải nghe ai ra lệnh nữa (cười).
Khi bạn đi qua đủ thăng trầm, sẽ thấy cánh cửa này đóng lại, sẽ có rất nhiều cánh cửa khác mở ra.
Khi sắp nghỉ hưu, tôi mới nhận ra mình đã bỏ quên bản thân quá lâu. Tôi sống chậm lại, thấy bản thân mới là quan trọng nhất. Cuộc sống vẫn rộng mở. Tôi yêu bản thân hơn.
Phải đến khi sắp nghỉ hưu, tôi mới ngẩng lên, và thấy trời xanh vời vợi ở trên đầu.
Theo Lao động
Táo Quân 2022 cho hàng loạt vấn đề nóng 'lên thớt'
Trailer chính thức của Táo Quân 2022 chính thức lộ diện, hé lộ hàng loạt vấn đề nhức nhối sẽ bị điểm danh năm nay.