Trên trang cá nhân, NSƯT Thành Lộc thông tin về việc rời Công ty TNHH Sân khấu Nghệ thuật Thái Dương (sau đây gọi là Công ty Thái Dương) sau 26 năm gắn bó.
Thời gian đầu thành lập công ty, Thành Lộc đã đặt tên là Thái Dương, nhờ cố hoạ sĩ Nhã Bình vẽ logo. Ông quý Thành Lộc nên vẽ tặng, từ chối nhận tiền công.
Giữa tháng 5/2022, Thành Lộc rời ban giám đốc Công ty Thái Dương, từ chức phó Giám đốc chỉ đạo nghệ thuật của Sân khấu kịch IDECAF (thuộc Công ty Thái Dương) sau thời gian dài làm việc; chỉ tiếp tục cộng tác với tư cách diễn viên và đạo diễn của các vở đang diễn trong kịch mục hiện hành.
NSƯT xác nhận đã rời Công ty Thái Dương và Sân khấu kịch IDECAF nhưng không "bỏ nghề, bỏ sân khấu" như tin đồn.
Hiện tại, anh vẫn hỗ trợ công ty cũ tham gia biểu diễn cho chuỗi kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa 34 trong hè năm nay, dự tính diễn đến khi các em nhỏ trở lại nhập học mới dừng.
Thành Lộc không hài lòng việc một số cá nhân thêu dệt câu chuyện theo hướng sai sự thật như "không thể bỏ IDECAF vì đây là sân khấu kịch giàu nhất Việt Nam".
"Tôi không lăn tăn lựa chọn gì hết mà quyết định bỏ rất nhanh, cho nó ra sau lưng và bước tiếp", anh chia sẻ.
Thành Lộc mong chia sẻ này khép lại những nghi vấn, đồn đoán suốt thời gian liên quan anh, các nghệ sĩ khác và Sân khấu kịch IDECAF. Anh nói: "Khi đồng sáng lập Công ty Thái Dương, tôi đã không khoe thì rời đi cũng không có trách nhiệm phải báo cáo hay kể lể với bất kỳ ai".
Trước đó, thông tin "Nghệ sĩ Thành Lộc rời Sân khấu kịch IDECAF sau 26 năm" gây xôn xao dư luận. Cơn sốt truyền thông kéo theo loạt vở diễn kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa 34 trong tháng 6 và 7 tới cháy vé, đội giá gấp 4 - 5 lần.
Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ cộng tác với Sân khấu kịch IDECAF chia sẻ cảm xúc khi chia tay các nhân vật, tác phẩm mà họ đảm nhiệm nhiều năm qua như Ngôi nhà không có đàn ông, 12 bà Mụ...