Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSƯT Thanh Tú cho biết, bà có tên trong danh sách phong tặng NSND đợt 10 này.
Bà nói, bao năm nay "tôi vẫn là tôi", danh hiệu mà bà nhận được không chỉ riêng cho mình mà vì cả những người thân yêu, đồng nghiệp và khán giả của bà nữa.
Thanh Tú cho biết thêm, bà nhận danh hiệu NSND lần này là do sự động viên của NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội và NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, vì thế bà đã bỏ qua tự ái cá nhân, làm hồ sơ để được phong tặng.
"Khó có thể nói tâm trạng của tôi lúc này. Tôi chỉ có một ý kiến nhỏ: Khi xét duyệt danh hiệu NSND, đừng bắt nghệ sĩ phải xin xỏ nữa, vì các nghệ sĩ đã qua vòng xét duyệt NSƯT, đã được "cân đong đo đếm" ở các giải thưởng rồi.
Nếu xét thấy các nghệ sĩ vẫn làm nghệ thuật, có sự lan tỏa và được công chúng mến mộ, đã là nghệ sĩ của nhân dân rồi thì các cấp có thẩm quyền cứ xét duyệt và phong tặng NSND. Nếu xin xỏ lần nữa, nhiều nghệ sĩ rất tự ái", bà tâm sự.
"Chị Nhu" Thanh Tú dẫn chứng, NSƯT Thanh Quý được phong danh hiệu NSƯT hơn 25 năm nay, từ đó đến nay Thanh Quý chưa ngừng làm nghề ngày nào. Mới đây, Thanh Quý cũng nhường các giải thưởng cho các diễn viên trẻ. Nữ diễn viên cũng từng chia sẻ với Thanh Tú "mình ân hận vì đã khai và xin danh hiệu NSƯT".
Bà Thanh Tú nói thêm rằng, Chí Trung là lứa nghệ sĩ đầu tiên làm nên tên tuổi của Nhà hát Tuổi Trẻ. Anh không đơn thuần là một danh hài mà còn là diễn viên chính kịch trong rất nhiều vở diễn của nhà hát.
Theo bà, đáng ra cách đây 20 năm Chí Trung đã xứng đáng với danh hiệu NSND cùng với NSND Lê Khanh. Hiện tại, anh vẫn làm nghề, vẫn mang lại niềm vui tiếng cười cho công chúng, vì sao vẫn không có tên trong danh sách NSND?
NSƯT Thanh Tú thẳng thắn: "Nhiều nghệ sĩ trước kia đã được phong tặng NSƯT sau đó không làm nghề nữa mà làm quản lý hoặc làm ở các hội, các đoàn thể khác, xin đừng xét duyệt danh hiệu NSND cho họ nữa vì thời điểm đó đã không trực tiếp mang lại nghệ thuật cho công chúng nữa".
NSƯT Thanh Tú (SN 1944) trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Bà là con thứ hai trong một gia đình có 8 anh chị em, bố bà nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Từ năm 1960 đến năm 1964, bà theo học và tốt nghiệp tại Trường Sân khấu Hà Nội (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Bà trở thành diễn viên kịch, từng thành công với những vai diễn như: Tania trong vở kịch cùng tên, đạt kỷ lục với hơn 1200 suất diễn; quận chúa Minfo trong Âm mưu và tình yêu, đây cũng là vở diễn thành công nhất của bà.
Năm 1966, Thanh Tú đóng bộ phim đầu tiên với vai Thảo trong Biển lửa của đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Bà kết hôn với đạo diễn Phạm Kỳ Nam trong năm đó.
Năm 1969, bà tiếp tục thể hiện vai cô diễn viên Hương Giang trong bộ phim chuyển thể từ vở kịch cùng tên Tiền tuyến gọi, do Phạm Kỳ Nam đạo diễn.
Sau Tiền tuyến gọi, bà tiếp tục vào vai mẹ bé Hà trong phim Em bé Hà Nội (1974), vai chị Hảo trong Vùng trời (1975).
Năm 1976, bà đạt được thành công lớn với vai Nhu trong bộ phim Sao Tháng Tám của đạo diễn Trần Đắc. Với vai diễn này, bà đã giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV năm 1977, được Ủy ban phụ nữ toàn Liên bang Xô Viết trao giải đặc biệt khi dự Liên hoan phim Moskva.
Sau thành công quá lớn của vai Nhu, bà từ chối tham gia các dự án điện ảnh khác. Đến năm 1984 bà mới lại tham gia với các bộ phim như: Tình yêu và khoảng cách, Truyện cổ tích cho tuổi 17, Thời hiện tại, Gánh hàng hoa, Mối tình sau song sắt… Tuy nhiên những vai diễn này không vượt qua được đỉnh cao là Nhu trong Sao Tháng Tám.
Ngoài công việc diễn xuất, bà còn là một giảng viên tham gia đào tạo các diễn viên truyền hình, phát thanh viên và MC.
Ngoài phim, Thanh Tú vẫn coi sân khấu là "thánh đường", vì thế mỗi khi nhắc đến sân khấu, ánh mắt bà luôn lấp lánh niềm vui.
Vào tháng 11/2022, sau rất nhiều năm vắng bóng, NSƯT Thanh Tú đã trở lại với vở kịch Giác. Ở tác phẩm này, bà "gánh" cả 4 nhân vật, vở diễn đã tham gia dự thi Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm Hà Nội lần thứ V.
NSƯT Thanh Tú nói, sự trở lại của bà không phải nuối tiếc hào quang của sân khấu mà vì một giấc mơ! Bà mơ đến một ngày, nghệ thuật sân khấu được "hồi sinh", khán giả lại nườm nượp đi mua vé xem kịch như ngày xưa.
Ở tuổi 79, NSƯT Thanh Tú có một cuộc sống an yên bên con cháu. Bà có hai người con, người con trai cả định cư ở Pháp. Hiện bà sống cùng cô con gái thứ 2 tại một căn nhà gần hồ Tây.
Bà bảo: "Giờ bình yên trong tâm hồn là vui nhất". Những lúc rảnh rỗi, bà thường gặp những người bạn cũng như nghệ sĩ Thanh Quý, nhà viết kịch Trịnh Thanh Nhã để hàn huyên, chia sẻ.
Theo Dân trí