Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, dù xuất phát điểm thấp, nhưng với quyết tâm, sự nỗ lực, đồng lòng của chính quyền và nhân dân, công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. 

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng thêm ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm theo chuẩn của từng giai đoạn; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 97%; tỷ lệ hộ có nước hợp vệ sinh đạt 100%;

Huyện Cai Lậy khởi sắc từ Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch để có 100% số xã đạt chuẩn NTM; có 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tất cả các đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (gồm 03 đô thị được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 08 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM); có 02 huyện được Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Trên cơ sở đó, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó Chương trình được thiết kế với 11 nội dung thành phần và 54 nội dung chi tiết, cụ thể. Giai đoạn 2021 - 2025, có bổ sung những điểm mới so với giai đoạn trước, như: Triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP); hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; đa dạng hóa các kênh phân phối, tiêu thụ nông sản, trong đó ưu tiên phát triển thương mại điện tử; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa gắn bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa ở nông thôn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân nông thôn; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới...

Tính đến hết tháng 7/2022, toàn tỉnh Tiền Giang có 131/142 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 26 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 03 đô thị (thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 03 huyện (Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây) đạt chuẩn huyện NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2022, tỉnh Tiền Giang có thêm ít nhất 05 xã NTM (nâng số xã đạt chuẩn NTM đến cuối năm 2022 là 136/142 xã, đạt tỷ lệ 95,1% tổng số xã của tỉnh), ít nhất 11 xã NTM nâng cao (nâng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao đến cuối năm 2022 là 37 xã, đạt tỷ lệ 26,01% tổng số của tỉnh); huyện Cai Lậy được công nhận huyện đạt chuẩn NTM; có 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phấn đấu có ít nhất 80% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2021 trở về trước duy trì và nâng chất các tiêu chí theo quy định mới.

Thời gian qua, Tiền Giang đã xúc tiến triển khai các Quyết định ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao và quy định xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, Bộ tiêu chí giai đoạn mới có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu được nâng cao tỷ lệ hơn so với Bộ tiêu chí giai đoạn trước.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh tiếp tục xác định mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với việc thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM ấp, khu phố. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đồng thời, xác định Nhân dân là chủ thể với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng" và xác định xây dựng NTM là "chỉ có điểm xuất phát, không có điểm dừng". Do đó, phải huy động cả hệ thống chính trị, mọi nguồn lực và người dân cùng tham gia xây dựng NTM.

Nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, tháng 7 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND về phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong Kế hoạch nêu rõ mục tiêu nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng KHCN, CNC, nông nghiệp thông minh (nông nghiệp số) để tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; Xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHCN, CNC, vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh; Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHCN, CNC.

Kế hoạch này cũng góp phần nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHCN, CNC đến năm 2025 chiếm 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh và 40% vào năm 2030; Đến năm 2025, trên 5% hộ sản xuất và trên 15% doanh nghiệp ứng dụng KHCN, CNC về giống, cơ giới hóa - tự động hóa trong sản xuất, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản. Đến năm 2030, các chỉ tiêu là trên 10% hộ sản xuất và trên 30% doanh nghiệp;  Hình thành ít nhất 02 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHCN, CNC đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh và một số ngành hàng có tiềm năng của tỉnh như: lúa, gạo, sầu riêng, thanh long, cá tra, tôm, cá điêu hồng,...vào năm 2025 và đến năm 2030 hình thành ít nhất 05 vùng sản xuất; Đến năm 2025, có ít nhất 05 dự án ứng dụng KHCN, CNC vào sản xuất. Đến năm 2030, có ít nhất 15 dự án.

Còn về việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, kế hoạch đặt ra mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; áp dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; tạo sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Trên tinh thần đó, Tiền Giang sẽ hình thành vùng sản xuất theo hướng hữu cơ đáp ứng yêu cầu về sản lượng cũng như chất lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đến năm 2025, phấn đấu đạt 2% tổng diện tích sản xuất trồng trọt, trong đó tập trung một số cây trồng có điều kiện áp dụng sản xuất hữu cơ như: dừa, lúa, cây ăn trái...; Xây dựng thương hiệu sản phẩm hữu cơ cho các cây trồng chủ lực của tỉnh; Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 05 mô hình và đến năm 2030 có ít nhất 10 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo hướng hữu cơ gắn liên kết sản xuất - tiêu thụ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực và tiềm năng của tỉnh.

Yến Hưng