Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI đã đề ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Để đạt được mục tiêu này, Tiền Giang đã và đang triển khai thực hiện với quyết tâm chuyển các chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết thành hiện thực.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, dù xuất phát điểm thấp, nhưng với quyết tâm, sự nỗ lực, đồng lòng của chính quyền và nhân dân, công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, toàn tỉnh có 119 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm hơn 83% tổng số xã của tỉnh); trong đó, có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Tỉnh Tiền Giang hiện có 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Đông, TX. Cai Lậy, TX. Gò Công và TP. Mỹ Tho).
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI đã đề ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn NTM; 8/8 huyện đạt chuẩn NTM; có từ 20% - 30% xã NTM nâng cao và 10% xã NTM kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Tiền Giang đạt chuẩn NTM”. Để cụ thể hóa Nghị quyết này, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét ban hành nghị quyết về lãnh đạo xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Dựa trên cơ sở Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 của Trung ương, UBND tỉnh Tiền Giang xây dựng Kế hoạch và phát động chuyên đề thi đua “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025. Ngay từ đầu năm, tỉnh tập trung lãnh đạo việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã bảo đảm tính thực tế, khả thi, hiệu quả và phát huy được lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cũng như tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp ngày càng mang tính chuyên nghiệp và hoạt động hiệu quả hơn.
Theo đó, năm 2022, địa phương đã tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 8 - 10 xã NTM nâng cao, 5 - 10 xã NTM kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Tân Phước). Năm 2025, tỉnh tiếp tục phấn đấu có 5 - 10 xã NTM nâng cao, 5 - 10 xã NTM kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Tân Phú Đông) và tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Để góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra, cũng là để có thể vượt qua những bất lợi do nằm trong vùng chịu tác động của biển đổi khí hậu, Tiền Giang chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh quan tâm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi những địa bàn khó khăn thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập và giảm nghèo nông thôn, tạo điều kiện để bà con vượt khó làm giàu, vừa góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới thành công.
Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng định hướng các địa phương mở mang ngành nghề nông thôn, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa cũng như đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học công nghệ cao trong quá trình sản xuất, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ kết nối thị trường tiêu thụ.
Đặc biêt, để phát huy ưu thế về sản xuất trái cây, hiện các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền lợi ích của mã số vùng trồng, vận động nhà vườn tham gia và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục cấp mã số vùng trồng để trái cây rộng đường xuất khẩu chính ngạch, góp phần đưa nông thôn mới của Tiền Giang phát triển theo hướng bền vững.
Yến Hưng