CTCP Tài Nguyên (TNT) tiếp tục trở thành "cổ phiếu ruồi" đáng quên. Sau “trái đắng” bất động sản, doanh nghiệp này là điểm nóng của các cú thao túng cổ phiếu gây rối loạn trên thị trường chứng khoán.

UB CKNN vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lương Thị Thu (14D Tòa Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) 550 triệu đồng do có hành vi sử dụng 29 tài khoản mua, bán, tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu TNT.

Đây là cá nhân tiếp theo bị xử phạt liên quan tới doanh nghiệp có cổ phiếu tăng giảm bất thường và là một “trái đắng” bất động sản đối với nhiều nhà đầu tư.

Trước đó, hồi giữa năm 2016, một nhà đầu tư tên Hoàng Đức Dũng đã sử dụng 02 tài khoản đứng tên mình và 24 tài khoản đứng tên người khác để giao dịch cổ phiếu TNT và đã bị phạt 550 triệu đồng và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hơn 491 triệu đồng.

CTCP Tài Nguyên (TNT) đã trở thành đề tài đàm tiếu trên TTCK trong nhiều năm qua. Đây là một doanh nghiệp vốn khởi đầu kinh doanh ở lĩnh vực khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng. Đến năm 2009 TNT mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản. 

{keywords}
 

TNT nổi tiếng với cú tăng vốn điều lệ sốc gấp hơn 6 lần, từ 15 tỷ đồng lên 85 tỷ đồng và sau đó là 250 tỷ đồng với mục đích là chuyển hoạt động sang lĩnh vực bất động sản đầy hấp dẫn trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của TNT khá phập phù. Doanh thu có quý ghi nhận 0 đồng. Lợi nhuận vài ba tỷ, nhưng có năm lỗ tới hơn 19 tỷ đồng (2013). Cổ phiếu TNT biến động rất mạnh, từ lúc bị lãng quên giá rớt xuống 1.000 đồng/cp, có lúc tăng hàng chục lần lên trên 30.000 đồng/cp.

Hiện tại, TNT có giá 2.600 đồng/cp và là một số ít cổ phiếu có giá “trà đá rau thơm” trên TTCK.

Sự hiếm có của TNT còn nằm ở chỗ, trong khi hàng loạt cổ phiếu bất động sản hồi sinh và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm vừa qua với nhiều mã có giá lên mức cao kỷ lục mọi thời đại, thì TNT vẫn đang theo chiều hướng đi xuống.

Có một thực tế là, nhiều dự án TNT tham gia có quy mô rất lớn, lên tới nhiều ngàn tỷ đồng. Việc tiếp cận tín dụng khó khăn và lãi suất cao qua đó dẫn tới sự đình trệ của dự án có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Ngoại trừ việc làm giá, TTCK là nơi phản ánh rõ nét nhất hoạt động của doanh nghiệp. Trên thị trường, giá cổ phiếu có thể rớt xuống 100 đồng/cp và có thể lên tới cả triệu đồng. Doanh nghiệp có lúc đi lên có lúc đi xuống tùy theo kết quả hoạt động.

TTCK Việt Nam hiện đang ở thời kỳ sôi động chưa từng có trong lịch sử. Sau hơn năm tăng điểm gần như liên tục, TTCK đang ở đỉnh cao hơn 10 năm. Áp lực chốt lời có thể kéo thị trường đi xuống như thường thấy.

Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều CTCK, về ngắn hạn thị trường có thể giảm tiếp do áp lực chốt lời nói trên và ảnh hưởng của margin call, nhưng về dài hạn triển vọng thị trường vẫn tươi sáng. Dòng vốn ngoại vẫn không ngừng đổ vào các doanh nghiệp lớn và có kết quả kinh doanh tốt.

Thị trường phân hóa rõ nét, hàng loạt cổ phiếu tăng giá mạnh trong thời gian nhưng cũng không ít cổ phiếu tụt giảm, không ngóc đầu lên khỏi mệnh giá như trường hợp TNT nói trên

Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/2, VN-index giảm 56,33 điểm xuống 1.048,71 điểm; HNX-Index giảm 5,03 điểm xuống 118,94 điểm. Upcom-Index giảm 1,91 điểm xuống 56,93 điểm. Thanh khoản đạt gần 370 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 9,6 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

V. Hà