- Bị cáo buộc là đồng phạm giúp Phạm Công Danh "rút ruột" hàng trăm tỷ đồng của VNCB, nữ giám đốc khóc òa khi tòa thẩm vấn.

Ngày thứ 4 làm việc, phiên tòa xét xử "đại án" gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại VNCB tiếp tục phần xét hỏi.

"Tin anh Danh, tin tập đoàn"

Trong phần thẩm vấn sáng nay, tòa vừa gọi đến tên, bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (Giám đốc Công ty Hương Việt) đã bật khóc. Để bị cáo lấy lại bình tĩnh, HĐXX phải tạm dừng phiên tòa ít phút để Vân lấy lại bình tĩnh.

{keywords}

Bị cáo Quyết được dẫn giải sau phiên tòa

Trước tòa, với giọng nói run run, bị cáo Vân khai trước đây là nhân viên bán xe của Tập đoàn Thiên Thanh với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Tháng 12/2010, Vân được Phạm Công Trung (em trai Phạm Công Danh) nhờ bị cáo đứng tên giám đốc công ty giúp Danh. Khi Vân nói không biết thì Trung nói chỉ cần đưa Chứng minh nhân dân và ký giấy tờ để làm thủ tục.

Tòa hỏi Vân biết công ty Hương Việt không hoạt động, không có trụ sở nhưng bị cáo có ký hợp đồng khống cho VNCB thuê mặt bằng tại 816 Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM) hay không? Vân thừa nhận có ký, sau đó VNCB chuyển cho Hương Việt 400 tỷ đồng. Sau khi tiền vào tài khoản Hương Việt, theo yêu cầu Vân ký tiếp 3 Ủy nhiệm chi chuyển tiền đến các tài khoản khác để rút ra cho Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng.

"Bị cáo có ký các giấy tờ trên nhưng không biết gì hết. Bị cáo quá tin anh Danh, quá tin tập đoàn chứ không biết, không bàn bạc hưởng lợi gì hết", nói đến đây nữ giám đốc lại òa khóc.

"Nếu không có chữ ký của bị cáo thì tiền không được chuyển đi, không gây ra hậu quả này, bị cáo hiểu không?" - "Dạ, giờ bị cáo đã thấy mính sai, bị cáo xin nhận sai trong việc ký hồ sơ khống để rút số tiền 400 tỷ đồng ạ", Vân gật đầu thừa nhận.

Huy động tiền bất chấp pháp luật

Tại tòa, các bị cáo Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết đều thừa nhận VNCB đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để chi lãi suất ngoài.

Cũng như bị cáo Mai, bị cáo Quyết (nguyên Phó Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB CN Lam Giang) cho biết thời điểm đó tình hình thanh khoản của VNCB rất căng thẳng, nếu một khách hàng rút vài chục tỷ có thể ảnh hưởng cả hệ thống. Để đảm bảo tính thanh khoản, Danh và các bộ phận liên quan phải tìm cách để lôi kéo người gửi tiền, chấp nhận bỏ ra những khoản tiền khủng để lôi kéo, níu chân "thượng đế".

Nói về nhóm khách hàng đại diện là bà T.N.B, bị cáo Quyết khai: đây là nhóm khách hàng lớn ngoài tầm quan hệ của bị cáo và các nhân viên của bị cáo. Bị cáo nhận lệnh từ cấp trên giao làm việc, chăm sóc khách hàng là nhóm bà B.

Sau đó, bà B. và ông T.Q.T mở tài khoản tại VNCB để chuyển tiền từ nơi khác về. Tòa hỏi về số tiền nhóm bà B gửi, Quyết khai mỗi lần nhóm bà B gửi từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, tổng cộng hơn hàng ngàn tỷ.

Quyết cũng khai ngoài lãi suất theo quy định, nhóm bà B. còn được trả lãi suất ngoài từ 2 đến 4%. Tòa hỏi việc chi lãi ngoài có đúng quy định của NHNN không, giống như bị cáo Mai, Quyết thừa nhận là sai nhưng đây là "chủ trương của ngân hàng".

Về việc 5.190 tỷ đồng trong tài khoản của bà B "bốc hơi" khi không có chữ ký của chủ tài khoản, Quyết khai theo quy định sau mỗi lần biến động số dư, 2 nhân viên kế toán sẽ gửi bản sao kê tài khoản đến nhân viên của bà B và yêu cầu ký nhận. Tòa hỏi vậy lần này bị cáo đã nhìn thấy giấy ký nhận của phía bà B chưa? "Chưa thấy", bị cáo Quyết khai.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục.

Mai Phượng