Đạt điểm tổng kết học tập toàn khóa tuyệt đối 4.0/4.0, Ngô Thị Hương Thảo (sinh năm 1995, Hà Nội) xuất sắc trở thành Thủ khoa đầu ra của Học viện Tài chính năm 2017.
Nhà có 2 chị em đều là thủ khoa của trường
Chia sẻ với chúng tôi, Ngô Thị Hương Thảo, khoa Tài chính doanh nghiệp, ngành Tài chính ngân hàng, Học viện Tài chính cho biết khá bất ngờ và vui sướng khi biết tin mình trở thành thủ khoa tốt nghiệp với điểm số tối đa của Học viện năm 2017.
Niềm vui của Hương Thảo như nhân lên gấp bội khi với kết quả này, em tiếp tục làm được điều mà chị gái mình từng đạt được khi cũng từng là thủ khoa tốt nghiệp của Học viện Tài chính cách đây 9 năm trước.
Tuy vậy, cô nữ sinh sinh năm 1995 cũng chia sẻ có chút cảm giác lo lắng vì thành tích luôn đi kèm với kỳ vọng.
“Em thực sự trăn trở liệu thời gian tới mình có thể làm được những gì trên đường đời để xứng đáng với danh hiệu này", Thảo bộc bạch.
Thảo chia sẻ, 4 năm trước em thi đỗ vào Học viện Tài chính nhưng mức điểm chỉ ở loại khá chứ không vào diện top đầu. 9X khiêm tốn cho rằng kết quả đạt được ngoài nỗ lực của bản thân, một phần có lẽ cũng nhờ sự định hướng sớm trong cách học tập từ chị gái của mình.
“Việc học của em có lẽ hơi trái ngược so với các bạn khác. Khác với phần lớn các bạn sinh viên khi mới bước chân vào môi trường đại học, trong kỳ và năm đầu tiên thường mang tâm lý xả hơi và “phải chơi bù” những năm tháng phổ thông miệt mài ôn luyện. Em cố gắng học và tích luỹ điểm số ngay từ năm học đầu, đặc biệt tập trung vào các môn cơ sở ngành vì đó là tiền đề để có thể học tốt các môn chuyên ngành về sau”.
Thảo cho biết, cũng vì thế mà em có một bảng điểm đồng đều chứ không bị “hụt” ở năm đầu như các bạn khác.
Trong mỗi giờ học, Thảo chú ý nghe giảng vì nhận thức rằng kiến thức và kinh nghiệm thực tế của các thầy cô phần lớn được truyền thụ trong quá trình truyền đạt chứ không phải trên những con chữ khi đọc - chép trên bài vở.
Thảo cho rằng nỗ lực tự thân, sự cần mẫn là yếu tố quyết định trong quá trình học tập. Trước mỗi kì thi, ngoài việc học ở lớp và với giảng viên của chính lớp mình, Thảo còn chủ động “lẻn vào” để nghe thêm các buổi học phụ đạo, tổng hợp kiến thức và chữa bài tập của nhiều thầy cô khác nhau trong bộ môn ở các lớp học phần khác. Như vậy, trong khi các bạn chỉ có 1 buổi ôn luyện thì Thảo tự có cho mình mỗi môn 2-3 buổi luyện khác. Thậm chí có chương học, Thảo “săn” được 5-6 thầy cô.
Không chỉ vậy, 9X cũng rất chủ động tìm tòi và thắc mắc những điều chưa hiểu rõ.
Em thường chủ động xin số điện thoại của giảng viên để khi có câu hỏi khó chưa tiện trao đổi trên lớp thì về nhà có thể hỏi sâu hơn. “Một kinh nghiệm là các thầy cô khi tiếp nhận những câu hỏi của sinh viên thì đều rất nhiệt tình và em càng hiểu bản chất vấn đề hơn”, Thảo tâm sự.
Ngoài việc học trên lớp, có kiến thức thực tế em thường dành thời gian theo dõi những chương trình, bản tin tài chính trên truyền hình, cập nhật thông tin về tình hình kinh tế xã hội qua báo chí,… Đặc biệt, Thảo tham gia nhiều cuộc thi có sự tiếp xúc và tương tác với doanh nghiệp.
“Khoa Tài chính doanh nghiệp hàng năm đều tổ chức cuộc thi Giám đốc tài chính tương lai- CFO. Đây là 1 cuộc thi tạo điều kiện cho chúng em được tiếp xúc và đi đến thực tế tại các doanh nghiệp, từ đó học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thực tế”.
Không chỉ chủ động trong học tập, Thảo còn xung phong để làm lớp trưởng và trong suốt 4 năm đại học em đều giữ chức vụ lớp trưởng của cả lớp niên chế lẫn các lớp tín chỉ.
“Ngay từ đầu khi bước chân vào trường, em nghĩ bản thân mình phải thay đổi để năng động hơn nên đã xung phong để làm vị trí này. Nhờ được sự tín nhiệm của khoa và các bạn nên em giữ vị trí này đến hết thời gian theo học tại Học viện. Làm lớp trưởng thực sự đem đến cho em rất nhiều trải nghiệm. Đó là rèn luyện được sự chủ động và tính sáng tạo khi điều hành các hoạt động của một tập thể, hay cách chịu đựng áp lực khi deadline của các công việc dồn đến. Đồng thời em cũng có được cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các giảng viên, qua đó rèn cho mình tác phong chững chạc hơn rất nhiều”.
Thảo cho rằng khi mình đã yêu thích điều gì đó thì nó sẽ không trở nên quá khó khăn. Cô nữ sinh thừa nhận việc đảm nhận cượng vị lớp trưởng của cả 2 lớp chiếm khá nhiều thời gian nhưng đổi lại em học được cách tự xoay sở và giải quyết vấn đề, lớn hơn là tính trách nhiệm cho cả tập thể chứ không chỉ riêng cá nhân mình. “Có thể thời gian cho bản thân eo hẹp hơn nhưng em nhận lại được sự yêu mến và tín nhiệm của bạn bè và có nhiều kỉ niệm vui buồn đáng quý của thời sinh viên”.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, bốn năm liền, Thảo đều đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học. Em có 2 công trình nghiên cứu khoa học đạt giải Nhì và giải Ba cấp học viện; 2 bài báo đăng trên Tạp chí nghiên cứu tài chính kế toán; 8 bài báo đăng trên nội san sinh viên nghiên cứu khoa học;…
Thảo cũng vinh dự nhận được giấy khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc.
Không chỉ kết quả cao trong học tập, em còn tích cực tham gia hầu hết các phong trào hoạt động Đoàn, hội, văn nghệ thể thao của khoa và học viện. Đặc biệt Thảo từng tham gia và lọt vào top 10 ở hội thi Sinh viên thanh lịch do Đoàn Học viện tổ chức. Năm thứ 3 đại học, Thảo chính thức được kết nạp và trở thành một Đảng viên.
Đừng chỉ biết nhìn vào tấm bằng
Thảo cho rằng trong tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay, bằng cấp vẫn là một tiêu chí để đánh giá khi tham gia vào một tổ chức, cơ quan sự nghiệp.
Tuy nhiên với em, thực lực và khả năng mới yếu tố quan trọng nhất để có những bước đi chắc chắn. “Bảng điểm đẹp có thể là một lợi thế song thực tế mình làm được những gì mới là quan trọng. Đó mới là điều mọi người và các đồng nghiệp đánh giá mình trong quá trình làm việc. Vì vậy hiện tại em vẫn đang theo học để trau dồi kĩ năng mềm, ngoại ngữ và tin học.
Trước khoảng thời gian nhận bằng tốt nghiệp, Thảo đã nộp hồ sơ ứng tuyển ở 1 số nơi, tuy nhiên khi nộp hồ sơ em cũng từ chối nộp bảng điểm với lý do cá nhân. “Bởi em nghĩ không cần thiết để các công ty đánh giá năng lực của mình qua việc nhìn thấy kết quả học tập 4 năm đại học, em muốn chứng minh bản thân bằng năng lực và hiệu quả công việc thực tế”.
Sau một thời gian làm việc cảm thấy chưa phù hợp, Thảo quyết định tìm cho mình những hướng đi khác.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Thảo cho biết dù nhận được nhiều lời mời phỏng vấn của các đơn vị, doanh nghiệp khá lớn nhưng trước mắt em vẫn muốn dành thêm thời gian học tập, trau dồi thêm kiến thức cho chính bản thân mình. “Em vừa nhận được kết quả trúng tuyển cao học nên dự định sắp tới sẽ ứng tuyển vào một cơ quan nhà nước theo đúng chuyên môn mình đã được đào tạo để có thể phát triển tốt nhất”, Thảo nói.
- Thanh Hùng