- Các cán bộ tiếp nhận việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của thí sinh gặp không ít những tình huống khó xử, thậm chí có thể nói là dở khóc dở cười cho đến những ngày cuối cùng của đợt đăng ký xét tuyển.

Mẹ con tranh luận đến phút chót

Chia sẻ với VietNamNet, nhiều cán bộ tại các điểm tiếp nhận cho biết gặp không ít các trường hợp. Thậm chí có những thí sinh và phụ huynh đến ngày cuối cùng của đợt đăng ký xét tuyển thì tranh luận lựa chọn ngành học, trường nào vẫn chưa có hồi kết.

{keywords}
Cán bộ tại các điểm tiếp nhận chia sẻ gặp không ít những tình huống dở khóc dở mếu của thí sinh và cả người nhà trong những ngày điều chỉnh nguyện vọng.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng. 

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho biết trong những ngày điều chỉnh nguyện vọng, ngày nào cô cũng nhận được rất nhiều học sinh, phụ huynh đã gọi điện để xin tư vấn. “Thậm chí có hôm 10h đêm chuẩn bị đi ngủ thì vẫn có điện thoại, đặc biệt là những ngày đầu tiên. Còn điện thoại thì thấy toàn số của phụ huynh và học sinh gọi đến”.

“Sáng 23/7 là ngày cuối cùng nhưng vẫn có 2 mẹ con mang nhau lên trường và lên tới nơi vẫn chưa thể quyết được và vẫn phân vân. Hai mẹ con căng thẳng với nhau hồi lâu cũng chỉ vì phân vân nên điền thứ tự các ngành trong cùng một trường đại học như thế nào, đặc biệt tính toán rất nhiều về việc đăng ký nguyện vọng nào đầu tiên. Em đó được 24 điểm khối D1 và có nguyện vọng vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Mất khoảng gần một giờ đồng hồ tại điểm tiếp nhận và cuối cùng người mẹ đến bảo: cô cho tôi quyết

Ngoài ra, cô Nhiếp cũng cho biết có nhiều trường hợp tranh luận mãi khi thí sinh thích ngành/trường này nhưng bố mẹ lại thích ngành/trường khác.

Theo thống kê của điểm tiếp nhận này, có một trường hợp thí sinh sau khi biết điểm thi đã đăng ký tăng thêm 8 nguyện vọng từ 12 lên 20 nguyện vọng.

Điểm tiếp nhận Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, trong 460 em điều chỉnh nguyện vọng trên tổng số 672 học sinh lớp 12 có một trường hợp điều chỉnh giảm nhiều nhất từ 16 (gồm nhiều trường) xuống 4 nguyện vọng (toàn các ngành của Trường ĐH Kinh tế quốc dân). Thí sinh tăng nhiều nhất là 7 nguyện vọng từ 2 lên 9 sau khi biết điểm thi.

{keywords}
Một trong những thí sinh cuối cùng đến điểm tiếp nhận phòng giáo dục đào tạo quận Ba Đình trong ngày cuối của đợt điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học năm 2017. Ảnh: Thanh Hùng.

Trực số đường dây nóng, ông Phạm Quốc Toản, phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội) gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười: “Có trường hợp thì mới nghe điện thoại đã thấy học sinh mếu máo khóc xin thầy cho em đổi nguyện vọng lại một lần nữa vì sau khi đổi xong thấy các bạn nói đổi như vậy không an toàn. Một thí sinh khác ở điểm tiếp nhận Trường THPT Tùng Thiện, sau khi đổi nguyện vọng trực tuyến xong xuôi mới sực nhớ ra là mình quên ưu tiên là con thương binh 81% và đề nghị xin được bổ sung. Trường hợp khác thì mẹ đổi nguyện vọng nhưng con không đồng ý rồi vẫn gọi đến cho tôi. Thực sự dù thương các em nhưng khó xử bởi theo quy định chỉ được đổi nguyện vọng 1 lần duy nhất”.

Bản thân ông Toản trong 2 ngày cuối của đợt điều chỉnh nguyện vọng nhận gần 300 cuộc điện thoại từ các đơn vị báo cáo lên và phần đa từ phụ huynh và thí sinh nhờ hỗ trợ. Nhưng cũng có điểm tiếp nhận thì gần như không có thí sinh nào. “Tại điểm tiếp nhận đối tượng giáo dục thường xuyên quận Ba Đình, cả tuần chỉ có duy nhất 1 thí sinh với số điểm là 15,8 đến điều chỉnh nguyện vọng”, ông Toản.

Giục thí sinh điều chỉnh trước khi hết hạn

Còn ông Nghiêm Văn Bình, chuyên viên của Sở GD-ĐT này cũng nhận được gần 100 cuộc gọi đến và có cả những cuộc tận 11h đêm. “Nói thật lúc đó đã đến giờ nghỉ nhưng thí sinh gọi không thể không hướng dẫn. Thậm chí tối trước ngày hết hạn đổi bằng phiếu (đổi bằng trực tuyến hết hạn trước 2 ngày) vẫn có thí sinh hỏi giờ có đổi được nguyện vọng nữa không khi thấy trực tuyến không đổi được nữa. Tôi phải giải thích đến thời điểm này thì trực tuyến đã hết hạn và em phải đến điểm tiếp nhận vào ngày mai để làm ngay. Chưa hết, đến sáng ngày cuối cùng vẫn có một thí sinh tự do đăng ký vào ngành công an gọi đến xin tư vấn nhưng hỏi nộp hồ sơ đâu thì nói nộp trên đơn vị. Tôi phải giải thích rằng các cơ quan công an không đổi được nguyện vọng giúp em mà phải nộp về phòng giáo dục. Đã vậy thí sinh còn hỏi là để ngày mai có được không vì hôm nay là ngày nghỉ, trong khi hôm nay đã là hạn chót. Tôi phải giục ngay ngày mai không ai giúp được em và em phải đi ngay vì chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa thôi”, ông Bình kể.

Thậm chí, phòng giáo dục quận Ba Đình nơi tiếp nhận điều chỉnh của các thí sinh tự do thì cán bộ còn gọi điện nhắc thí sinh vì sợ các em quên lịch và thấy những nguyện vọng đăng ký ban đầu ít “khả thi” so với số điểm mà các em đạt được.

Bà Nguyễn Thị Minh Thu, cán bộ tiếp nhận tại phòng giáo dục quận Ba Đình chia sẻ: “Chúng tôi gọi điện khuyến cáo thí sinh có đến đổi nguyện vọng không sợ các em quên, bởi có nhiều em cũng thờ ơ, không để ý và một số lại không áng được điểm của mình có phù hợp với ngành/trường đăng ký hay không. Với những thí sinh có mức điểm không hề an toàn với nguyện vọng mà các em đăng ký ban đầu, chúng tôi cũng trực tiếp gọi điện thoại cho từng em. Nhiều khi thấy thương cũng muốn nói cho các con biết là điểm các con phù hợp với trường/ngành ở top nào. Không thể cụ thể nhưng không nên quá mù mịt. Ví dụ có em thi được 22 điểm chọn trường top cao nhất thì gần như là không vào được. Sau khi chúng tôi tư vấn thì cũng có một số em điều chỉnh lại nguyện vọng”.

Thanh Hùng