1. Ngọn núi này hiện nằm ở địa phương nào?

  • Hà Nội – Hòa Bình
  • Hòa Bình - Bắc Giang
  • Bắc Giang - Bắc Ninh
  • Bắc Ninh - Hưng Yên
Chính xác

Núi Ba Vì là dãy núi đá vôi nằm trên địa phận huyện Ba Vì, Thạch Thất, Hà Nội và thành phố Hòa Bình thuộc tỉnh Hòa Bình. Núi cao 1.296m, với ba chóp nhọn đặc trưng. Theo dân gian, núi Ba Vì là nơi cai trị của Sơn Tinh, hay Tản Viên Sơn Thánh, vị thánh đứng đầu tứ bất tử của Việt Nam. Ngài cũng là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết giữa các bộ lạc dưới quyền thống lĩnh của vua Hùng, từ thưở các tộc người Việt mới dựng nước.

Hàng năm, vào ngày mùng 6/11 âm lịch là ngày hóa của Đức Thánh Tản Viên, để nhớ tới công lao của Ngài, huyện Ba Vì tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm nhằm giáo dục lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ trẻ.

2. Đền thờ thánh Tản Viên trên đỉnh núi này có tên gì?

  • Đền Trầm
  • Đền Thượng
  • Đền Hùng
  • Đền Linh Lang
Chính xác

Đền Thượng trên đỉnh núi Ba Vì là nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh. Ngoài ra, địa bàn huyện Ba Vì còn có hơn 100 di tích khác thờ thánh Tản Viên, trong đó có nhiều di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và cấp thành phố. 

3. Tên gọi “Tản Viên” còn có nghĩa là gì?

  • Ngọn núi cao
  • Ngọn núi tròn như cái tán
  • Ngọn núi hùng vĩ
  • Ngọn núi có ba đỉnh
Chính xác

Theo Bắc Thành Địa dư chí, núi Ba Vì có tên chữ là Tản Viên, hay “tán tròn”, do nhìn từ xa núi tròn như cái tán. Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng. Ngoài Tản Viên, trên Ba Vì còn có các núi cao là Ngọc Lĩnh, Tương Miêu, U Bò, Núi Tre, Ghẹ Đùng, Trăm Voi, Ngọc Hoa (đặt theo tên của công chúa con vua Hùng thứ XVIII được gả cho Sơn Tinh), núi Vua. Đỉnh Vua hiện là điểm cao nhất của thành phố Hà Nội; trên đỉnh có đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

4. Vị thánh trẻ tuổi trong tín ngưỡng tứ bất tử của người Việt là ai?

  • Trần Quốc Toản
  • Phù Đổng Thiên Vương
  • Chử Đồng Tử
  • Hai Bà Trưng
Chính xác

Vị thánh trẻ tuổi trong tín ngưỡng tứ bất tử là Phù Đổng Thiên Vương. Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng là đại diện cho tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt. Theo truyền thuyết, cậu bé làng Gióng lên ba tuổi nhưng vẫn bế ngửa, không biết ngồi, lẫy, nói cười. Khi nước nhà bị xâm lược, cậu bỗng lớn vụt thành dũng sĩ, đòi vua ban ngựa sắt, roi sắt để ra trận. Roi sắt gẫy, cậu nhổ tre bên đường tiếp tục đánh đuối quân thù.

Ngày nay, hội đền Phù Đổng tại xã Phù Đổng huyện Gia Lâm, Hà Nội vào tháng 4 âm lịch hàng năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

5. Vị thánh nữ duy nhất trong tứ bất tử của người Việt là ai?

  • Công chúa Liễu Hạnh
  • Bà Triệu
  • Từ Thục phu nhân
  • Nguyên Phi Ỷ Lan
Chính xác

Tứ bất tử được lưu truyền phổ biến trong dân gian gồm Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh), Phù Đồng Thiên Vương (Thánh Gióng), Chử Đồng Tử (Chử Đạo Tổ) và Công chúa Liễu Hạnh, hay Mẫu Liễu Hạnh.

Trong 4 vị trên, ba vị nam thần đều xuất hiện từ thời Hùng Vương và được thờ tự từ rất lâu. Riêng Mẫu Liễu Hạnh là nữ thần duy nhất, được nhắc tới từ thời Hậu Lê. Tương truyền, bà là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, ba lần giáng trần. Bà cũng là Thánh Mẫu đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu.

Do truyền thuyết về Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện khá muộn, một số tài liệu cho rằng trước đó vị trí thứ tư trong tứ bất tử của người Việt còn có hai vị khác là Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không. Các vị này là thánh tổ của Phật giáo, đại diện cho văn hóa Lý – Trần vốn lấy Phật giáo làm quốc giáo.