Những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống hàng ngày dịp này cũng đang rục rịch sốt giá. Nhiều người dân thấy thế đã “vét” túi tiền của mình mua hàng về nhà tích trữ vì lo sợ ít nữa giá sẽ tăng cao.


Bà Nguyễn Thị Tâm, chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ trong ngõ 123 Xuân Thủy (Cầu Giấy, HN) cho biết giá một số mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, nước mắm, mỳ gói…đã đồng loạt tăng lên khi vừa mới nhập một lô hàng mới về đợt này để bán.

Bà Tâm chia sẻ: “Bình thường khi cận Tết chỉ có giá những mặt hàng phục vụ tết là tăng nhưng đợt này các mặt hàng thiết yếu cũng thi nhau rục rịch tăng giá ăn theo. Điện thoại nhập hàng về bán mà đại lý nào cũng kêu giá mới, tăng hơn so với trước và đưa ra đủ các lý do khác nhau cho việc tăng giá đợt này”.

Theo như bà Tâm nói, hàng hóa bây giờ nhập vào đều được báo giá tăng, tuy nhiên tăng rõ rệt nhất vẫn là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Hiện tại mỳ omachi tăng thêm 9.000 đồng/thùng, nước mắm Đệ Nhị tăng 10.000 đồng/thùng…


Tương tự, bác Hoàng Dân, chủ một cửa hàng bách hóa tại Ngã tư Cổ Nhuế (Từ Liêm, HN), thừa nhận những đại lý thường xuyên cung cấp, phân phối hàng cho bách hóa đã điện thoại thông báo giá mới khi các mặt hàng giá tăng lên hơn so với trước.

Bác Dân cho biết, nhìn chung hàng hóa dịp này đều tăng, mặt hàng tăng ít từ 1.000 – 2.000 đồng/thùng mình không nói bởi giá bán lẻ sẽ được giữ nguyên chứ mặt hàng tăng nhiều khoảng 10.000 đồng/thùng như mì gói omachi hay dầu ăn chẳng hạn thì mình cũng phải tăng giá bán lẻ lên.

Đại diện một siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: “Cả nhà sản xuất và siêu thị đang cố kìm giá để giữ cho thị trường giá cả dịp tết được ổn định. Hiện tại các mặt hàng bày bán ở siêu thị vẫn không tăng giá so với trước và sẽ đảm bảo lượng cung hàng phục phụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán này”.

Tuy nhiên, ngoài thị trường bán lẻ hàng hóa không thể tránh khỏi tăng giá bởi nhiều khi các đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ lợi dụng dịp Tết đến, thấy một số mặt hàng tăng nên cũng đẩy giá hàng loạt các mặt hàng khác tăng theo “ăn ké” Tết – vị đại diện này cho biết.


Trước thông tin giá hàng hóa rục rịch tăng dịp này, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhiều người sợ hàng hóa dựa hơi lễ tết sẽ tăng giá mạnh nên đã “vét” gần hết túi tiền dành cho chi phí sinh hoạt của mình để “ôm” hàng về nhà tích trữ.

Bạn Lê Văn Hùng, sinh viên trọ học tại thôn Hoàng (Cổ Nhuế, Từ Liêm) than thở khi bà chủ cửa hàng tạp hóa gần nhà nói giá hàng hóa đang chuẩn bị tăng thấy cũng lo bởi sắp tới lại phải tiết kiệm một số khoản, cắt giảm một số thứ.

Hùng chia sẻ: “Hôm trước nhận được tiền nhà gửi cho nên em ra mua ngay mấy thùng mỳ gói về nhà tích trữ để tránh giá tăng. So với giá mua lẻ theo gói thì mua cả thùng vẫn rẻ hơn, mà khi giá tăng sẵn đó dùng dần”. Tính ra chỉ rẻ được khoảng 2 -3 chục ngàn đồng nhưng với sinh viên thì số tiền đó lo được cả một bữa ăn.

Giống như Hùng, chị Lê Vân trọ ở làng bún Phú Đô (Mỹ Đình) cho biết, hôm qua chỗ nhà chị trọ mọi người đua nhau đi mua mỳ tôm về tích trữ kêu sắp lên giá. “Mỗi nhà mua mấy thùng liền. Tính ra thì chẳng rẻ được là mấy vì số lượng hàng mua về tích ở nhà cũng chỉ một thời gian ngắn sẽ dùng hết. Thế nhưng tâm lý là thế, sinh viên, bà nội trợ nhiều khi rẻ một một đồng cũng làm, thậm chí dậy sớm đi ra tận chợ đầu mối cách nhà cả mấy cây số để mua thực phẩm hàng ngày cho gia đình vì ở đó giá rẻ thêm được ít nhiều”.

Bác Nguyễn Thùy An ở ngõ 1050 đường Láng đang mua sắm đủ thứ như hạt nêm, mỳ chính, nước mắm… ở siêu thị BigC Thăng Long chia sẻ: “Chẳng biết hàng hóa thiết yếu có tăng giá như các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới không nhưng mình mua về tích được cái gì hay cái đó. Nếu mấy bữa nữa mà giá có tăng thì mình cũng tiết kiệm được một khoản còn không thì lần sau đỡ phải mua bởi giá hàng hóa có giảm bao giờ. Thời buổi khó khăn, thu nhập eo hẹp, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy”.

Bài, ảnh: Bảo Hân