“Chưa bao giờ tôi gần cha nhiều như vậy…”
Mùa thu Hà Nội thảnh thơi với ai, nhưng vẻ như với anh thì chưa bao giờ nhỉ? Nhất là năm nay?
- Năm nay, cũng như mọi năm, tháng 8 là tháng tôi thường về VN, tranh thủ kỳ nghỉ hè ở Châu Âu nhưng không phải để nghỉ ngơi, thăm thân… mà là về “phục vụ” quê hương bằng những cuộc biểu diễn khác nhau. Ngày 9, 21 và 22.8 với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia VN và Nhà hát nhạc vũ kịch TPHCM cùng người bạn đời của mình là nghệ sĩ violon Lidia Dobrevska, 30.8: “Giai điệu mùa thu” (TP.HCM), 2.9: “Điều còn mãi” (Hà Nội) và vào ngày 12.9 tới là chương trình “Giai điệu tự hào” tại TPHCM.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi. |
Cùng thời điểm, nghe nói bố anh còn nhập viện? Những ngày qua hẳn là quá
bề bộn với anh?
- Rất may là suốt hai tháng 6 và 7, trong khi bố tôi nằm viện thì tôi chưa vướng các chương trình biểu diễn. Tháng 8, ông đã được xuất viện và cố gắng quay trở lại nhịp sống thường ngày, ăn, ngủ, tập đi những bước ngắn… Vì vậy, việc chăm sóc ông không cần thiết phải túc trực 24/24 nữa nên tôi vẫn đủ thời gian để làm các chương trình đã định sẵn của mình.
Con số chẵn 70 năm có khiến cảm hứng “cầm đũa” của anh dạt dào hơn hẳn những “cùng kỳ năm ngoái”?
- Đúng là cảm hứng của tôi có đặc biệt hơn trước vì con số chẵn 70, chứ thực ra năm nào cũng biểu diễn đúng vào dịp lễ Quốc khánh 2.9 với “Điều còn mãi”. Năm nay có cái khác nữa là “Điều còn mãi” đã được nâng lên là một chương trình hòa nhạc quốc gia.
Khán giả đã nhìn thấy giọt nước mắt của Đăng Dương khi khép lại “Điều còn mãi” bằng ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình”. Anh có nghĩ, những chuyến về nước thường niên của Lê Phi Phi cũng chính là vì “Tổ quốc gọi tên mình”?
- Nhạc trưởng Lê Phi Phi không chỉ rơi nước mắt ở một bài hát cụ thể nào, mà nước mắt của ông đã chảy rất lâu trong tâm hồn. Từ đó, thể hiện được những cảm xúc sâu sắc khi chỉ huy tất cả các tác phẩm trong buổi hòa nhạc. Thay vì “nhìn thấy”, bạn hãy cảm nhận nó.
Tiết mục nào khiến anh ưng ý và xúc động nhất trong “Điều còn mãi”, đó có phải chính là tác phẩm của bố anh không?
- Tất nhiên khi chỉ huy “Bài ca xây dựng”, tôi đã có nhiều cảm xúc nhất vì đó là bài hát tôi yêu thích của cha mình. Hơn nữa, hai cha con vừa trải qua một đợt chống chọi với bệnh tật, chưa bao giờ tôi gần cha nhiều như vậy. Hàng ngày, chúng tôi vẫn cùng nghe với nhau các tác phẩm bất hủ để đời của ông, bàn luận, phân tích… Trong đó có “Bài ca xây dựng”.
Thật ra, tôi không ưng ý về cách phối lại bài này cho dàn nhạc giao hưởng của một bạn nhạc sĩ trẻ, bạn ấy đã hoàn toàn không hiểu về tinh thần của tác phẩm, hoàn cảnh ra đời của nó… Nhưng vì thời gian gấp gáp nên tôi không có lựa chọn nào hơn và bắt buộc phải sử dụng nó. Thật đáng tiếc! Bù lại, Đăng Dương đã hát rất hay tác phẩm này.
“Thiêng liêng hơn cả với tôi là sự im lặng trong Nhà hát Lớn”
Kể ra, nếu rảnh, anh sẽ tận hưởng mùa thu Hà Nội theo cách nào?
- Qủa là một thiệt thòi! Tôi thậm chí không có lấy một buổi sáng cho bản thân mình chứ đừng nói là một ngày để có thể tận hưởng trọn vẹn mùa thu ở Hà Nội. Tôi thèm được ngồi nhâm nhi một ly càphê sáng ở phổ cổ, mơn man một cơn gió thu và ngắm nhìn những mảng ánh sáng vàng mà chỉ có mùa thu mới có… - Thế thôi, là đủ!
Điều gì anh chỉ có thể tìm thấy ở mùa thu Hà Nội? Hình ảnh nào thường khiến anh xao động nhất, mỗi khi trở về?
- Nếu ngược về ký ức tuổi thơ thì mùa thu Hà Nội còn mãi trong tôi với Rằm Trung thu, phố Hàng Mã, đèn ông sư, mặt nạ, múa sư tử, đêm trăng rước đèn phá cỗ, quả hồng quả bưởi, bánh dẻo bánh nướng… Nhưng hình ảnh luôn làm tôi xao động nhất là những con đường rải lá sấu rụng vàng ươm. Năm nay, tôi tiếc là chưa kịp chụp cho mình một bức ảnh thu Hà Nội nào.
Anh sẽ nói gì với vợ con anh về Hà Nội của những ngày này: Lễ diễu binh, diễu hành, những đường phố ngập tràn băng rôn, biểu ngữ, những mặt người dự hội, Nhà hát Lớn và sự im lặng tuyệt đối dưới “cây đũa thần” của anh…? Đó có phải là một phần lý do của sự trở về?
- Từ năm ngoái qua năm nay, tôi không còn “phải nói” với vợ con mình về mùa
thu Hà Nội trong dịp lễ Quốc khánh nữa. Hai mẹ con đã cảm nhận được tận mắt. Đẹp
và thiêng liêng hơn cả đối với tôi, hẳn là sự im lặng tuyệt đối của khán giả
trong Nhà hát Lớn, nơi những người nghệ sĩ chúng tôi “gọi Tổ quốc” theo cách của
mình.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi nhận hoa của Tổng biên tập Phạm Anh Tuấn trong Điều Còn Mãi 2015. |
Hà Nội rộn ràng náo nức, nhưng ở đâu đó trong một góc nhỏ buồn, là tác giả của những ca khúc cách mạng từng lay động mạnh mẽ lòng người đang phải đối diện với “sinh lão bệnh tử”. Cảm giác của anh khi đi từ ngoài đường về bên giường bệnh của bố anh - nhạc sĩ Hoàng Vân?
- Lúc đó, tôi chỉ muốn hứa với bố: “Chỉ cần bố đi lại được vững vàng hơn chút nữa là con sẽ đưa bố xuống phố đi ăn sáng, uống càphê, ngắm vẻ náo nhiệt của phố phường với mùa thu Hà Nội, như hàng bao năm nay bố con mình vẫn làm, bố nhé!”…
Con anh, nghe nói, lại mê nhạc rock? Anh thấy thú vị, hay thất vọng?
- Sao tôi lại phải thất vọng? Nhạc rock, theo tôi, cũng là một thể loại âm nhạc giải trí đáng được trân trọng. Tuổi trẻ có tự do của mình, các cháu muốn nghe nhạc gì là sự lựa chọn cá nhân, cha mẹ không nên can thiệp. Có chăng là hướng dẫn cho cháu biết thưởng thức một cách hiệu quả nhất.
Lấy vợ cùng nghề, cùng dàn nhạc, sát cánh cùng nhau trong những chuyến lưu diễn, hỏi thật, có lúc nào anh muốn được… dãn ra một chút không?
- Chưa bao giờ.
Tôi rất thích cái tên của anh, vừa mạnh mẽ vừa ấm áp. Riêng dành cho anh, hẳn là anh cũng thế?
- Vì sao tôi lại có cái tên như vậy thì phải hỏi bố tôi. Còn tôi có phải là người đàn ông như vậy không thì phải dành cho phái đẹp nói chung, trong đó có bạn (cười).
Thật ra, anh có giỏi cầm đũa không, khi… đứng bếp?
- Quá giỏi là khác! Mỗi cuối tuần, hay khi nhà có khách, tôi thường vào bếp nấu các món ăn Việt yêu thích cho mọi người. Thời sinh viên đi du học thì làm gì có ai nấu cho, “muốn ăn phải lăn vào bếp” thôi. Sống ở Macedonia là một đất nước nhỏ có hơn 2 triệu dân, không hề có quán ăn Việt và rất ít các quán Á, lại tiếp tục phải “lăn”. Và cái chính vẫn là do “bệnh mê cầm đũa” (cười)!
(Thuỷ Lê /Lao Động)
Ảnh: Khánh Hiển