Cá heo nước ngọt, hay còn gọi là cá heo đuôi đỏ, là đặc sản của miền Tây.
Do nguồn cá tự nhiên ngày càng ít nên nhiều nông dân ở vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp đã nuôi cá heo đuôi đỏ, song lại nuôi trên lồng bè.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Vân (67 tuổi, ngụ huyện Cao lãnh, Đồng Tháp) nuôi cá heo đuôi đỏ trong ao đất, kết hợp với cá chạch lấu, mang lại lợi nhuận khá cao.
Cá heo nước ngọt thường xuất hiện vào mùa nước nổi ở miền Tây. Con cá này mình dẹt, chỉ bằng ba ngón tay người lớn, to nhất dài độ chừng một tấc, da láng, màu xanh nhạt. Đuôi, vây, kỳ cá heo nước ngọt có màu đỏ cam rất đẹp. Khi bị bắt lên khỏi mặt nước, cá heo nước ngọt kêu nghe éc éc giống như tiếng heo nên gọi là cá heo.
Trong khi đó, cá chạch lấu thân có màu xanh đậm hoặc đen xám và nhiều đốm vàng. Mỗi con có thể dài 90cm, nặng 1kg. Thịt của chúng thơm ngon, trở thành đặc sản miền Tây.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân có 15 năm nuôi tôm càng xanh. Những năm gần đây, thấy con tôm không còn mang lại hiệu quả cao như ngày trước nên bà Vân tìm loài khác thay thế.
Năm 2019, bà Vân thấy mô hình nuôi cá chạch lấu mang lại kinh tế cao cho nhiều người nên sau thời gian suy nghĩ, tìm hiểu, bà Vân quyết định mua 5.000 con giống về nuôi. Thấy diện tích mặt nước còn nhiều, bà mua thêm 60kg cá heo đuôi đỏ từ An Giang về nuôi ghép với cá chạch lấu trên diện tích 3ha mặt nước.
Vụ đầu, bà Vân thu hoạch được hơn 300kg cá heo đuôi đỏ thương phẩm. Còn cá chạch lấu cũng phát triển tốt, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
“Nuôi ghép cá heo đuôi đỏ và chạch lấu làm giảm chi phí thức ăn, lọc được môi trường nước, giữ gìn vệ sinh ao nuôi sạch sẽ... Thời gian từ khi nuôi đến thu hoạch khoảng 8 tháng”, bà Vân chia sẻ.
Để nuôi kết hợp giữa hai loài cá nói trên thì trong ao đất phải lặp đặt hệ thống quạt nước, hoạt động ngày đêm, tạo dòng chảy giống sông nước, từ đó cá mới thích nghi phát triển.
Người phụ nữ này nói, khoảng 1 tuần phải thay xả nước, vớt tảo để nguồn nước sạch, ổn định. “Phải tạo dòng nước chảy tương tự môi trường tự nhiên thì cá mới phát triển, nhanh lớn".
Bà Vân cho cá ăn thức ăn công nghiệp. Cá nhỏ ăn ngày 2 buổi, cá lớn chỉ cho ăn 1 cữ. Sau khoảng 8 tháng nuôi, cá chạch lấu và cá heo đã có thể xuất bán.
Trung bình 8 tháng nuôi thì con cá chạch lấu đạt trọng lượng từ 0,5-1 kg/con; cá heo từ 22-25 con/kg, loại nhỏ 40 con/kg.
Cá chạch lấu hiện có giá 350.000 đồng/kg, loại 0,5 kg/con trở lên. Còn cá heo đuôi đỏ có giá từ 370.000-500.000 đồng/kg (tùy thời điểm), cá giống đẻ 650.000-750.000/kg. Nhờ đó, mỗi năm vợ chồng bà Vân thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Hiện cá heo đuôi đỏ và chạch lấu được thương lái đến tận nơi thu mua rồi đem phân phối lại cho các nhà hàng, quán ăn ở thành phố.
Thiện Chí