Đó là những chia sẻ của anh Bảo Dưỡng (Bình Phước) – một người có kinh nghiệm nuôi dế 5 năm. Theo anh, dế là một con vật khá dễ nuôi, chỉ cần nắm được kỹ thuật thì không bao giờ sợ lỗ. Điều khó khăn nhất với anh khi nuôi dế là tìm đầu ra cho chúng, nay cũng đã giải quyết xong.

Thời gian đầu, anh nuôi dế với số lượng rất ít, chủ yếu để tìm hiểu về tập tính của dế. Khi đã nắm vững, anh mới đầu tư vào nuôi dế nhiều lên từng ngày. Hiện tại, anh nuôi đủ để cung cấp trứng giống cho mấy trại nuôi dế.

{keywords}
Mỗi tuần anh Dưỡng thu về gần chục triệu đồng nhờ bán trứng và dế thương phẩm.

Mỗi tuần, anh xuất bán được 100 khay trứng cho các trại. Mỗi khay anh bán với giá từ 70.000 – 80.000 đồng. Tính ra, anh thu về khoảng 7 triệu đồng mỗi tuần, chưa kể tiền bán dế thương phẩm.

“Vì tôi không tập trung nuôi dế thương phẩm nên không tính được là bao nhiêu kg, cứ có tới đâu là bán hết tới đó thôi. Giá mỗi kg dế thương phẩm dao động từ 100 – 120 nghìn đồng. Còn mỗi khay trứng dế, người nuôi sẽ thu về được khoảng 5kg dế thương phẩm”, anh nói.

Nói về kỹ thuật nuôi dế, anh cho biết thứ cần quan tâm nhất là thức ăn. Cụ thể, những loại rau cho chúng ăn như: lá sắn, lá mướp, lá dền, lá rau lang... tuyệt đối không được để nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không kiểm soát được, dế có thể chết hàng loạt, người nuôi sẽ không có cách nào để chữa. “Để an toàn, gia đình tôi tự trồng rau để đảm bảo nguồn thức ăn sạch cho chúng”, anh chia sẻ.

Ngoài ra, vấn đề vệ sinh chuồng trại và mật độ dế ra sao cũng cần quan tâm. Vì 2 điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc sinh trưởng và phát triển của chúng. Anh nói tiếp: “Về vệ sinh chuồng trại, dế nuôi để bán cho chim ăn thì chỉ cần vệ sinh 1 lần/1 lứa, dế thương phẩm 2 lần/1 lứa, dế giống thì 3 lần/ 1 lứa. Còn mật độ nuôi thì tùy thuộc trứng giống mà bố trí sao cho phù hợp – điều này cần phải có kinh nghiệm”.

Theo anh, nếu để chuồng quá ẩm ướt hoặc mật độ nuôi dày sẽ khiến dế cắn nhau. Đây cũng là nguyên nhân làm chúng chết.

{keywords}
Anh cho biết, mỗi khay trứng có thể cho khoảng 5kg dế thương phẩm sau vài chục ngày.

Anh khẳng định người nuôi dế rất nhàn, một ngày chỉ cần cho ăn 2 lần, phun nước cho dế tùy thuộc vào độ ẩm của chuồng trại. Để khẳng định về việc nuôi dế không quá khó khăn, anh Bảo Dưỡng đưa ra một số dẫn chứng: “Trứng dế rất dễ nở, người nuôi chỉ cần để trong thùng xốp kín từ lúc đẻ đến khi nở khoảng 10-12 ngày. Nhiệt độ chuẩn tầm 32-35 độ, thi thoảng phun nước vào trứng để có độ ẩm”.

Nếu nhiệt độ xuống thấp, đặc biệt là mùa đông ở miền Bắc, người nuôi cần dùng đèn sưởi cho chúng để đảm bảo sự phát triển và sinh trưởng của dế. Ngoài ra, người nuôi cũng không cần phải phòng dịch, bệnh gì cho dế trong quá trình chăm sóc.

Anh cho hay nuôi dế vốn thấp, thu hồi rất nhanh mà đầu ra không phải lo. Theo đó, dế đẻ tầm 15 ngày là hết vòng đời của nó, dế nuôi cho chim ăn tầm 30-35 ngày là xuất bán, còn dế thương phẩm sẽ nuôi khoảng từ 35-45 ngày. Đối với những con dế bị chết, anh sẽ đem cho gà ăn. Còn con nào bị hư, gà không ăn mang ủ với phân dế bón cây trồng.

(Theo Dân Việt)