Chiều 27/9, Chi cục Chăn nuôi và thú ý Thái Bình tổ chức tổng kết, tham quan mô hình khuyến nông “Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thịt thương phẩm giống cao sản (VSDxSTAR53) an toàn sinh học theo chuỗi liên kết” tại 2 hộ chăn nuôi thuộc 2 xã Thuần Thành (Thái Thụy) và Đông Trà (Tiền Hải).

{keywords}
Giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm cho gia cầm. Ảnh Thu Hà

Mục tiêu nhằm xây dựng và nhân rộng chăn nuôi vịt lai VSDxSTAR53 ký hiệu là SHST53 giúp tăng sản lượng và chất lượng thịt cao hơn, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm cho gia cầm, qua đó tăng thu nhập cho người chăn nuôi. 

Mô hình được triển khai tại 4 hộ thuộc 4 xã: Dương Hồng Thủy, Thái Thịnh, Thuần Thành (Thái Thụy) và Đông Trà (Tiền Hải) với tổng quy mô 10.800 con vịt giống thương phẩm giống cao sản SHST53, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

Đây là mô hình thích hợp cho những hộ dân ít vốn, ít đất sản xuất, dễ quản lý dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh, môi trường, ít tốn công chăm sóc hơn nuôi theo kiểu truyền thống.

Hộ thực hiện mô hình được trạm khuyến nông hướng dẫn phương thức và quy trình nuôi, cách chọn giống, cách làm chuồng trại…

Sử dụng nền chuồng nuôi là nền đệm lót sinh học thay thế cho chuồng nuôi theo kiểu truyền thống nhằm giảm tỷ lệ hao hụt do các dịch bệnh gia cầm nguy hiểm, vịt tăng trọng nhanh, giảm công lao động và giảm tối đa ô nhiễm môi trường trong qua trình chăn nuôi.

Mô hình này có nhiều ưu điểm, đặc biệt là ngăn chặn hiệu quả nguy cơ xâm nhiễm dịch gia cầm, giúp tỷ lệ sống của đàn tăng cao.

Tiêu chí để chọn điểm trình diễn là phải phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi vịt của địa phương; địa phương có nhu cầu phát triển chăn nuôi vịt tại chỗ và đã có kinh nghiệm về chăn nuôi vịt nông hộ. Cán bộ địa phương có năng lực chuyên môn về chăn nuôi. Các hộ tham gia dự án phải tự nguyện, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, chuồng trại và vốn đối ứng; cam kết thực hiện dự án và cam kết ghi chép theo dõi đàn vịt đầy đủ theo yêu cầu của dự án

Đánh giá sau 6 tuần nuôi, tỷ lệ nuôi sống đạt 96%, trọng lượng vịt đạt 2,5kg/con, tiêu tốn thức ăn khoảng 2,46kg thức ăn/kg tăng trọng.

Với giá bán tại thời điểm nghiệm thu là 42.000 đồng/kg, người chăn nuôi thu về 17.285 đồng/con vịt (bao gồm công và tiền lãi). Thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Thu Hà