1. SSD - Ổ thể rắn là gì?

Ổ thể rắn hoặc SSD là một dạng ổ cứng lưu trữ dữ liệu, khác với HDD - Ổ đĩa cứng. Nếu như ở HDD, dữ liệu được đọc hoặc ghi vào đĩa từ thông qua thao tác quay nên mới có cụm từ ổ đĩa cứng. Còn với SSD, hệ thống lưu trữ của SSD hoạt động giống USB khi sử dụng chip nhớ dạng Flash "Non-volatile memory chip" tức chip nhớ không thay đổi dữ liệu. Vì không sử dụng đĩa từ như HDD nên SSD khá nhẹ và khó hư khi bị va đập hơn HDD

2. SSD gồm bao nhiêu kích thước?

Khác với HDD có nhiều chuẩn kích thước để chứa nhiều đĩa từ cũng như hệ thống momen xoay. SSD hiện tại chuẩn phổ thông nhất là 2.5'' xài chung cho cả Laptop và PC. Ngoài ra cũng có những phiên bản 3.5'', 1.8'' hoặc cả phiên bản PCI gắn vào khe Mainboard phù hợp với nhiều yêu cầu "dị" đến từ khách hàng. Và đặc biệt lưu ý, kích thước của SSD không ảnh hưởng đến tốc độ đọc/ghi dữ liệu như HDD.

3. Tốc độ đọc/ghi của SSD?

Tốc độ đọc/ghi của SSD cũng được phân loại giống như HDD, tuy nhiên việc phân loại này hoàn toàn không giống HDD khi phụ thuộc vào tốc độ vòng quay của ổ đĩa từ. Ngoài ra tốc độ của SSD mặc dù có phân loại nhưng cũng không cách xa nhau mấy và cũng khó mà nhận ra được khi sử dụng, trừ khi bạn cố tình test nó. Nếu so với tốc độ của HDD ở chuẩn Sata 3 thì thường tốc độ luôn ở khoảng 50-120MB/s thì đối với SSD lại đến 500 - 550MB/s. Vì thế SSD thường được sử dụng để cài hệ điều hành cho phép tốc độ load lúc khởi động khá nhanh. 

SSD màu xanh - đọ tốc độ mở ứng dụng với HDD màu đỏ. Thời gian càng ngắn càng tốt

4. SSD có nóng không?

Ngược với HDD phải sử dụng hệ thống cơ học xoay đĩa từ để đọc/ghi dữ liệu, SSD lưu bộ nhớ vào trong Flash Chip nên không hề có động năng. Điều đó khiến cho SSD ít hao điện hơn HDD và không tỏa nhiệt nhiều như HDD, bạn có thể an tâm sử dụng SSD cả ngày mà chẳng thấy nóng gì.

5. SSD tại sao lại đắt hơn HDD?

Tiền nào của nấy là câu dân gian khá hay của ông bà ta để lại, điều này vẫn đúng với SSD. Nếu so với HDD có giá trị rẻ ở tầm khoảng 1TB chỉ có hơn 1 triệu 200k thì SSD cũng nhiêu đó tiền chỉ mua được 120GB. Bấy nhiêu lý do bên trên cũng đã giải thích được tại sao có chuyện này khi kích thước - tốc độ - độ mát đều tốt hơn HDD rất nhiều.

SSD 4TB PCI 3.0 của hãng LSI với giá tận 630 triệu đồng

6. Dung lượng của SSD hiện nay

Cũng may mắn rằng các hãng đang cạnh tranh nhau khá khốc liệt về dung lượng và giá tiền nên chúng ta mới có cơ hội sử dụng SSD. Nhớ cách đây 2 năm với SSD 60GB chúng ta phải tốn tận hơn 2 triệu đồng thì nay phiên bản 120GB chỉ còn cỡ 1 triệu 200k. Với dung lượng lớn nhất của SSD hiện tại là SSD 4TB PCI 3.0 của hãng LSI với giá tận 630 triệu đồng. Còn đối với HDD 4TB thì chỉ có giá tầm hơn 3 triệu đồng mà thôi.

7. Tuổi thọ của SSD

Nghe thì có vẻ SSD càng lúc càng lấn lướt HDD, tuy nhiên trong tương lai sắp tới thì khó có chuyện SSD sẽ thay thế được HDD bởi giá thành còn khá đắt và đặc biệt đặt tính của SSD không chuyên dành cho lưu trữ như HDD. Nói đến đây sẽ khiến nhiều bạn mơ hồ hỏi tại sao bởi tốc độ của SSD lấn lướt HDD như thế cơ mà. Thật ra tuổi thọ của SSD và HDD được tính theo cách khác nhau:

  • HDD: tuổi thọ của HDD được tính dựa trên thời gian sử dụng tức thời gian quay của các đĩa từ. Thông thường với mục đích sử dụng phổ thông thì HDD thường có tuổi thọ lên đến 5-8 năm mới cần phải thay mới.
  • SSD: tuổi thọ của SSD được tính dựa trên số lần đọc/ghi của dữ liệu. Thông thường SSD hiện nay được khuyến cáo nên thay mới sau khi đọc/ghi quá 10.000 lần. Tức là nếu bạn có 1 SSD 120GB và bạn có 1 dữ liệu cũng 120GB, bạn Copy/Paste và cứ lặp đi lặp lại hành động đó cỡ 10.000 lần và ổ SSD đó sẽ hư (giá thuyết thôi nhé, tức là phù hợp với ổ SSD đó luôn, thực tế thì có thể có lẻ) Nói thì có vẻ khá lâu nhưng thực tế, mỗi khi bạn sử dụng PC dù chỉ 1 giây, mỗi hành động bạn làm như đọc báo, lướt web, di chuyển chuột, load game, chơi game đều được PC lưu trữ lại, vì thế với SSD bạn sẽ đạt ngưỡng tuổi thọ vào tầm năm thứ 2-3 tùy sử dụng ít hoặc nhiều.
1 SSD khe PCI khác

8. Cách sử dụng hợp lý

Thật ra SSD được sản xuất không dành riêng cho việc lưu trữ do đặc tính tuổi thọ dựa trên số lần đọc ghi bên trên. SSD được sử dụng để làm ổ cài Win và chỉ lưu trữ file hệ điều hành mà thôi. Vì thế các dàn PC hoặc Laptop hiện nay đều cố gắng sử dụng song song SSD và HDD chung một máy với SSD cài hệ điều hành còn HDD sẽ lưu trữ dữ liệu như game. Như thế chúng ta sẽ tối ưu được thế mạnh của từng ổ lưu trữ hơn.

Theo XemGame