Kiệm lời, nhanh nhẹn, cầu thị, thành thạo thiết bị đồ dùng công nghệ trong nhà, giỏi ngoại ngữ,…là những gì người lao động ngoại để lại ấn tượng cho gia chủ Việt, trong đó phải nhắc đến người Philippines. Đây là lý do giải thích vì sao người ở Sài thành chuộng “ô-sin” ngoại đến vậy.
“Ô-sin” kiêm quản gia
Trưa cuối tuần, chị Janeth, 35 tuổi, quốc tịch Philippines gọi taxi đưa hai bé con chủ nhà (5 tuổi và 3 tuổi) đi xem phim. Việc đầu tiên khi chị Janeth bước lên xe là chụp hình tài xế taxi, chụp số hiệu xe gửi về cho cô chủ. Sau hai tiếng cho các bé vui chơi, chị Janeth đưa chúng về nhà, nấu đồ ăn trưa, cho hai trẻ ăn, ngủ. Xong đâu đấy, chị bắt tay vào các công việc nhà còn dang dở. Đó chỉ là một phần nhỏ trong hàng tá việc nhà mà Janeth làm mỗi ngày.
“Ôsin” ngoại không chỉ phụ giúp việc nhà mà còn trông nom con cái của gia chủ. |
Chị Janeth năm nay 35 tuổi. Người mảnh dẻ, nước da ngăm đen, rất nhanh nhẹn, nổi bật với cặp mắt sáng và mái tóc dài mượt. “Tôi đã có chồng và một cậu con trai năm nay lên 12 tuổi. Tôi cũng có thâm niên hơn 10 năm giúp việc nhà ở Singapore trước khi đến Việt Nam”- chị Janeth chia sẻ. 3 năm trước, Janeth đến TPHCM rồi làm ô sin kiêm quản gia cho một gia đình người Việt ở phường Thảo Điền, quận 2, với mức lương cứng 600 USD/tháng (hơn 12 triệu đồng).
Không chỉ sử dụng thành thạo mọi thiết bị, đồ dùng trong nhà, chị Janeth còn là “gia sư”cho con của gia chủ. Chị dạy bảo các bé từ cách bảo vệ, chăm sóc cơ thể, những phép lịch sự tối thiểu, kèm chúng học, nhất là học ngoại ngữ (tiếng Anh). Chị còn xin số của tất cả thầy cô của các bé, mỗi ngày đều gọi điện thoại hỏi thăm tinh thần trẻ đến trường có tốt không… Chị Lan - chủ nhà của Janeth chia sẻ: “Chị ấy chăm con tôi còn kỹ hơn cả mẹ, biết rõ bé thường chơi với ai, thích món ăn gì. Mỗi tháng, chị Janeth đưa một danh sách liệt kê sữa tắm, dầu gội, kem chống nắng… cần mua cho trẻ, tất cả đều phải làm từ thiên nhiên, không hóa chất. Còn về độ chịu khó, chăm chỉ, thạo việc nhà thì… khỏi chê”.
Trò chuyện với Analyn (32 tuổi, quốc tịch Philippines) đang giúp việc nhà tại khu Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM), cô bảo mình may mắn vì được giúp việc trong gia đình Việt Nam, công việc rất ổn định, thu nhập khá. Bằng chứng là 6 năm nay, từ khi đến Sài Gòn tới giờ cô chỉ làm cho một chủ, vừa quen người, vừa quen việc nên rất thoải mái.
Một ngày làm việc của Analyn bắt đầu từ 4 giờ sáng: Chuẩn bị bữa ăn sáng cho 7 thành viên trong gia đình gồm 2 vợ chồng, 3 đứa con và ông bà nội; đưa 3 đứa trẻ đến trường rồi quay về dẫn ông bà nội các cháu xuống công viên tập thể dục buổi sáng.
Chuyên nghiệp, có kỹ năng, không “ngồi lê đôi mách” là ưu điểm của ôsin ngoại. |
Trong lúc ông bà đi dạo và trò chuyện với những người bạn già, Analyn đi chợ mua đồ ăn cho cả ngày. Trên đường về, cô ghé đón ông bà nội, lo việc tắm rửa và bữa ăn nhẹ cho các cụ. Khi ông bà đã lên phòng đọc sách, xem tivi, cô bắt đầu lau dọn nhà cửa, làm bữa trưa. Buổi chiều, sau nhiều công việc khác, cô đi đón 3 đứa trẻ về, cho ăn uống, kèm chúng học bài để trước 22h là cả 3 phải đi ngủ.
Giao phó toàn bộ “quyền hành tại gia” cho người giúp việc không có gì lạ đối với nhiều gia đình thuê “ôsin” ngoại. Bà Ella (56 tuổi) là một trường hợp như thế. Ông bà chủ thường công tác nước ngoài dài ngày, nhiều năm nay, bà Ella được tin tưởng giao việc chăm sóc con trai duy nhất và căn biệt thự nguy nga trong khu Thảo Điền. Bà đảm nhiệm luôn việc giám sát thực phẩm nhập vào và kiểm tra lịch làm việc của nhân viên, gửi mail báo cáo công việc hàng ngày cho chủ… Giờ đây, bà Ella được chủ nhà đối xử như một người ruột thịt chứ không còn khoảng cách chủ - tớ.
Ở những căn hộ cao cấp, biệt thự nhà vườn, khi thiết kế kiến trúc sư đều có bố trí phòng dành cho người giúp việc. Dù gia chủ bao nhiêu lần nài nỉ bà Ella tự nhiên như ở nhà của mình, nhưng bà nhất quyết chỉ ngủ tại khu vực dành riêng. Khi nói chuyện với chủ cũng ngồi thấp hơn và bao giờ bà cũng ăn sau chủ nhà. Bà chia sẻ: “Đó là những phép tắc chúng tôi được dạy từ nhỏ. Và tôi sẽ giữ nó suốt đời”.
Minh họa: khều |
Ngàn “đô” cũng thuê
Trong những ngày lân la làm quen, theo chân “ôsin” ngoại giúp việc nhà, chúng tôi được biết, giá để thuê một người giúp việc ngoại quốc không hề rẻ, trung bình từ 500 - 1.000USD/tháng, chưa kể những phụ cấp, thưởng thêm. Vì sao nhiều gia đình Việt có điều kiện sẵn sàng chi số tiền “khủng” ấy cho khoản giúp việc nhà?
Về lý do chọn “ô-sin” ngoại thay vì nội, chị Hương (quận 11, TPHCM) nói: “Cứ xem cách người giúp việc ngoại quốc làm việc thì biết. Đơn cử như khâu giặt đồ, họ phân thành loại màu đậm, nhạt giặt riêng, cái nào cần giặt hấp hay giặt tay; kỹ lưỡng từ khâu ủi đồ, từ chăn ga, gối nệm, và cả nội y; biết dùng dung dịch nào cho sàn gỗ, sàn gạch… Có lợi thế tiếng Anh nên trong nhà chủ yếu giao tiếp bằng ngôn ngữ này. Với người giúp việc ngoại quốc, chỉ có hết việc chứ không hết giờ, tuyệt vời hơn là không bao giờ có chuyện “buôn dưa lê” nhà chủ với người ngoài”.
Gia đình ông Thanh hiện đang có một người giúp việc mà ông nâng lên hàng “vệ sĩ cao cấp”. Vì không chỉ biết làm việc nhà, nấu ăn ngon, chăm sóc trẻ em kiêm gia sư dạy tiếng Anh mà còn biết sơ cứu, cứu hỏa, thoát ra khỏi nhà cao tầng trong trường hợp khẩn cấp, biết lái xe hơi. Ông bảo rằng, những người giúp việc đến từ Philippines rất tự giác trong công việc, không bao giờ phải để chủ nhắc. Ngoài ra, họ còn chủ động làm những công việc mà không phải bổn phận của mình. “Ô-sin nước ngoài chuyên nghiệp và thích nghi nhanh với các thiết bị gia đình, hầu như tôi không phải hướng dẫn họ về cách sử dụng. Họ làm nhanh lắm, chỉ 2-3h đồng hồ đã hoàn tất các công việc trong gia đình như lau chùi, dọn dẹp, nấu cơm, giặt quần áo. Cái gì không biết, họ sẽ lên mạng tìm thông tin...”- ông Thanh chia sẻ.
Đặc biệt, một số gia đình thích thuê người giúp việc nước ngoài vì mong muốn con em tiếp xúc với môi trường giao tiếp ngoại ngữ thường xuyên hơn. Chị Thanh Tú - giám đốc một công ty xuất nhập khẩu máy may công nghiệp kể, 2 con chị một tuần mất 3 buổi đi học tiếng Anh với hơn 1.000 USD/khóa, nhưng từ khi có chị Cruytal, từng là cô giáo ở quê nhà Philippines đến giúp việc, con chị không cần ra ngoài học, đỡ tốn tiền bạc và thời gian. Vì thế, tổng cộng lương và thưởng mỗi tháng trả cho chị Cruytal là 1.000 USD.
Các gia đình Việt chuộng “ô-sin” đến từ các nước như Philippines hoặc Malaysia. Khi thuê giúp việc ngoại, gia chủ kiểm tra hộ chiếu, có trách nhiệm lo thủ tục tạm trú hoặc work-permit (giấy phép làm việc nếu gia chủ có công ty). Tại TPHCM, lao động giúp việc nhà đến từ Philippines làm việc rất nhiều ở quận 7, quận 2. Ngoài những người làm việc cố định trong các gia đình, có một bộ phận giúp việc theo giờ (40 - 50 USD/giờ). Giải thích vì sao lao động nữ xứ mình được ưa chuộng tại TPHCM, chị Regina - người Philippines cho biết: “Trước khi qua Việt Nam, chúng tôi được tham gia một khóa học gần một năm chuyên về giúp việc nhà, chăm sóc người già, em bé và các kỹ năng như sơ cứu, cứu hỏa…”. Khái niệm “ô-sin” xuất phát từ bộ phim truyền hình cùng tên nổi tiếng của Nhật Bản chiếu ở Việt Nam vào năm 1994, từ đó du nhập vào ngôn ngữ Việt và trở nên quen thuộc để chỉ người làm nghề giúp việc nhà, ngắn gọn và dễ gọi chứ không mang nghĩa kỳ thị. |
(Theo Tiền phong)