Có những thời điểm các dòng xe nhập khẩu đỗ chặt các kho bãi của các thương hiệu Nhật Bản chờ thông quan để đến tay người tiêu dùng. |
Trong khi đó, cho dù lượng xe nhập vẫn tăng trưởng đều nhưng có vẻ giá bán xe không hề có xu hướng giảm, đi cùng với đó là người tiêu dùng muốn mua xe vẫn phải đợi chờ vài tháng mới có xe.
Một thực tế không thể phủ nhận tại thị trường ôtô Việt Nam là hiện người tiêu dùng phải đợi từ 2 - 3 tháng mới được nhận xe từ Mitsubishi (với Xpander), từ Toyota (với Camry)… cho dù lượng xe nhập khẩu vẫn ở mức trên 10.000 xe mỗi tháng.
Chi phí vận hành, đăng kiểm, kinh doanh… là yếu tố khiến giá xe tại Việt Nam cao hơn các nước ASEAN láng giềng, cho dù thuế nhập khẩu trong khu vực đã về 0% đối với các mẫu xe đủ điều kiện (trên 40% tỷ lệ nội địa hoá ở nước sở tại - PV).
Lấy ví dụ Mitsubishi Xpander, tại Việt Nam, mẫu xe này có giá bán 620 triệu đồng cho phiên bản AT và 550 triệu đồng cho phiên bản MT. Trong khi đó, tại Indonesia, nơi mẫu xe này được sản xuất, Xpander GLS AT có giá khởi điểm 237,8 triệu rupiah, tương đương 386,7 triệu đồng; phiên bản GLS MT có giá 226,8 rupiah, tương đương 368,8 triệu đồng. Đó là chưa kể phiên bản Xpander GLX MT có giá bản chỉ là 342 triệu đồng (210,3 triệu rupiah).
Toàn bộ phân khúc xe bán tải tại Việt Nam đều phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nước ngoài. |
Trở lại với số liệu nhập khẩu ôtô nguyên chiếc của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2019 vừa qua, đã có tổng cộng 11.609 xe ôtô nguyên chiếc làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam, cao hơn tháng trước khoảng 10%, với trị giá đạt khoảng 258,6 triệu USD.
Như vậy, kể từ đầu năm, các doanh nghiệp ôtô tại Việt Nam đã chi khoảng 1,934 tỉ USD để đưa về 86.969 xe, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 360,4% về lượng và 318,7% về giá trị.
Trong đó, hai thị trường Thái Lan và Indonesia đã chiếm tới 9.782 xe (đạt khoảng 84%). Kể từ năm 2018, khi mà các điều khoản ưu đãi của AFTA chính thức có hiệu lực đối với mảng ôtô, các thương hiệu ôtô lớn có mặt tại ASEAN và Việt Nam đã có cuộc cải tổ lớn để vận dụng năng lực sản xuất tại các nhà máy có sẵn ở hai nước này để cung cấp xe cho thị trường Việt Nam. Và cũng vì thế, Honda chỉ còn lắp ráp City, Mitsubishi với Outlander, Toyota với Vios, Innova và một phần Fortuner…
Trên thực tế, thị trường ôtô Việt Nam, với các phân khúc bán tải, SUV 7 chỗ (một phần Toyota Fortuner), các dòng xe đô thị giá rẻ mang thương hiệu Nhật Bản… đã chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn từ Thái Lan và Indonesia.
Đáng quan tâm, trong tháng 7/2019 số lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn duy trì với khoảng gần 600 xe/tháng, nâng tổng số kể từ đầu năm lên hơn 3.200 xe, đứng thứ 3 trong danh sách các nước xuất khẩu ôtô sang Việt Nam nhiều nhất. Xe nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là các dòng xe tải nặng và một số lượng nhỏ các dòng xe du lịch.
Một số thị trường xuất khẩu ôtô sang Việt Nam trong tháng 7/2019:
Theo Dân trí
Thuế thu được tăng hơn 4 lần nhờ xe nhập khẩu tăng đột biến
Số liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận lượng ô tô nhập nguyên chiếc tăng đột biến, khiến số thuế thu được tăng hơn 4 lần.