-Sau khi đọc bài Phí đường bộ ô tô sẽ tăng 3,5 lần, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Cách làm "BOT" ở ta… rất lạ?

Với giọng hiểu biết, email ndcongty@yahoo.com.vn phân tích: Làm đường BOT là để người đi đường chọn: Đi đường BOT hoặc đi đường công cộng như ở nước ngoài vẫn làm. Còn ở ta: BOT cứ "xen kẽ" với đường công cộng, không xe nào có thể "thoát" khỏi đường BOT được vì làm gì có đường khác! Vậy là cách làm này là bắt người dân phải "nộp tiền cho BOT" rồi. Thế thì BOT có ý nghĩa gì khi chỉ nhằm mục đích lấy tiền của người dân? Đề nghị phải thay đổi ngay cách BOT kiểu này đi.

{keywords}
Thu phí ô tô (Ảnh minh họa)

Bạn Trúc Ly (Cà Mau) cũng tán đồng những ý kiến trên: Tôi thấy cách làm BOT ở Việt Nam ta rất lạ, làm gì có chuyện tự tung, tự tác như vậy? Cho BOT xen kẽ vào mạng lưới giao thông để rồi người đi đường phải trả cả phí bảo trì đường bộ và cả BOT thì không biết chức năng của Bộ giao thông, Bộ Tài chính đang ở góc nào của chính sách? Chỉ thấy gây khó khăn cho người dân (khó khăn cho doanh nghiệp là khó khăn cho người dân đấy). Cần chấn chỉnh ngay cái tư tưởng "tăng giá, tăng phí" mà lâu nay Nhà nước hay theo đề xuất của các ngành một cách tùy tiện. Để làm được việc này, các ngành chức năng cần có cái tâm thật sáng, thật sự lo cho dân và vì dân đúng với tinh thần Nhà nước của dân, do dân và vì dân thì mới làm được, để khỏi tạo nên sự bức xúc trong dư luận, trong nhân dân. Các Bộ Tài chính, Bộ Giao thông cần lắng nghe những ý kiến của những người có tâm huyết để đề xuất với Chính phủ đúng đắn hơn.

“Cách đây 20 năm với mỗi lít xăng dầu đã thu 1.000đồng/lít là lệ phí giao thông cầu đường bộ. Khoản tận thu này là cực lớn bởi mỗi lít xăng dầu phải chi ra tới 1.000đ đối với tất cả các máy móc, thiết bị và phương tiện không tham gia giao thông cầu đường bộ (nay chưa có Thông tư hay Nghị định nào bãi bỏ). Thu phí qua BOT cũng là phí cầu đường bộ; thu phí Bảo trì cầu đường bộ. Hiện tại Bộ Giao thông tận thu của dân 3 loại phí nêu trên, mục đích để: Xây mới, duy tu, cải tạo và bảo trì cầu đường bộ. Dân  nộp đủ các loại thuế và phí, nhưng Bộ trưởng Giao thông lúc nào cũng ra rả "không có chuyện phí chồng phí". Tôi là một công dân Việt Nam xin hỏi ông Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ Tài chính, thế 3 (ba) loại phí nêu trên có "chồng lấn lên nhau, hay có phải “phí chồng phí" hay không”? Đó là câu hỏi của Su Nguyen.

Câu hỏi cũng là câu trả lời của Thinh Bui: Nhà nước thu phí đường bộ từ 1/1/2013, sao không chuyển bớt tiền đó cho mấy ông BOT? Đúng là phí chồng lên phí!

Phạm Tuấn chất vấn: Bao nhiêu loại thuế, phí và phí chồng phí! Bộ Tài chính có đếm được không?

Lắm loại phí mà vẫn…không công bằng?

Chủ xe Hoang Binh than khổ: Nhà tôi có một chiếc xe tải, mới biết khổ vì xe như thế nào? Mua trả góp 3 năm. Trong ba năm đó biết bao chuyện xảy ra: Nào là hư hỏng, tai nạn, bị phạt....bây giờ đã bốn năm rồi mà chưa trả hết nợ, lại lo phí đường bộ tăng gấp mấy lần nữa, khiếp quá! Ô tô đến xẹp lốp vì phí chồng phí, chồng phí, chồng…phí!

Bạn Nguyên Ngoc Lai thì lại ấm ức vì chưa có sự công bằng: Người tham gia giao thông có nghĩa vụ  nộp phí đường bộ là đúng, nhưng phải công bằng: Đi nhiều, hại đường nhiều  thì phải nộp phí nhiều  (chưa kể đi nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông nhiều hơn, gây ách tắc giao thông nhiều hơn). Vì vậy chỉ có biện pháp thu phí qua trạm hoặc qua xăng dầu là công bằng hơn cả, không như hiện nay xe con kinh doanh vận tải chạy suốt ngày chịu phí bằng xe gia đình cả tuần, cả tháng chỉ chạy một vài lần!

Email nguyenhangoc@yahoo.com.vn thắc mắc: Tăng thu mãi phí đường bộ thế này, nhưng tiền bỏ đi đâu? Không ai biết? Ngoc Hoa Ha phiền muộn: Cuộc sống thì ngày càng khó khăn mà thuế, phí cứ tăng hoài! Còn email ddh@yahoo.com lo lắng: "Trăm dâu đổ đầu tằm". Giá cả lại tranh thủ ăn theo, chỉ khổ người dân thôi!

Ban Bạn đọc