Vào quán cà phê quen thuộc bên đường để bắt đầu ngày mới, Trọng Nhân, một nhân viên văn phòng ở quận 3 TP.HCM không còn lạ lẫm với những tiếng người xung quanh liên tục bàn về Bitcon và tiền ảo. "Họ tranh luận sôi nổi về độ thật và ảo của đồng tiền này, về tương lai của nó và kháo nhau đầu tư. Không rõ từ lúc nào, Bitcoin được người Việt quan tâm hơn cả những vấn đề thời sự trong nước", anh nói.
Từ quán cà phê đến nơi công sở
Giống Trọng Nhân, nhiều nhân viên văn phòng, hay cả giới freelancer (dân làm thời vụ tự do) trong quán cũng dán mắt vào smartphone và bàn tán xôn xao về những đồng tiền điện tử nhảy múa trên sàn. "Lên 17.000 rồi", một người thốt lên. Chỉ vài phút sau, những tiếng tinh "ting ting" vang lên, báo hiệu cho một cú lướt sóng ngắn hạn chốt lời và tiền chảy về tài khoản người chơi.
"Họ uống cà phê và 'lướt sóng' một buổi cũng bằng mình đi làm cả tháng mà còn nhàn hơn", Nguyễn Hữu Phong, một designer tại công ty truyền thông ở quận 3, nhận định. Bắt sóng phong trào này, Phong cũng đã mua 0,1 Bitcoin và dồn tiền lương hàng tháng để mua thêm Ethereum. "Làm công ăn lương và tạo ra dòng thu nhập thụ động nhờ đầu tư vào tiền ảo, vốn nhỏ không bằng dân chơi chuyên nghiệp nhưng vẫn có lời", Phong tâm sự.
Buổi trưa, tại căn tin một công ty ở quận 11, TP.HCM, từng nhóm nhỏ bàn tán xôn xao về chủ đề tiền ảo. "Tôi thường cập nhật các tin tức về bitcoin vào giờ ăn trưa. Có người chỉ mua vào và ôm khư khư, chờ chốt lãi khủng vào năm sau. Có người lướt sóng từng ngày từng giờ để tận dụng những quãng chênh giá, ăn lời nhỏ. Có người mua nhiều loại coin khác nhau để tránh rủi ro khi đầu tư qua nhiều vào một loại tiền", anh Lam cho biết.
Mặt trái của cơn sốt Bitcoin vô tình là thứ bảo chứng cho uy tín của khái niệm "tiền điện tử". Nhiều tổ chức đa cấp hoạt động manh mún đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, chèo kéo nhiều người dân đầu tư vào các sàn HYIP, một hình thức huy động vốn trả lãi rất cao nhưng "sập sàn" bất cứ lúc nào. Tiền điện tử tràn về nông thôn Việt Nam, khiến những bà bán rau, chị hàng cá ngoài chợ cũng có thể bàn chuyện "lên sàn", lời lỗ một cách say mê.
Vì HYIP hoạt động theo mô hình "tiền người sau nuôi người trước", nếu may mắn, người ta có thể kiếm lãi 200% trong thời gian ngắn, nhưng có cũng có thể mất sạch tiền nếu không may đầu tư vào lúc sàn sắp "giải thể".
"Hôm về quê, tôi nghe người chị họ hỏi tôi có chơi không, nghe bảo lời lắm. Một người bạn của chị ấy rủ hùn hạp đầu tư làm giàu. Ngay đến mẹ tôi cũng được nhiều người rủ rê đầu tư vào tiền ảo", Song Phong 29 tuổi, ngụ Đồng Nai cho biết.
Người Việt đứng nhất nhì thế giới về tìm kiếm Bitcoin
Google vừa công bố danh sách từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất năm 2017 tại Việt Nam. Ở danh mục "Tin quốc tế", xuất hiện hai từ khóa liên quan đến tiền thuật toán đó là "Bitcoin", đồng tiền được mệnh danh là "ông vua tiền ảo và "Coinmarketcap & Remitano", hai sàn mua bán và cập nhật giá Bitcoin phổ biến hiện nay.
Trong năm qua, lượng tìm kiếm từ khóa "Bitcoin" từ Việt Nam xếp hạng 41 trong danh sách 63 thị trường quan tâm nhiều nhất đến đồng tiền kỹ thuật số này.
Top 5 tỉnh thành tìm kiếm Bitcoin nhiều nhất lần lượt là Đà Nẵng, TP.HCM, Bà rịa- Vũng Tàu, Lâm Đồng và Hà Nội. Những từ khóa như "Bitcoin là gì", "Mua Bitcoin", "giá Bitcoin" cũng được người Việt tìm kiếm rất nhiều trên Google.
Không chỉ là kết quả tìm kiếm, lượng truy cập trang Coinmarketcap của người Việt theo thống kê của Similarweb đứng top 2 chỉ sau Mỹ với 6,5%.
Theo kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu CryptoCompare. Tính đến cuối tháng 11, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam chiếm gần 80% hoạt động giao dịch Bitcoin trên toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ chiếm khoảng 20% tổng số Bitcoin được giao dịch.
"Từ lúc Bitcoin 6.000 USD, tôi đã đều đặn ngày vài lần truy cập trang Coinmaketcap để cập nhật giá. Giao diện trang khá dễ nhìn và nội dung khá đầy đủ. Bây giờ tôi có mua một ít Bitcoin thì việc vào xem giá diễn ra nhiều hơn lúc trước rất nhiều", anh Nhân, một người đầu tư ở TP.HCM chia sẻ.
Tại một số sàn giao dịch lớn trên thế giới như Wex, Poloniex, Bitfinex... lượng truy cập đến từ Việt Nam luôn thuộc top 3. "Nếu chỉ coi giá, người ta thường chọn Coinmarketcap hay Tabtrader. Những trang như Poloniex hoặc Bitfinex mọi người thường ít vào xem, trừ khi có đầu tư trong đó", anh Văn Đông, ngụ quân Bình Thạnh, một người đầu tư tiền ảo nhận định.
Bên cạnh đó, người Việt còn đứng vị trí thứ nhất về số lượt truy cập các trang đầu tư tiền ảo ICO theo mô hình Ponzi, một hình thức đa cấp, huy động tiền vốn, lấy người sau nuôi người trước mà không có kế hoạch kinh doanh cụ thể. Trong đó, nổi tiếng nhất là trang Bitconnect, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về lượng truy cập. Các trang mới nổi như Hextracoin, Regalcoin, Ucoincash... người Việt dẫn đầu về lượng truy cập, theo Similarweb.
"Nếu 1/3 lượng truy cập các trang đó có đầu tư thì Việt Nam chắc chắn là nước gánh chịu hậu quả nặng nề nhất nếu các sàn gặp sự cố. Đơn cử như hồi đầu năm, BTC-e, sàn giao dịch lâu đời nhất thế giới bị FBI tịch thu 35% tài sản do liên quan đến hoạt động rửa tiền. Lúc ấy, giới đầu tư Việt Nam khủng hoảng trầm trọng bởi hầu hết nhà đầu tư đều "chôn" vốn trên đó", anh Nhân phân tích.
Theo Zing