Xi măng Hạ Long và Sông Thao - 2 đơn vị Vicem phải nhận chuyển giao từ Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty HUD - vẫn thua lỗ lớn sau khi rời “mái nhà cũ”. 

Bộ Tài chính vừa có báo cáo đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem).

Theo đó, năm 2017, doanh thu công ty mẹ Vicem đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận đạt hơn 1.400 tỷ, tăng tới 529% so với năm 2016, chủ yếu từ cổ tức, lợi nhuận được chia của 2 công ty con hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả là Vicem Hoàng Thạch và xi măng Hà Tiên 1 cùng một số công ty liên kết khác như xi măng Chinfon, Siam city, xi măng Nghi Sơn.

{keywords}
Vicem vẫn đang vật lộn để "cứu" 2 đơn vị nhận chuyển giao từ Sông Đà và HUD

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lưu ý một số khoản đầu tư ra ngoài DN còn hiệu quả chưa cao, đó là Vicem Bút Sơn, Hải Vân, Hoàng Mai,... Một số công ty lỗ hoặc có số lỗ lũy kế lớn như xi măng Vicem Tam Điệp, xi măng Hạ Long, Sông Thao, Sông Đà 12, Tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai.

Theo Bộ Tài chính, ngoài hai công ty con hoạt động có hiệu quả nhất là xi măng Vicem Hoàng Thạch và Hà Tiên 1, thì một số công ty con sản xuất xi măng khác của Vicem như Bút Sơn, Bỉm Sơn, Hoàng Mai lại có doanh thu và lợi nhuận năm 2017 giảm mạnh.

Một số công ty con lỗ hoặc có sỗ lỗ lũy kế lớn, mất vốn, khả năng thanh toán thuộc diện phải “thực hiện giám sát tài chính đặc biệt”. Đó là Vicem Tam Điệp, xi măng Hạ Long và Sông Thao. Trong đó, xi măng Hạ Long và Sông Thao chính là 2 đơn vị Vicem phải nhận chuyển giao từ Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty HUD sau khi thua lỗ lớn ở “mái nhà cũ”.

Cụ thể, Vicem Tam Điệp lỗ lũy kế hơn 1.100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 72 tỷ đồng. Trong khi đó, số nợ trên vốn chủ sở hữu là 24 lần. Như vậy, Bộ Tài chính đánh giá Công ty đã mất gần hết vốn, mất an toàn về tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động của công ty phụ thuộc hoàn toàn vào các khoản vốn vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ công ty mẹ.

Còn công ty xi măng Hạ Long, sau khi nhận chuyển từ Tổng công ty Sông Đà về, thì năm 2016, Vicem đã giúp công ty này có lãi và cân đối trả nợ. Thế nhưng, bước sang 2017, công ty này lại lỗ xấp xỉ 200 tỷ đồng. Đến hết 2017 thì xi măng Hạ Long còn lỗ tới hơn 3.600 tỷ đồng, dẫn tới vốn chủ sở hữu bị âm tới hơn 2.200 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá công ty bị mất cân đối và mất an toàn về tài chính nghiêm trọng, khó khăn trong việc cân đối dòng tiền để trả nợ trong những năm tiếp theo.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Vicem chỉ đạo người đại diện vốn của Vicem tại các công ty con, công ty liên kết tăng cường phân tích, đánh giá kỹ các nguyên nhân chính và xây dựng phương án khắc phục khó khăn đối với một số công ty con có khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp;... tăng cường công tác giám sát đối với Vicem Tam Điệp, xi măng Hạ Long và Sông Thao.

Tháng 7/2018 Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Việt Thắng, cựu Tổng giám đốc Vicem bằng hình thức cách chức ủy viên BCH Đảng bộ Khối doanh nghiệp TƯ, cách chức ủy viên BCH Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM). Trước đó, tại kỳ họp thứ 27 ngày 27-28/6, UB Kiểm tra TƯ đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Trần Việt Thắng theo thẩm quyền.

Trong thời gian giữ chức Phó bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam và Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1, ông Thắng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty, ký ban hành và tổ chức thực hiện một số quy định về quản lý kinh doanh không đúng thẩm quyền; vi phạm luật Doanh nghiệp, luật Đấu thầu, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Lương Bằng