Gần đây, cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam vướng ồn ào liên quan đến tên gọi. Cụ thể 2 công ty truyền thông Topstar và URA Việt Nam - đơn vị tổ chức cuộc thi đều lấy trùng tên.
Ông Trung Hoàng - đại diện công ty Topstar – đơn vị sở hữu bản quyền Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam cho biết phía công ty đã làm đơn kiến nghị cũng như lên làm việc trực tiếp tại Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM về việc đề nghị xem xét đổi tên cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam do Công ty URA Việt Nam tổ chức.
Thời gian qua, một số cuộc thi hoa hậu liên tục xảy ra tranh chấp bản quyền tên gọi. Các đơn vị tổ chức đưa ra bằng chứng chứng minh quyền sử dụng tên thuộc sở hữu của mình.
2 cuộc thi Miss Grand Vietnam của công ty Sen Vàng và Miss Peace Vietnam của công ty Minh Khang cũng xảy ra tranh chấp tên gọi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" gây ồn ào trong thời gian dài. Hai công ty liên tục khẳng định quyền sở hữu tên gọi trên thuộc về mình.
Sự việc tương tự cũng lặp lại với tên gọi "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam". Cụ thể, tranh chấp diễn ra giữa các bên là Công ty Unicorp (Việt Nam) và Tập đoàn toàn cầu JKN (Thái Lan). JKN tuyên bố họ là chủ sở hữu hợp pháp các tên gọi Miss Universe Vietnam - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.
Nhưng Unicorp phản bác rằng Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam thuộc về họ, còn việc bảo hộ của tổ chức Miss Universe tại Việt Nam chỉ bao gồm tên thương hiệu và nhãn hiệu tiếng Anh là Miss Universe.
Việc trùng tên khiến các thí sinh và khán giả, truyền thông không phân biệt được đâu là cuộc thi của đơn vị nào tổ chức, việc này ảnh hưởng đến đầu tư, mặt chất lượng và quy mô của cuộc.
Trước câu hỏi của VietNamNet: Quan điểm của Sở Văn hóa thế nào về các vụ việc này và có phương hướng giải quyết hay chưa?, Đại diện Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM cho biết Sở không có vai trò xử lý mà sẽ hướng dẫn các bên liên quan làm việc với Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
“Thanh tra Sở đã giải thích các quy định của pháp luật liên quan nội dung kiến nghị, theo đó công ty thống nhất gửi đơn đến Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thẩm định, xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm của Công ty đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả theo quy định”, đại diện Sở nói.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL cho biết trong Dự thảo nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đang trình các cấp có thẩm quyền lên Chính phủ, đã có một điều bổ sung trong quy định về tên gọi của các tác phẩm.
Đó là quy định đối với việc đặt tên cho tác phẩm, thì không được vi phạm Khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Đây sẽ là nội dung được bổ sung cho chặt chẽ trong quy định của pháp luật, nhằm hạn chế những tranh chấp không đáng có.
Tranh chấp tên gọi các cuộc thi sắc đẹp hiện vẫn diễn ra và chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong năm 2022, Việt Nam có 30 cuộc thi hoa hậu, dẫn đến tình trạng loạn danh xưng, mâu thuẫn giữa các đơn vị tổ chức và những ồn ào xung quanh.