Việc cha mẹ thanh toán tiền chăm nom con mình cho ông bà nội, ngoại đã không còn là chuyện hiếm ở Hàn Quốc.

Không chỉ như vậy, theo hãng tin Reuters, hiện số người trả tiền để ông bà chăm cháu ngày càng tăng và mức phí đã tăng cao tương đương số tiền trả cho các bảo mẫu thực sự.

Bà Ock Mi-eun, 57 tuổi, đã trông cháu ngoại kể từ khi cậu bé chào đời cách đây 2 năm, để con gái bà có thể đi làm lại. Mỗi tháng, bà Ock nhận được 1 triệu won (830 USD) cho việc này.

{keywords}

Bà Ock hàng ngày đi đón cháu trai từ nhà trẻ và trông chừng cậu bé cho tới khi con gái bà tới đón vào buổi tối.

Các lớp hướng dẫn người già cách trông trẻ, vốn hiếm hoi trước năm 2013, đã xuất hiện ngày càng nhiều tại các trung tâm y tế công. Các lớp này thường hướng dẫn cho người già kỹ thuật hồi phục bằng hô hấp nhân tạo, mát xa cho trẻ mới sinh, cho ăn và chơi với trẻ con.

"Các bậc cao niên rất háo hức học cách chăm trẻ hiện đại, bởi lẽ rất nhiều thứ đã thay đổi so với thời của họ. Ngoài ra, các ông bà cũng không muốn bị con cháu coi thường", Song Geum-re, giảng viên lớp trông trẻ dành cho người già nói.

Xu hướng trên xuất phát từ những thay đổi trong vấn đề dân số ở Hàn Quốc - nơi có tốc độ lão hóa thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Tình trạng gia tăng số phụ nữ đi làm và tỷ lệ người già sống trong cảnh đói nghèo, là những lý do khiến nhiều người cao tuổi cần có thu nhập.

Mặc dù thống kê của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy có gần 53% phụ nữ đi làm, song mức này vẫn là khá thấp so với các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế.

Tính tới tháng 4/2014, 22,4% tổng số phụ nữ đã kết hôn trong độ tuổi từ 15-54 ở Hàn Quốc đã bỏ việc do cưới chồng, sinh con. Các bà mẹ mới có con thường không thể quay lại làm việc, do Hàn Quốc thiếu nhà trẻ và nhu cầu luôn vượt quá số lượng có thể tiếp nhận.

Một nghị sĩ đảng cầm quyền hồi năm ngoái cho hay, tỷ lệ trẻ em so với chỗ trong nhà trẻ hiện khá cao, thường là 11/1, nếu ở nhà trẻ công thì tỷ lệ này lên tới 47/1. Do đó số người phải nhờ cậy ông, bà trông giúp cháu đang ngày càng tăng lên.

Số lượng các gia đình có con được ông bà trông đã tăng từ 31,9% năm 2009 lên 35,1% vào năm 2012, dữ liệu năm 2014 của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu phụ nữ và gia đình Gyeonggido năm 2011 cho thấy, gần 80% trong số 300 ông bà thường trông cháu đã được trả tiền.

Theo ông Suh Moon-hee, một nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề y tế và xã hội, việc trả tiền cho ông bà trông cháu không phải là mới, nhưng tình trạng phổ biến cũng như mức thanh toán tăng lên cho thấy, việc này ngày càng chuyên nghiệp hơn.

"Trước đây, nếu một người Hàn Quốc trả 1/3 số tiền mà họ nghĩ sẽ trả cho người trông trẻ chuyên nghiệp, vì họ thường trợ giúp tài chính cho cha mẹ, thì hiện giờ họ trả lương đầy đủ. Điều đó giống như một giao dịch".

Với nhiều gia đình, nhờ ông bà trông cháu là việc đôi bên cùng có lợi.

Tiền trông trẻ có thể là nguồn thu chính của nhiều người già tại Hàn Quốc. Dữ liệu của chính phủ cho thấy, 49% người trên 66 tuổi trở lên phải sống trong cảnh nghèo đói.

Việc ông bà chăm cháu cũng có một số điểm tương đồng với các nhà trẻ. Nhiều ông bà rất chặt chẽ về giờ làm việc, thậm chí một số người chỉ trông tới 6h tối. Các ông bà thường trao đổi thông tin với nhau, ai được trả bao nhiêu và ai không được trả gì.

  • Hoài Linh