Gần 10 ngày sau chuyến xuyên Việt cùng con cháu, ông Nguyễn Văn Thành (60 tuổi) liên tục nhận được những tin nhắn, cuộc gọi hỏi thăm, chúc mừng từ bạn bè, người quen và thậm chí là cả những người xa lạ.

"Tôi vô cùng ngạc nhiên khi chuyến đi của gia đình mình lại được mọi người quan tâm tới vậy. Nhiều người nói, vợ chồng tôi truyền cảm hứng tích cực tới họ. Bản thân tôi thì chỉ nghĩ rằng, đây là chuyến đi để thực hiện ước mơ của bản thân, dành thời gian bên gia đình", ông Thành chia sẻ.

Đầu tháng 7 vừa qua, ông Thành và vợ - bà Lê Viết Chính (57 tuổi), sống tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng con trai, gia đình con gái (con rể, con gái và cháu ngoại 11 tuổi) thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy. Toàn hộ hành trình diễn ra trong 20 ngày với quãng đường 3.450 km, qua khoảng 40 tỉnh, thành phố. 

Ông Thành, bà Chính và các con, cháu trong chuyến hành trình xuyên Việt

Ước mơ ấp ủ suốt ba năm của ông ngoại tuổi 60

Ông Thành, bà Chính mở cửa hàng ăn nhiều năm nay để nuôi các con trưởng thành. Ông vốn tính vui vẻ, thích đi khám phá nên trước đây, cứ dịp lễ, tết, khi con được nghỉ học, cả gia đình lại rong ruổi đi các tỉnh ven Sài Gòn. Ông bà từng "cưỡi ngựa sắt" - chiếc xe máy cũ, gắn bó nhiều năm rong ruổi thăm thú miền Tây, đến Đà Lạt, Quy Nhơn. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi kinh tế gia đình ổn định, những chuyến đi thường xuyên hơn và xa hơn. 

"Theo mình nhớ, khoảng 3 năm trước, ba đã nói về ước mơ xuyên Việt cùng cả nhà nhưng mấy anh chị em lo ba mệt, di chuyển xa nguy hiểm nên ngăn cản. Đến đầu tháng 7, khi thấy cha mong mỏi thực hiện chuyến đi, rất kiên quyết, mình cùng chị gái, anh rể quyết định ủng hộ ba, lập tức sắp xếp công việc, chuẩn bị hành trang để lên đường", anh Nguyễn Thành Lộc (23 tuổi) - con trai ông Thành chia sẻ. 

Thời gian chuẩn bị trước chuyến đi chỉ khoảng 1 tuần. Vì nhà buôn bán hàng ăn nên bà Chính phải nhanh chóng tìm cách xử lý các thực phẩm như gạo, mắm, muối. Bà đem cho và chỉ giữ lại một phần. Ông bà chuẩn bị trang phục rất đơn giản. Ông Thành thậm chí còn không mang theo đôi giày nào do chỉ quen đi dép.

Con trai út là anh Lộc vốn kinh doanh xe máy nên được giao nhiệm vụ mang 3 chiếc xe đi bảo dưỡng, lắp thêm giá chở hàng. Anh còn sắm thêm 3 bộ đàm để gia đình tiện liên lạc nếu không may đi vào khu vực mất sóng điện thoại.

Họ xuất phát từ TPHCM, đi dọc quốc lộ 1, thỉnh thoảng rẽ qua các đoạn đường ven biển, ghé các điểm đến nổi tiếng như Nha Trang, Phú Yên, Hội An, Quảng Bình, Ninh Bình, Hà Giang, Sapa (Lào Cai), rồi từ Hà Nội lên tàu về TPHCM. "Gia đình mình không tính chi tiết nhưng tổng chi phí khoảng 100 triệu đồng", anh Lộc chia sẻ.

Riêng ngày đầu, cả gia đình 7 người, trên 3 chiếc xe máy đã đi hơn 400km. Những ngày tiếp theo, trung bình họ di chuyển khoảng 200km. "Đi tới mỗi tỉnh thành, ba mẹ và anh chị em mình đều vỡ òa trước cảnh sắc thiên nhiên, vô cùng hào hứng thưởng thức ẩm thực địa phương. Ba mình nhiều lần thốt lên: "Việt Nam đẹp quá", anh Lộc kể.

Chàng trai 23 tuổi thẳng thắn thừa nhận, có những lúc anh vô cùng nản chí. Cung đường qua các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, nắng nóng gay gắt, nhiều lúc Lộc mệt phờ, nản lòng, muốn "quay xe". "Trái ngược với mình, ba rất bền bỉ, kiên cường, lái xe khỏe như thanh niên. Chính ba là người luôn động viên, khích lệ mình. Vài ngày sau, càng chạy mình càng quen, thấy phấn khởi và nhiều năng lượng", anh chia sẻ.

Trong hành trình qua hơn 40 tỉnh thành, ông Thành, bà Chính đặc biệt ấn tượng với Hà Giang. Ông xúc động nhớ lại khoảnh khắc đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng, phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn sông Nho Quế, cảnh vật núi non trùng trùng điệp điệp. Ông bà cũng thích cảm giác ngồi trên thuyền, xuôi dòng Nho Quế.

"Nhưng đoạn đường chinh phục Hà Giang thì khó khăn vô cùng", ông Thành nhớ lại.

Từ thành phố Hà Giang lên Đồng Văn, cả gia đình gặp đoạn đường rất xấu: sình lầy, trơn trượt sau cơn mưa. "Nhà mình thủng lốp tới 2 lần, nhiều lần suýt ngã. Mấy bố con tự sửa chữa rồi lại tiếp tục lên xe đi tiếp", anh Lộc kể. 

Ông Thành, bà Chính yêu mến vẻ đẹp Hà Giang

Họ lưu trú lại Hà Giang lâu nhất, với hai đêm ở Đồng Văn và hai đêm ở làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi (Mèo Vạc). Ông Thành, bà Chính tham gia trekking đoạn đường hiểm trở để xuống bến, trải nghiệm đi thuyền ngắm sông Nho Quế.

Ông bà vô cùng yêu thích những đứa trẻ vùng cao nơi đây. "Nhìn mấy đứa bé uống chung lon nước, có đứa không có quần áo mặc, vợ chồng tôi thương lắm. Nhưng chúng rất đáng yêu, thấy ai đi qua cũng vẫy chào, cười tươi. Mình cho chút quà bánh là chúng mừng rỡ", ông Thành kể.

Mỗi khoảnh khắc bên gia đình đều vô giá

"Nhiều năm qua, ba mẹ vất vả, tần tảo nuôi chị em mình. Đây là dịp hiếm hoi, ba mẹ gác lại công việc lâu tới vậy, tận hưởng ước mơ của bản thân. Đây là những kỉ niệm đáng nhớ với cả gia đình mình", anh Lộc chia sẻ.

Trên hành trình, gia đình ông Thành, bà Chính không cố gắng đi thật nhiều mà cố gắng trải nghiệm thật kĩ. Cả nhà dành thời gian thưởng thức nhiều món ngon địa phương như dê Ninh Bình, chè heo quay Huế, kẹo cu đơ Nghệ An, bún chả Hà Nội, rượu ngô và lợn bản Hà Giang, gà đen Sa Pa... 

Người hay lo lắng nhất trong nhà, không ai khác là bà Chính. Ngồi sau xe chồng, thỉnh thoảng bà lại hỏi chuyện để giúp ông tránh cơn buồn ngủ, chủ động nhắc ông dừng chân để uống cà phê, nghỉ trưa lấy sức. Bà cũng không quên dõi theo các con để đảm bảo không ai lạc đường. 

"Hành trình xa hàng ngàn cây số nên không tránh khỏi lúc nguy hiểm. Có khi xe liệng đi vì bị container ép đường, có khi chao đảo vì gió lớn ở cung Bàu Trắng... Khi qua Hà Giang, tôi còn trực tiếp gặp một vụ tai nạn ô tô. Mỗi lần như thế tôi đều vô cùng lo lắng", bà Chính tâm sự. "Thật may mắn khi chuyến đi bình an. Cả gia đình đều khỏe, vui!", bà hạnh phúc nói thêm.

Di chuyển quãng đường xa nhưng ông Thành, bà Chính không hề đau lưng, nhức mỏi. "Ba mẹ dẻo dai khiến mình vô cùng ngưỡng mộ", anh Lộc chia sẻ. Được biết, việc lao động thường xuyên, điều độ, giữ thói quen ngủ sớm đã giúp vợ chồng ông bà giữ sức khỏe tốt. 

Trở về sau chuyến đi, ông Thành lên kế hoạch tiếp tục chinh phục Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên... "Nếu ba mẹ khỏe, mình mong ba mẹ có thể thực hiện những điều ba mẹ muốn. Điều đó chính là hạnh phúc lớn nhất với anh chị em mình", anh Lộc bày tỏ.

(Ảnh: NVCC)