Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2023 của CTCP Chứng khoán SSI ngày 25/4, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng cho biết, vốn hóa Chứng khoán SSI không thể tăng nếu thị trường chứng khoán không lớn lên.

Hiện, vốn hóa SSI chưa tới 2 tỷ USD. Theo ông Hưng, nếu thị trường chứng khoán tăng quy mô lên gấp 3 lần thì chắc chắn vốn hóa của SSI sẽ lên 10 tỷ USD.

Theo đại diện SSI, công ty không mua trái phiếu bất động sản khi thị trường hoảng loạn.

Trong 2 quý cuối năm 2022, SSI mua 15.200 tỷ đồng trái phiếu của các ngân hàng. Trong đó, trái phiếu của 4 ngân hàng lớn nhất chiếm 85%. Trái phiếu bất động sản chỉ chiếm 0,2% trong tổng giá trị. Lãi suất trái phiếu dao động trong khoảng 8-14%/năm.

Đánh giá về năm nay, lãnh đạo SSI cho rằng, thị trường sẽ khả quan hơn nếu so sánh với năm 2022. Nhưng còn quá sớm để lạc quan về khả năng bứt phá mạnh của thị trường.

Với kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ tăng 15% vào cuối năm 2023, lên vùng 1.160 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức thấp. 

Chứng khoán SSI đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 2.540 tỷ đồng trong năm 2023.

Trong quý I/2023, SSI ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế 610 tỷ đồng, bằng 24% kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI. (Ảnh: SSI)

Một số thông tin về doanh nghiệp niêm yết

* HPG: "Vua thép" Tập đoàn Hòa Phát (HPG) báo lãi trở lại trong quý I/2023, sau 2 quý thua lỗ nặng. Quý I, HPG ghi nhận doanh thu đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2022. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỷ đồng, đạt 5% so với kế hoạch năm 2023. 

*ACL: XNK Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) báo lợi nhuận quý I/2023 giảm 97% xuống còn hơn 2 tỷ đồng. Doanh thu giảm 57%.

* MBB: Ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Quân đội - MBBank (MBB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 với một số nội dung nóng là vấn đề cổ tức, trái phiếu Novaland, nợ xấu Mcredit. Ngân hàng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ trong năm nay, tiếp tục nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Mục tiêu lợi nhuận tăng 15% lên trên 26.000 tỷ đồng.

* DIG: DIC Corp (DIG) bất ngờ đặt mục tiêu lãi kỷ lục 1.400 tỷ đồng năm 2023 cho dù thất bại trong năm 2022. Trong năm 2022, DIC Corp cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cao ngất ngưởng lên đến 1.900 tỷ đồng, nhưng sau đó chỉ hoàn thành 1/10 kế hoạch đề ra.

* PGB: Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) Nguyễn Quang Định khẳng định, Thành Công Group không mua cổ phần PG Bank, không có kế hoạch sáp nhập ngân hàng khác.

Ba nhà đầu tư tổ chức mua 40% cổ phần (tương đương 120 triệu cổ phần PGBank) chưa được công bố. PGBank không có kế hoạch sáp nhập trong 5 năm tới.

* VTL: 5,06 triệu cổ phiếu của CTCP Vang Thăng Long (VTL) sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 19/5, do tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp và vốn chủ sở hữu âm hơn 12 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

* VNM: CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) đặt mục tiêu tổng doanh thu 63.380 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 5,5% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế tương đương năm vừa qua ở mức 10.496 tỷ đồng.

* VBB: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín - VietBank (VBB) trong quý I/2023 báo lãi trước thuế tăng 75% lên 158 tỷ đồng.

Giao dịch trên thị trường

* VN-Index: Kết thúc phiên giao dịch 25/4, trừ Vietcombank (VCB) và Tập đoàn Hòa Phát (HPG), 28 mã cổ phiếu trụ cột thuộc nhóm VN30 đều giảm giá.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản đều giảm cho dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư hướng dẫn cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Chỉ số VN-Index chốt phiên 25/4 giảm 6,51 điểm xuống 1.034,85 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 2,08 điểm xuống 204,69 điểm. Upcom-Index tăng 0,1 điểm lên 77,99 điểm. 

* Thanh khoản: Thanh khoản trên 3 sàn vẫn quanh mức thấp so với trung bình vài năm qua. Thanh khoản ngày 25/4 đạt 10.800 tỷ đồng, trong đó có 9.417 tỷ đồng trên sàn HOSE.

* Khối ngoại: Các nhà đầu tư nước ngoài song hành cùng nhà đầu tư nội bán ròng 145 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên toàn thị trường. Trong đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu Vingroup (VIC), Sacombank (STB)…

Sự kiện trong nước và quốc tế tác động tới TTCK

* NHNN ra chỉ đạo mới về tín dụng bất động sản. Cụ thể, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm,...Đồng thời, kiểm soát rủi ro đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường.

* Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

* Đến ngày 20/4, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

* Phó Thống đốc NHNN yêu cầu một số ngân hàng có biện pháp giảm lãi suất cụ thể ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

* Tổng Giám đốc CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) cho rằng, thị trường sữa Việt Nam chưa bão hòa, do dân số vẫn tăng, thu nhập người dân lúc tăng lúc giảm nhưng xu thế là tăng, mức tiêu thụ sữa bình quân trên đầu người Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn thấp.