Các nhà đầu tư nói rằng ít khả năng ông Trump sẽ xây dựng một bức tường dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico khi ông lên nhậm chức, nhưng họ đều nhất trí rằng khả năng xảy ra nhiều hơn chính là việc ông sẽ áp thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ châu Á, gây ra một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Xem lại kỳ 1: "Trump nói rất ít về biển đông, nhiều vấn đề khác chỉ im lặng"

Một cuộc thăm dò dư luận các nhà đầu tư vừa qua, do công ty chứng khoán Nomura (của Nhật Bản) tiến hành, đã nêu ra một danh sách dài những lo ngại dưới thời Tổng thống Trump ở Mỹ: từ khả năng nổi lên chủ nghĩa bảo hộ thương mại, tới những đe dọa an ninh khu vực nếu Mỹ cắt giảm các cam kết quân sự tại châu Á. Kết luận khác rõ: sau Mexico, châu Á gặp nhiều nguy cơ nhất.

Ông Rob Subbaraman, tác giả của báo cáo của Nomura, nhận định Tổng thống Trump chắc chắn sẽ làm tổn thương tăng trưởng GDP của châu Á và có thể gây ra lạm phát cho chi phí đẩy, chia nhỏ hơn phần thặng dư thương mại và nới lỏng các chính sách vĩ mô.

Theo báo cáo của Nomura, 77% người được hỏi trong cuộc thăm dò hy vọng dưới thời ông Trump, Mỹ sẽ gắn mác cho Trung Quốc là kẻ bóp méo tiền tệ và 75% tiên đoán rằng ông sẽ áp thuế nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Những lo ngại của các nhà đầu tư không phải là không có lý do chính đáng. Châu Á là trung tâm sản xuất của thế giới và nhiều nước thậm chí còn phụ thuộc vào xuất khẩu, khiến họ đứng trước nguy cơ cao nếu các hàng rào thương mại xuất hiện. Nomura nhận định: Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Mỹ trong năm qua và nếu Mỹ áp đặt các hạn chế thương mại đối với Trung Quốc, các tác động dây truyền đến phần còn lại của châu Á sẽ là có thật.

Không nước nào ở châu Á dễ bị tổn thương hơn Hàn Quốc và Philippines. Hàn Quốc phải đối mặt với một tác động từ hai phía: ông Trump từng chỉ trích thỏa thuận tự do thương mại Hàn – Mỹ năm 2012, cho rằng thỏa thuận này phá hủy gần 100.000 việc làm ở Mỹ; và ông thề sẽ buộc Hàn Quốc phải trả toàn bộ chi phí để Mỹ đảm bảo an ninh cho mình, việc sẽ tiêu tốn không nhỏ trong ngân sách của quốc gia Đông Bắc Á này.

Trong khi đó, Philippines phải đối mặt với nguy cơ bị hạn chế lao động nhập cư. Mỹ hiện đang đón nhận 35% tổng lao động Philippines ở nước ngoài. Theo ước tính của Nomura, số người này đóng góp khoảng 31% tổng tiền người lao động gửi về nhà, dòng ngoại tệ chính chảy vào nền kinh tế Philippines. Ông Trump còn cam kết đem việc làm trở lại Mỹ, điều này đe dọa lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng cho Mỹ đặt ở nước ngoài, và Philippines là một trong những nước Đông Nam Á sản xuất nhiều hàng nhất cho thị trường Mỹ. Ngành công nghiệp này đem về cho Philippines tương đương mức tiền người lao động ở nước ngoài gửi về, chiếm khoảng 9% GDP trong 2 năm qua.

Nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ là có thực. Ông Trump đã cam kết rút Mỹ khỏi Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – thỏa thuận gồm 12 quốc gia nằm trải dài hai bờ Thái Bình Dương, từ Peru tới Malaysia và chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu. Nếu TPP được phê chuẩn trước khi Tổng thống Barack Obama rời nhiệm sở, ông Trump cũng vẫn có quyền rút Mỹ khỏi hiệp ước này.

Theo luật pháp Mỹ, tổng thống có thể áp đặt thuế trừng phạt, bao gồm áp thuế tối đa 15% trong 150 ngày mà không cần Quốc hội phê chuẩn, trong trường hợp Mỹ bị thâm hụt cán cân thanh toán “lớn và nghiêm trọng” với một quốc gia khác, như Trung Quốc chẳng hạn.

Nếu Trung Quốc bị mang tiếng là “bóp méo tiền tệ” – việc mà Bộ Tài chính Mỹ có quyền đánh giá không cần Quốc hội thông qua – Trung Quốc có thể phải hứng chịu một loạt các hạn chế thương mại khác. Trong bối cảnh các hàng rào thương mại “nở rộ” và đầu tư nước ngoài sụt giảm, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể tìm cách hạ giá đồng Nhân dân tệ một cách nhanh nhất.

Những thay đổi lớn

Về quân sự, ông Trump đã tạo ra cảm giác lo lắng ở Tokyo với tuyên bố sẵn sàng tạo ra những thay đổi lớn trong quan hệ đồng minh an ninh gắn chắc giữa hai nước trong hơn 60 năm qua.

Trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng lớn trước các hành động gia tăng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông và chương trình hạt nhân của Triều Tiên, người ta đã từng kỳ vọng vào chiến thắng của bà Clinton sẽ giúp xử lý rắc rối này. Nhưng mọi chuyện đã xảy ra không như ý muốn. Trong các tuyên bố công khai trong vài tháng qua, ông Trump nhắc lại câu thần chú “Nước Mỹ trên hết”. Ông Trump cho rằng Tokyo và Seoul đã hưởng lợi quá lâu từ sự hào phóng về an ninh của Mỹ. Ông nói: “Nếu ai đó tấn công Nhật Bản, chúng tôi phải ngay lập tức xuất hiện và khởi xướng cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, được thôi? Nếu chúng tôi bị tấn công, Nhật Bản chẳng làm gì để giúp đỡ”.

Giáo sư chính trị Koichi Nakano, tại Đại học Sophia ở Tokyo, nhận định: “Không thể biết chắc liệu ông ấy có làm điều ông ấy nói là sẽ làm về an ninh với Nhật Bản và Hàn Quốc hay không”. Tuy nhiên, ông Nakano phân tích thêm: “Chúng ta đều biết rằng ông Trump không quan tâm nhiều lắm đến chính sách đối ngoại vì vậy có thể có trường hợp ông tách khỏi các vấn đề an ninh và để cho đảng Cộng hòa giải quyết”.

Có lẽ đáng cảnh báo nhất là việc ông Trump tuyên bố Nhật Bản và Hàn Quốc nên chấm dứt sự phụ thuộc vào “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ và tự phát triển vũ khí răn đe hạt nhân của mình. Nhiều chuyên gia phân tích quan ngại điều này có thể làm bùng phát một cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á–Thái Bình Dương, khu vực vốn đã căng thẳng.

Hai nước này dường như đã dự liệu về những thay đổi trên chính trường Mỹ và đã có những bước đi thức thời.

Năm 2015, Nhật Bản đã thông qua một đạo luật gây tranh cãi, lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh cho phép quân đội nước này thực hiện quyền phòng vệ tập thể – hoặc trợ giúp một đồng minh – trong các cuộc xung đột ở nước ngoài. Chính quyền Tổng thống Shinzo Abe cũng đang thúc đẩy sửa đổi hiến pháp bất bạo động của Nhật Bản để tạo điều kiện cho sự tồn tại của một lực lượng quân đội theo đúng nghĩa.

Trong khi đó, năm 2016, Hàn Quốc đã nhất trí tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, một động thái nhằm răn đe các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Ông Trump từng nói muốn gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un để thảo luận chương trình hạt nhân của nước này. Trong khi ý tưởng đối thoại này làm hài lòng những người từng tuyên bố rằng chính sách trừng phạt và cô lập của chính quyền Obama đã thất bại, bản thân Triều Tiên lại chưa có động thái phản ứng nào. Một quan chức nước này cho rằng những lời nói của ông Trump chẳng qua chỉ là tuyên truyền tranh cử.

Tỉ phú Donald Trump cũng chưa đưa ra chính sách cụ thể nào đối với Trung Quốc. Điều này khiến một số chính phủ Đông Nam Á lo ngại về chính sách “xoay trục” của Nhà trắng trong tương lai.

Dù Philippines đã chiến thắng trong vụ kiện Biển Đông tại Tòa Trọng tài ở La Hague (Hà Lan) hồi tháng 7, nhưng như mọi người thấy, Tổng thống Rodrigo Duterte khá uyển chuyển trong quan hệ với Bắc Kinh. Việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ có lẽ sẽ càng thúc đẩy chính sách này của tân tổng thống Philippines.

Đại sứ Mỹ Glyn Davies đang phải nỗ lực nói về sức mạnh của quan hệ Mỹ – Thái. Ngoài ra, ông Trump cũng không được lòng dân chúng tại các nước có đa số người Hồi giáo sinh sống, như Malaysia và Indonesia, kể từ khi ông tuyên bố kế hoạch hạn chế người Hồi giáo vào Mỹ.

Tuy nhiên, ông Trump cũng có một số đồng minh trong khu vực, hoặc ít nhất là những người ngưỡng mộ ông. Đáng kể là Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người đã mô tả tổng thống đắc cử của Mỹ là “rất tài năng”.

Châu Á là một khu vực trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Nhưng cho tới giờ câu hỏi khu vực này tác động thế nào tới thế giới quan của ông và điều đó có ý nghĩa gì đối với chính sách với châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng của ông vẫn là một ẩn số nhiều người đang cố mổ xẻ.

Đức Đan