Oppo đang từng bước nhảy vào phân khúc smartphone cao cấp tại Việt Nam. Khác với những lần ra smartphone cao cấp trước đó không tạo được thị phần đáng kể, hãng này bắt đầu gây dấu ấn mạnh ở nhóm smartphone trên 10 triệu đồng.
Theo số liệu GfK 3 tháng 6, 7, 8 năm 2019, Oppo luôn có hơn 10% thị phần ở mảng điện thoại phân khúc giá 10-15 triệu đồng. Trước đó hãng gần như nhường hẳn sân chơi này cho Samsung và Apple. Ngoài Apple và Samsung án ngữ phân khúc này, chưa hãng nào có được thị phần trên 10% liên tiếp 3 tháng như Oppo. Hồi tháng 6, với 10,5% thị phần, Oppo thậm chí vượt qua cả Samsung (9,5%).
Thị phần Apple, Samsung, Oppo ở phân khúc smartphone 10-15 triệu đồng trong 3 tháng 6, 7, 8 năm 2019. Đồ hoạ: Hải Đăng |
“Hơn 10% thị phần ở phân khúc này vượt qua kỳ vọng của chúng tôi”, ông Đỗ Quang Kha, CEO Oppo Việt Nam, nói trong sự kiện ra mắt bộ đôi Reno2 và Reno2 F mới đây. Trong đó, chiếc Reno2 có giá bán 14,99 triệu đồng.
“Thành công nhất định ở nhóm smartphone 10-15 triệu là tiền đề để chúng tôi tiếp tục ra mắt dòng Reno2”, ông Kha nói.
Trước đây Oppo từng ra mắt hai mẫu Reno, gồm Reno Zoom 10x (20,99 triệu đồng) và phiên bản Reno tiêu chuẩn (12,99 triệu đồng).
Chiếc Reno tiêu chuẩn ngay lập tức lấy được thị phần 9,8% - 12,2% - 9,3% trong 3 tháng kể từ tháng 6, tạo tiền đề để Oppo có số má tại phân khúc 10-15 triệu đồng. Trước đây Oppo chưa từng có được thị phần tốt như vậy ở phân khúc trên 10 triệu đồng nhiều tháng liên tiếp.
Sau khi Reno có tên trên bản đồ của dòng smartphone trên 10 triệu đồng, Oppo lập tức ra mắt bộ đôi Reno2 với giá bán cao nhất 14,99 triệu đồng - mức giá đủ để duy trì sự hiện diện ở nhóm smartphone 10-15 triệu đồng.
Cùng với đó, hãng lập tức giảm giá chiếc Oppo Reno Zoom 10x từ mức 20,99 triệu đồng 3 tháng trước về còn 14,99 triệu đồng nhằm tấn công tổng lực vào phân khúc này.
Oppo chưa từng có được thị phần tốt ở smartphone phân khúc trên 20 triệu đồng, cả phân khúc trên 15 triệu đồng cũng vậy, do đó việc giảm xuống dưới 15 triệu đồng để nhắm vào smartphone cận cao cấp là bước đi hợp lý.
Đối với smartphone từ 10 triệu đồng trở lên Apple vẫn nắm thị phần hầu như không thể với tới, luôn ở mức 60%-70%. Samsung xếp thứ hai với mức 10-20%. Trong 3 tháng gần nhất (tính tới tháng 8/2019), số liệu GfK cho thấy với hơn 10% thị phần, Oppo đã ngang ngửa với Samsung ở phân khúc 10-15 triệu đồng. Có lẽ Oppo đủ lực để cạnh tranh với Samsung ở phân khúc này hơn là nâng cuộc đấu lên phân khúc trên 15 triệu đồng.
Thành công bước đầu của Oppo ở phân khúc trên 10 triệu đồng không tự nhiên mà có. Trong sự kiện ra mắt bộ đôi Oppo Reno2 nói trên, ông Kha cho biết chiến lược hiện tại của Oppo là chú trọng phát triển sản phẩm chất lượng đi đôi với việc nâng tầm thương hiệu, việc này giúp Oppo có được hình ảnh tốt hơn khi nhắm tới nhóm smartphone cấp cao.
Các người mẫu đang cầm trên tay những chiếc Oppo Reno2. Ảnh: Hải Đăng |
Trên thế giới, Oppo hợp tác với giải quần vợt lừng danh Roland Garros, với câu lạc bộ Barcelona, với Lamborghini. Mới đây hãng cũng chính thức trở thành đối tác của game Liên minh huyền thoại. Tại Việt Nam, gần đây nhất chiếc Reno được Viettel dùng để thử nghiệm cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam, mang đến hình ảnh Oppo như một hãng công nghệ tiên phong ở mảng smartphone 5G. Những hoạt động này nhằm quảng bá thương hiệu Oppo đến phần đông người dùng hơn, ở tầm cao cấp hơn.
Ở khía cạnh sản phẩm, Oppo là một trong những hãng đầu tiên ra mắt chiếc smartphone có camera giấu bên trong thân máy, Oppo Find X, nhằm tạo ra một màn hình tràn viền hoàn toàn cho trải nghiệm hình ảnh, video tốt nhất. Hãng tiếp tục duy trì dạng thiết kế này với mẫu Reno, với camera bật lên theo phong cách mới hơn, dùng ngôn ngữ tiếp thị “vây cá mập” để thêm phần ấn tượng cho sản phẩm.
Chiếc Reno đầu tiên ngoài camera “vây cá mập” và màn hình tràn viền lớn còn có cụm camera độ phân giải cao 48MP. Lần ra mắt tiếp theo, chiếc Reno2 giữ camera “vây cá mập” và lại có thêm cụm 4 camera sau với đầy đủ tính năng cao cấp nhằm hút khách.
Oppo - cùng với Huawei, Vivo - đã tạo nên xu hướng smartphone màn hình tràn viền hoàn toàn không có “tai thỏ” hay “giọt nước” trên màn hình. Đây là xu hướng hoàn toàn mới mà những hãng thường dẫn đầu về công nghệ trên smartphone vẫn chưa quyết định nhảy vào một cách chính thức.
Với Find X hay Reno, Oppo và những hãng Trung Quốc đề cập kể trên đã cho thấy sự nhanh nhạy của họ trong việc thay đổi nhanh chóng và sẵn sàng đi theo cái mới. Rõ ràng một lớp người dùng chấp nhận cái mới này, với bằng chứng lượng người mua Reno tăng lên. Tất nhiên, lớp người khách hàng ở phân khúc trên 15 triệu đồng vẫn chưa dễ dàng bị Oppo thuyết phục.
“Ở phân khúc cao cấp người dùng khó tính hơn, lựa chọn kỹ hơn”, ông Kha nói. Rõ ràng Oppo nhận ra được điều này, và hãng đã có từng bước chuẩn bị khá kỹ.
Hồi giữa năm 2017, ông Đặng Quốc Cường - Giám đốc tiếp thị Oppo Việt Nam khi đó - đã hé lộ kế hoạch tấn công phân khúc cao cấp. Oppo bắt đầu mở các cửa hàng trải nghiệm sản phẩm (brandshop) đầu tiên nhằm chỉ trưng bày sản phẩm Oppo, trong đó có sản phẩm cao cấp, để khách hàng có cơ hội trải nghiệm thoải mái nhất.
Các cửa hàng trải nghiệm này dường như không còn được mở rộng, nhưng hãng vẫn giữ và phát triển mạnh các brandshop ở những trung tâm mua sắm lớn. Ông Cường khi đó cho biết muốn Oppo xuất hiện ở những địa điểm cao cấp hơn, tiếp cận nhóm khách hàng chịu chi hơn.
Kể từ thời điểm đó, Oppo bắt đầu mang những máy phiên bản đặc biệt về Việt Nam để đánh bóng hình ảnh, kèm với việc bán các mẫu cao cấp như Oppo Find X hay Reno Zoom 10x. Tuy nhiên rõ ràng để đánh vào nhóm smartphone nơi Apple ngự trị thì Oppo không thể dễ dàng thắng được khi mới chỉ có hai năm chuẩn bị.
Những chiếc Find X hay Reno Zoom 10x nhanh chóng hạ giá nhưng rõ ràng Oppo đã tìm được thị phần ở nhóm smartphone 10-15 triệu đồng. Đây là phân khúc lý tưởng nhất cho Oppo vì hãng này đã có kinh nghiệm chinh chiến ở nhóm 7-10 triệu đồng, với dòng smartphone tiêu biểu là F11 gần đây.
Bằng những bước đi khá bài bản và những phép thử có tính toán, Oppo đang bước một bước lên phân khúc cao cấp. Ở mức giá trên 10 triệu đồng, ngoài Oppo chưa có hãng nào ở top dưới duy trì được thị phần trên 10% trong 3 tháng liền. Như vậy ở lãnh địa này, Oppo đang từ kẻ ngoại đạo bắt đầu so vai cùng Apple và Samsung.
Thị trường smartphone Việt Nam 8 tháng đầu năm không có thay đổi nào đặc biệt, Samsung vẫn giữ thị phần dẫn đầu với 44,5%, kế đến là Oppo với 23,7%, Apple giữ vị trí thứ 3 với 7,1%. Ở phân khúc trên 10 triệu đồng, Apple vẫn chiếm ngôi vị số 1 với trên 60% thị phần, Samsung và Oppo lần lượt chiếm các vị trí tiếp theo.