Tôi mới hỏi đơn thuốc của bác đâu? Lục mãi cũng có cái đơn nhầu nhĩ nhưng từ năm ngoái và thuốc trong đơn chẳng liên quan gì đến bọc thuốc trên tay. Hoá ra mỗi bệnh viện bác chọn một loại uống, rồi của nhà bán thuốc khuyên uống, thuốc của anh bạn "đi Tàu" về cho, thuốc ông bác sĩ già đầu ngõ, thậm chí thuốc của vợ cũng giữ một ít để phòng khi huyết áp lên dùng tạm một vài viên.

Đây không phải trường hợp hãn hữu mà thường xuyên gặp, đặc biệt ở những người có chút hiểu biết thuốc men. Họ sẽ khám nhiều người, hỏi nhiều hướng, nghe ngóng uống thử một vài loại hay giảm nửa liều để… xem thế nào.

Nhiều trường hợp cách làm này thành công vì đơn thuốc cũng có nhiều loại thực sự không cần thiết, liều thuốc nhiều khi bị quá cao hay đơn giản là không có bệnh thật nên viên thuốc bổ cũng có tác dụng như thần dược.

Vậy nhưng khi có bệnh thực sự như tim mạch, đái tháo đường, thần kinh, tâm thần… những bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài thậm chí suốt đời, đơn thuốc ổn định là vô cùng quan trọng.

Việc thay đổi thuốc liên tục chắc chắn có hại, tự phối hợp các thuốc theo đơn khác nhau của nhiều “nguồn” là tuyệt đối không nên vì người bệnh đâu có biết sự tương tác nguy hiểm khi dùng chung với nhau. Nếu biến chứng xảy ra mình là người thiệt thòi nhất, chẳng bác sĩ hay cơ sở y tế nào chịu trách nhiệm khi người bệnh tự uống lẫn lộn đơn thuốc với nhau, không theo hướng dẫn.

Lời khuyên của tôi là gì?

Thứ nhất nên chọn một bác sĩ điều trị lâu dài bệnh lý mạn tính của mình và gia đình. Nếu sử dụng bảo hiểm y tế nên cố gắng sắp xếp lịch để khám một hoặc cùng lắm là 2 bác sĩ, xin số liên lạc để lần sau đến khám theo hẹn.

Thứ hai nếu thuốc chưa hợp, có tác dụng phụ cần quay trở lại bác sĩ để điều chỉnh, đừng vội chuyển bác sĩ, đi khám cơ sở y tế khác.

Thứ ba nếu phải khám đa chuyên khoa, luôn đưa đơn thuốc của mình đang dùng cho các bác sĩ chuyên khoa khác để bảo đảm sự tương tác thuốc tốt.

Thứ tư nếu thực sự muốn thay đổi bác sĩ điều trị, khi đi khám cơ sở y tế khác cần mang đầy đủ hồ sơ bệnh án để tránh tốn kém thời gian tiền bạc và đặc biệt không để bác sĩ mới “đi lại” đúng con đường cũ trong chẩn đoán và điều trị bệnh của mình.

Cuối cùng nếu bệnh viện hết thuốc thường cấp (do hết thầu, trượt thầu) nên đề nghị bác sĩ cho loại thuốc cùng nhóm tương đương. Lý do này nghe không khoa học tẹo nào nhưng lại là chuyện thường ngày không chỉ ở tuyến huyện.

Mong rằng hệ thống y tế đang vô cùng lúng túng trong mua bán đấu thầu sẽ sớm tìm được đường ra để tôi rút lại lời khuyên này. Mong mọi người luôn khoẻ để chúng tôi không phải khám bệnh từ 5h.

Chiều 6/9, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, một chuyên gia về tim mạch, đồng thời là Đại biểu Quốc hội khoá XV, đăng tải trên facebook cá nhân câu chuyện về "uống thuốc theo đơn".  

Câu chuyện được viết từ thực tế ông và nhiều đồng nghiệp chứng kiến, thậm chí đau đầu nhiều năm nay, đó là người Việt thích tự chữa bệnh, tự làm bác sĩ, tự nghe ngóng các cách điều trị từ nhiều kênh về áp dụng cho bản thân, thay vì tuân thủ theo đơn của bác sĩ kê. 

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu