Mấy ngày nay, nơi đâu cũng rôm rả chuyện Auchan "từ bỏ cuộc chơi", đóng cửa toàn bộ các siêu thị bán lẻ tại Việt Nam.
Doanh nghiệp này có thể đang bị thua lỗ, hoặc gặp điều gì không hay xảy ra nên buộc phải đóng cửa tại Việt Nam. Và có thể họ tung hàng bán sale off trong mấy ngày qua để hy vọng mong lấy vốn lại được bao nhiêu thì đỡ bấy nhiêu!
Còn chúng ta, nếu chọn mua hàng của doanh nghiệp này cũng đồng nghĩa với việc giúp họ giải quyết được một số khó khăn trước mắt.
Trước khi đóng cửa, Auchan cũng đã có lời trân trọng: "Chào tạm biệt, cảm ơn quý khách hàng trong suốt thời gian qua và hẹn gặp lại ở những buổi vui hơn". Họ còn nhắn gửi "Đừng quên sử dụng điểm tích lũy trong Thẻ thành viên..." trước ngày 02/6/2019.
Hôm nay, trước khi vào cổng gửi xe, người bảo vệ ân cần mời tôi chạy lên một chút để bấm mã thẻ. Vào bên trong siêu thị, khi tôi hỏi mượn cô bảo vệ chiếc xe đẩy, cô này cũng bảo "Em thử đến quầy tính tiền xem có ai đó để lại, lấy dùm chị"....
Loay hoay mãi vẫn không tìm được một cái xe đẩy nào, tôi được một chú bảo vệ lớn tuổi chỉ tay: "Có 1 cái giỏ đựng hàng kìa!".
Hàng hóa mà tôi mua được chỉ là những chai nước uống, vài bịch mì gói, cháo ăn liền, ... những món thiết yếu hàng ngày. Tất cả đều sale off 25%.
Đến quầy tính tiền, người ơi chật kín, hàng hóa đầy ắp, rôm rả tiếng người chen chúc nhau. Nhưng hiện tại chỉ có mỗi nơi đây là khu trật tự nhất trong siêu thị. Người tới trước, tính tiền trước; người tới sau, tính tiền sau. Ai chen vào thì chính nhân viên thu ngân này mời xuống để nhường cho người chờ kế tiếp. Tới lượt tôi, cô nhân viên tươi cười mặc dù gương mặt hơi bệt xanh vì mệt mỏi. Sau khi trả tiền, hàng được anh bảo vệ gói lại cẩn thận. Cô gửi hóa đơn cho tôi và không quên nói "Merci. Xin cảm ơn".
Đó là thái độ phục vụ văn minh của siêu thị, của người bán đối với người mua hàng. Nhưng, trong 2 giờ ở đây, bỗng dưng tôi thấy mình chùn lại, tự hỏi vì sao họ có thể làm những việc như vậy.
Có những người làm bố, mẹ lẫn con cái trông sạch sẽ, tươm tất, cứ đi hết quầy hàng này tới quầy hàng khác, tự do xé bao bì, lôi ra bất cứ cái gì họ thấy được. Họ thử hết cái món này đến món khác. Nếu là bánh, kẹo, họ ăn. Nước- họ uống. Uống từ chai này đến chai khác. Có những lon nước ngọt, chai nước ép trái cây cũng bị khui uống, bỏ lại nửa chừng, vung vãi từ trên kệ xuống dưới sàn. Sữa- họ tự khui, cắm ống vào hút chưa hết hộp thì bỏ ngang. Đến nước ngọt cũng thế! Có lẽ, đối với họ đây là bữa tiệc được chiêu đãi miễn phí chưa từng có trong đời.
Người mẹ bồng bế con nhỏ cũng chen chúc vào chốn người - vật đông ken. Tiếng trẻ con khóc la vì buồn ngủ, đói khát. Vậy là họ giải quyết bằng cách chọn ngay những gói snack, hộp bánh quy, sữa tươi,… và giải khát bằng những chai nước suối, nước có ga có sẵn trong siêu thị.
Đàn ông, đàn bà, trẻ con đều có những hành động thiếu văn hóa như thế! Họ bóc, lột hết cái này đến cái khác, mặc dù tất cả đã được dán kỹ. Từ thùng đồ chơi trẻ em, băng vệ sinh phụ nữ, tả em bé, tả người già, thùng nước ngọt, bánh kẹo, dao cạo râu,… đến việc “gỡ mã hàng” sản phẩm đã niêm yết, họ cũng không từ.
Nhìn những em độ tuổi học sinh THCS, THPT rủ rê nhau vào siêu thị mà tôi thấy nhột người. Chúng tò mò, vớ bắt những thứ ưng mắt. Vừa giành được chiếc xe đẩy với ai đó trong siêu thị, một nhóm học sinh (chừng lớp 9- lớp 10) vắt víu nhau cùng đi, lấy vài tuýp gel, sửa rửa mặt, bút, nước ngọt cho vào xe… nhưng trên tay chúng luôn cầm những gói bánh được bóc toẹt ra, miệng lúc nào cũng nhai nhai, nhép nhép. Một em gái có gương mặt xinh xắn, trắng trẻo chỉ tay lên kệ, rủ rê 2 bạn nam "Ê, lấy bánh này ăn đi bây!". Cô bé vừa nói vừa lấy trong chiếc xe đẩy lọ nước táo (loại nước ép Hàn Quốc, đựng trong chai thủy tinh), vừa ráng cạy bật cái nắp kim loại để uống. Tôi liền hỏi: "Nước đó con đã mua chưa vậy?". Như bị bắt quả tang, cô bé liền bỏ chai nước xuống xe, nói: "Con chỉ coi thử thôi mà".
Rồi có những bạn "sửu nhi" tuổi chừng 14-15 không ngừng làm điều như chưa từng được làm. Tất cả các loại chai xịt (kem cạo râu, gel, xịt phòng,...) đều bị chúng bật hết các nắp, chạy quanh các kệ thực phẩm đóng gói, kệ rượu và thả ga xịt lên đó. Cứ hết chai này đến chai khác. Mọi thứ bị chúng vấy lên đều trắng nhờn, kéo sợi. Nhân viên, bảo vệ có thấy cũng “bất lực”, không biết làm gì.
Nhưng cũng có những người phụ nữ thiện lương, áo quần không sang trọng, da đen nhẻm thấy tình cảnh, lắc đầu: "Người ta đã bị phá sản rồi mà còn làm như vậy nữa. Đúng là phá hoại". Các cô đi nhặt từng gói bánh, gói kẹo, chai lọ vun vãi xuống nền gạch rồi đặt lên kệ thật nhẹ nhàng: "Ưng thì mua, không ưng thì không mua. Cớ sao lại đi phá phách như thế này chứ!".
Rồi cũng có những đứa trẻ thật dễ thương khệ nệ phụ mẹ vác từng bọc hàng đem lên xe, sau thời gian dài chờ đợi. Em cũng tự mình dọn gọn lại những chiếc xe đẩy hàng, tìm cho được thùng đựng rác để bỏ những cái em cho là rác.
Nghĩ, con người xứng đáng với chữ nhân phẩm là ở phẩm chất, biết suy nghĩ về hành động của mình. Đàng này, biết nói thế nào về những... hành vi này, thật đáng xấu hổ.
Từ cửa siêu thị Auchan, mọi thứ đều tan hoang, lộn xộn. Sự lộn xộn bởi ý thức con người hay sự tham lam, giành giật mà có? Tôi nghĩ, người lớn nếu không làm gương thì sao con trẻ vâng lời. Người lớn làm những điều xằng bậy, hỏi sao con trẻ không làm theo?
Có người hỏi, nhân viên, bảo vệ siêu thị ở đâu mà để xảy ra tình trạng này? Họ vẫn đó nhưng đã bất lực. Còn hỏi “Chính quyền địa phương đâu, sao không có biện pháp nào để giúp doanh nghiệp?”. Tôi giật mình. Một doanh nghiệp, trước khi tuyên bố giải thể (vì lý do nào đó) đều đã thực hiện tất cả các thủ tục, đồng thời có văn bản thông báo với chính quyền địa phương, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Auchan cũng vậy. Nhưng để xảy ra tình trạng như thế này, có thể là lỗi từ hai phía. Hoặc Auchan không “đề nghị giúp đỡ” từ ngành chức năng, hoặc không lường trước sự việc xảy ra ngay sau đó. Hay nếu, trước khi “từ bỏ cuộc chơi”, Auchan khoan thông báo giảm tất cả các mặt hàng, tung bán ra để đóng cửa, mà có thể sắp xếp giảm giá từng phần, từng mặt hàng một cách trật tự thì hay hơn không. Hay là, liên kết với các nhà phân phối, siêu thị khác, thậm chí các đại lý bán lẻ để “chuyển giao” theo giá gốc sản phẩm. Còn đối với nhân viên siêu thị, Auchan có thể bán “ưu đãi” mỗi người trên một vài sản phẩm để hạn chế tình trạng “tuồn hàng” ra ngoài.
Nhưng, mọi việc đã rồi. Sự việc như thế này thì thật đáng tiếc!
(Theo Phụ nữ TP.HCM)